Hội An và báo chí: Đồng hành lắng nghe và chia sẻ

Theo một số tư liệu, Hội An và báo giới, báo giới và Hội An có mối quan hệ từ rất lâu, khoảng từ những năm 30 của thế kỷ XX, dưới thời Pháp. Tiếp đó, vào những năm 50, 60, Hội An được biết đến cụ thể hơn, rõ nét hơn bởi các bài báo, bài nghiên cứu của nhà sử học Nguyễn Thiệu Lâu (báo tiếng Việt), của nhà giáo – nhà nghiên cứu Trần Kinh Hòa (báo tiếng Nhật, tiếng Trung)… Những năm 90 và cuối thế kỷ XX, báo chí lại là nhịp cầu nối quá vãng với hiện tại để Hội An từ một “thành phố dưỡng già”, một quần thể di tích gần như bị lãng quên trở thành di sản VHTG qua các bài báo mang tính phát hiện, chuyên sâu của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, kiến trúc sư Kazic (quốc tịch Ba Lan) cùng một số nhà báo, nhà văn khác…

Từ khi đô thị cổ Hội An trở thành di sản VHTG, vùng biển đảo Cù Lao Chàm trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới, bằng nhiệt tình và tâm huyết, bằng lao động nghề nghiệp năng động và sáng tạo, báo chí thật sự góp phần để “tôn vinh” Hội An thông qua các sự kiện lễ hội văn hóa, du lịch, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Hội An ra khắp năm châu. Báo chí đồng thời cũng là là kênh thông tin đa chiều, là cầu nối giữa chính quyền thành phố với người dân, giữa Hội An với lãnh đạo cấp tỉnh, cấp trung ương, giữa Hội An và thế giới…

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại cuộc gặp mặt với các cơ quan thông tấn và những người làm báo khu vực miền Trung nhân kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2016)- Ảnh: Phan Sơn

Không thể nào kể, điểm hết khối lượng các bài báo trong nhiều năm qua đã viết về các hoạt động để làm cho Hội An đẹp hơn, sạch hơn, quyến rũ hơn, một đô thị cổ bình yên, thân thiện, xứng đáng với danh hiệu là một trong những điểm hẹn hò lý tưởng, một trong những điểm dừng chân lãng mạn của du khách năm châu bốn biển

Dẫu đưa tin, viết bài phản ánh những biến động mang tính tiêu cực, hạn chế, kìm hãm sự phát triển bền vững của di sản Hội An hay phân tích, nêu gương về những việc tốt, người tốt ở Hội An trong cuộc hành trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhân văn và thiên nhiên để xây dựng Hội An – TP sinh thái, văn hóa và du lịch, báo chí và những người làm báo vẫn luôn dành cho Hội An những chia sẻ ân tình, sự đồng cảm dựng xây sâu sắc. Ngược lại, cán bộ và nhân dân Hội An luôn luôn lắng nghe, cầu thị trước những ý kiến đóng góp công tâm, chân thành của báo giới.

Trong dòng chảy thường nhật của cuộc sống, trong cuộc đồng hành giữa Hội An với báo chí, những người làm công tác truyền thanh, truyền hình của thành phố tự hào là lực lượng luôn xung kích, đi đầu và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh của quê hương. Hội An tự hào là đơn vị đầu tiên của cả nước “xoá trắng” truyền thanh cơ sở từ rất sớm (vào những năm 80 của thế kỷ trước). Quản lý hành chính, qui mô đô thị phát triển đến đâu, hệ thống truyền thanh phát triển theo đó. Từ 10 đơn vị cơ sở đến nay cả 13 xã phường đều có trạm truyền thanh hoạt động ổn định, thường xuyên. Hầu hết các trạm đều xây dựng được các chương trình phát thanh địa phương, phản ánh tiếng nói của quần chúng, kết nối nhịp cầu tâm tư, tình cảm giữa Đảng với Dân và là công cụ điều hành, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của chính quyền ở cơ sở.

Tiếng loa truyền thanh vang khắp địa bàn dân cư- Ảnh: Đỗ Huấn

Theo số liệu tổng hợp từ các xã phường, hệ thống truyền thanh của thành phố hiện được kết nối thông suốt với khoảng 400 chiếc loa lắp đặt tại các điểm khác nhau. Từ lâu, hoạt động truyền thanh ở Hội An đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của người dân. Các chương trình phát thanh hằng ngày của Đài truyền thanh thành phố và các Trạm xã phường là một phần không thể thiếu được trong đời sống thường nhật. Loa truyền thanh nhanh nhạy chuyển tải những thông tin thời sự của phố phường, thôn xã; phổ biến những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến đời sống các tầng lớp nhân dân, động viên cổ vũ mọi người hăng hái thi đua lao động sản xuất xây dựng quê hương. Tiếng loa báo thức mọi người dậy sớm tập thể dục, giục nông dân ra đồng cày cấy. Thường ngày, hoạt động truyền thanh đã cần thiết, đến dịp lễ, tết hay có sự kiện chính trị như Đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND… càng thấy vai trò của công tác truyền thanh có ý nghĩa quan trọng hơn.

Về chương trình truyền hình, tuy mới thực hiện từ tháng 9 năm 2015 đến nay nhưng đều đặn 2 tuần một chương trình, vào lúc 17 giờ 55 phút chiều chủ nhật trên sóng Đài PT-TH Quảng Nam (QRT), chương trình truyền hình Hội An đã thu hút khá đông người xem và được nhiều người khen ngợi nhờ nội dung chương trình phản ánh kịp thời, phong phú các sự kiện, nội dung có liên quan với cách làm trẻ trung, năng động, đáp ứng được lòng mong đợi của lãnh đạo và sự kỳ vọng của khán giả, của nhân dân thành phố…

Đỗ Huấn