20 năm qua, ngân sách thành phố đã chi hàng tỉ đồng cho việc khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học về di sản văn hóa tại Hội An
Đến nay, chỉ riêng Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa đã xuất bản hơn 30 đầu sách về lịch sử, khảo cổ, về văn hóa ẩm thực, lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghề truyền thống, thông tin về di tích, di sản; và hàng chục đơn vị băng, đĩa phim, nhạc,…
Trình nghề gốm truyền thống tại một Bảo tàng chuyên đề ở Hội An- Ảnh: Quốc Hải
Hội An là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất ở Việt Nam có 6 bảo tàng chuyên đề, nhà lưu niệm, trưng bày với gần 10 ngàn hiện vật, hàng năm đón gần 1 triệu lượt khách tham quan, nghiên cứu.
Đặc biệt, từ năm 2015,lần đầu tiên, 268 hiện vật gốc, có niên đại từ thế kỷ IX – XIX tại Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch Hội An (80 đường Trần Phú) được giới thiệu bằng thiết bị thuyết minh cầm tay “audio guides”. Thiết bị tích hợp sẵn nội dung thuyết minh từng hiện vật qua 3 ngôn ngữ Việt – Anh – Nhật bằng mã số tương ứng với mỗi giờ sử dụng là 1 đô la Mỹ.
“Trung Tâm luôn đổi mới phương thức hoạt động của các Bảo tàng, tiếp cận bản sắc bằng phương tiện hiện đại là cách để phát huy giá trị văn hóa.” – Bà Lê Thị Tuấn – Trưởng bộ phận Bảo tàng của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, nói./.
Quốc Hải