Hội An triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật

UBND thành phố Hội An chỉ đạo ngành chức năng triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn, nhằm chủ động ngăn ngừa, khống chế các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra.

Vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.

Theo đánh giá của UBND thành phố, năm qua một số loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên đàn gia súc và động vật thủy sản. Cơ quan, đơn vị chuyên môn cùng với chính quyền địa phương phối hợp với ngành chuyên môn của tỉnh triển khai nhiều biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh.

Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, không lây lan rộng. Một số bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm cũng xảy ra rải rác nhưng nhờ phát hiện, xử lý kịp thời, không gây thành dịch.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước luôn diễn biến phức tạp; tại các địa phương trên địa bàn thành phố có nhiều ổ dịch cũ, mầm bệnh lưu hành nhiều ngoài môi trường, chăn nuôi quy mô nông hộ thiếu an toàn sinh học chiếm đa số, công tác kiểm soát giết mổ chưa được thực hiện đồng bộ, tỷ lệ tiêm phòng định kỳ chưa đạt theo quy định… Vì vậy nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian đến là rất cao.

Năm nay, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp (KTNN) thành phố đã tham mưu thành phố triển khai 2 đợt tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh động vật.

Bà Trần Thị Hồng Trang – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp cho biết, thời gian tiêm phòng trong năm tập trung vào 2 đợt, đợt 1 từ tháng 2 đến tháng 3. Đợt 2, từ tháng 8 đến tháng 9.

Ngoài thời gian tiêm phòng định kỳ theo đợt chính, sẽ tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh, đàn gia súc, gia cầm đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ và đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng trong đợt chính. Riêng đối với bệnh dại sẽ tiêm 1 đợt chính vào tháng 5 và tháng 6, đảm bảo đạt trên 80% tổng đàn chó nuôi. Ngoài ra, Trung tâm còn tham mưu thành phố tiêm 1 đợt chính trong năm trước thời điểm dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò xảy ra tại địa phương, trước mùa phát triển của các nhân tố trung gian truyền bệnh viêm da nổi cục và vào thời điểm 1-2 tháng trước khi hết thời gian miễn dịch bảo hộ đối với trâu, bò đã được tiêm vắc xin viêm da nổi cục.

“Trung tâm cũng có kế hoạch áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho động vật nuôi có các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong đó tập trung bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục (trâu, bò); bệnh lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng (lợn); bệnh lở mồm long móng ở dê; bệnh CGC (thể độc lực cao), niu-cát-xơn (gà, chim cút); bệnh CGC (thể độc lực cao), dịch tả (vịt); bệnh dại động vật (chó, mèo).

Các hộ chăn nuôi đã và đang tích cực chăm sóc đàn vật nuôi, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Đồng thời phân công cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật; tập huấn, hướng dẫn các biện pháp chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh đối với từng loại bệnh. Tổ chức công tác giám sát dịch bệnh động vật; kịp thời xử lý khi dịch bệnh ở diện hẹp, hạn chế lây lan dịch bệnh ra diện rộng”, bà Trang nói.

Hiện tổng đàn gia súc của TP.Hội An có 2.230 con, gia cầm có 20.883 con và 3.106 con chó mèo. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố đã và đang tích cực chăm sóc đàn vật nuôi, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo bà Võ Thị Thuận – Chủ hộ nuôi heo tại thôn Thanh Tam – xã Cẩm Thanh, để đàn heo phát triển tốt thì ngoài việc tăng khẩu phần ăn, gia đình bà còn tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.

Đàn heo của gia đình bà hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt. “Tuần mô, tôi cũng phun thuốc khử trùng chuồng trại. Còn tiêm phòng thì 1 năm 2 kỳ. Nếu tôi muốn tái đàn thì bắt heo về mấy ngày sẽ báo cán bộ thú y của xã đem thuốc tới bổ sung tiêm phòng”, bà Thuận nói.

Để chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật, UBND thành phố đã yêu cầu UBND các địa phương phối hợp với Trung tâm KTNN giám sát dịch bệnh động vật, thống kê về thú y; chỉ đạo nhân viên thú y cấp xã triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm tại địa phương và trực tiếp tham gia công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, xử lý ổ dịch.

UBND thành phố cũng đề nghị UBND các địa phương thành lập các tổ giám sát dịch bệnh và giao trách nhiệm cho các trưởng thôn, khối phố và cán bộ thú y cơ sở theo dõi, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, khối phố và hộ chăn nuôi. Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, chấp hành nghiêm các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch. Đồng thời, chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Huy động các tổ chức đoàn thể ở địa phương, vận động nhân dân tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo kế hoạch.

MỸ LỆ