Hằng năm, cứ mỗi dịp đến ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) trong lòng mỗi chúng ta lại dấy lên niềm vinh dự tự hào về những người hằng ngày thầm lặng, miệt mài góp sức làm nên sự nghiệp “trồng người” vĩ đại. Có thể khẳng định rằng, không ai trong mỗi chúng ta lại không có mối liên hệ với ngày hội “tôn sư trọng đạo” đáng nhớ này. Với những thầy giáo, cô giáo của ngành GD-ĐT thành phố, ngày hội ấy càng mang ý nghĩa trọng đại và sâu sắc. Là cô giáo làm công tác quản lý lâu năm, trải qua nhiều trường khác nhau, cô Dương Thị Mỹ Mai – Hiệu trưởng trường tiểu học Lý Tự Trọng chia sẻ cảm nghĩ: “Ngày 20/11 hằng năm đã trở thành ngày của giáo giới Việt Nam và là ngày để toàn xã hội tôn vinh những người đã đóng góp công sức, tâm huyết cho sự nghiệp trồng người. Đây cũng là ngày để học trò thể hiện tình cảm quý mến, kính trọng thầy cô giáo – những người đã vun đắp cho “cây đời” mãi mãi xanh tươi. Đây cũng chính là dịp để thầy cô giáo chúng tôi ngắm nhìn lại cuộc đời mình trong làm nghề dạy học. Chính vì vậy mà đòi hỏi mỗi người giáo viên và mỗi cán bộ quản lý phải không ngừng phấn đấu rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nghề dạy học, ngày càng hoàn thiện về phong cách và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người” mà Đảng và nhân dân giao phó”.
Cô Dương Thị Mỹ Mai đang kiểm tra vở sạch chữ đẹp của học sinh- Ảnh: Phan Sơn
Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của ngành GD-ĐT thành phố có 1189 người đang công tác và giảng dạy tại 41 trường gồm 17 trường mầm non, mẫu giáo, 14 trường tiểu học và 10 trường THCS. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 100%, trong đó tỷ lệ vượt chuẩn của giáo viên mẫu giáo là 83,3%, tiểu học là 94,8% và trung học cơ sở là 71,3% đáp ứng nhu cầu dạy và học trong xu thế đổi mới và ứng dụng công nghệ thông tin như hiện nay.
Trong những năm qua, đội ngũ thầy giáo, cô giáo trong toàn ngành đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, tận tâm dạy dỗ, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ “dạy chữ, dạy người” cho lớp măng non trên quê hương Phố Hội, góp phần làm nên thành tích xuất sắc của ngành GD-ĐT thành phố, được Bộ GD-ĐT tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc trong năm học vừa qua. Trong phong trào thi đua dạy tốt – học tốt, sự nỗ lực phấn đấu của các tập thể, các thầy cô giáo luôn là nhân tố quan trọng hàng đầu. Từ đó, toàn ngành cũng đã xuất hiện nhiều tập thể tiêu biểu. Cùng với Phòng GD-ĐT thành phố, trường mầm non Sơn Ca cũng được Bộ tặng cờ thi đua xuất sắc. Nhiều trường khác được tặng cờ, bằng khen của Bộ, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT tỉnh…
Cô Thiều Thị Hiệp sinh hoạt với các cháu trong vườn trường- Ảnh: Phan Sơn
Với đội ngũ giáo viên của thành phố, ý thức phấn đấu vươn lên trong giảng dạy, tu dưỡng, rèn luyện là động lực trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Đến nay, trên 87% giáo viên toàn ngành có trình độ trên chuẩn, trong đó có 7 thạc sĩ. Các phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” được duy trì và nhân rộng với nhiều cách làm hay, mô hình mới, thể hiện rõ lòng yêu nghề, mến trẻ của những “kỹ sư tâm hồn” ở Hội An. Trong năm học qua, toàn ngành có 183 chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đang đề nghị công nhận 8 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 13 tập thể Lao động xuất sắc, 13 tập thể Lao động tiên tiến và hàng trăm giáo viên dạy giỏi các cấp. Tiêu biểu có các cô Hồ Thị Ái Nhân (trường Sơn Ca), Phan Thị Yến (Mầm non Cẩm Phô), Khương Thị Thủy (Mầm non Cẩm Châu), Võ Thị Thanh Lan (Măng non Minh An)… đạt nhiều thành tích trong các hoạt động giáo dục.
Cô Lê Thị Liên đang hướng dẫn thực hành Hóa học- Ảnh: Phan Sơn
Nhiều thầy cô giáo ở Hội An đã khẳng định được vị thế vững vàng trên bục giảng, thể hiện tài năng truyền thụ kiến thức bằng tất cả tình yêu thương và tin tưởng đối với học sinh thân yêu. Cô Lê Thị Liên (giáo viên Hóa – Sinh) trường THCS Phan Bội Châu đạt giải nhất trong hội thi giáo viên dạy giỏi toàn tỉnh là điển hình. Cô Liên tâm sự: “Các em học sinh ở miền cát trắng. Gương mặt các em rất là ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên và luôn kính trọng thương yêu thầy cô. Thêm nữa, các em rất nỗ lực và cố gắng vươn lên trong học tập. Chính vì vậy khiến cho tôi rất yêu quý các em và càng yêu quý các em tôi càng yêu nghề hơn, đam mê công tác giảng dạy hơn và đó cũng chính là động lực để tôi đem hêt khả năng, tâm huyết của mình vào công việc giảng dạy cho các em”.
Cũng với lòng yêu nghề mến trẻ, cô Thiều Thị Hiệp (trường mầm non Sơn Ca) đã vượt qua những khó khăn thường nhật, sự cách trở trong đời sống vợ chồng, vừa chăm lo chu toàn cho con nhỏ vừa hoàn thành thiên chức hằng ngày của “cô đi nuôi dạy trẻ”. Tại hội thi giáo viên giỏi ngành học mầm non của thành phố vừa qua, lãnh đạo Phòng GD-ĐT thành phố và nhiều đồng nghiệp đã thán phục với kết quả giải nhất mà cô Hiệp đã đạt được. Không muốn nói nhiều về mình, cô Hiệp chỉ giải bày: “Tôi rất yêu thích trẻ thơ và trong chuyên môn của mình, tôi luôn tìm tòi những trò chơi mới hay những cách dạy sáng tạo để áp dụng giảng dạy để trẻ cảm thấy hứng thú và trẻ cảm thấy rằng một ngày đến trường là một ngày vui. Còn tôi luôn tự nhủ là phải thương yêu và gần gũi trẻ để trẻ cảm thấy yên tâm. Mình phải thay thế người mẹ để chăm sóc cho trẻ hằng ngày”.
Tất cả vì đàn em thân yêu, vì tình thương và trách nhiệm cao quý, các thầy cô giáo đã góp công lớn vào sự nghiệp “trồng người” trên quê hương di sản, xứng là tấm gương sáng để học sinh noi theo.
Đỗ Huấn