Nhân dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu và hướng đến kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969 – 2019), từ ngày 19.5 đến ngày 24.5 tại Nhà cộng đồng Trung tâm VH-TT xã, UBND xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) đã tổ chức Ngày hội phát động văn hóa đọc trong nhân dân và triển lãm, trưng bày bản đồ tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng pháp lý và lịch sử”.
Hội An đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm hình ảnh về Hoàng Sa, Trường và biển đảo quê hương- Ảnh: Đỗ Huấn
Cuộc triển lãm đã giới thiệu đầy đủ và khoa học về hệ thống hơn 100 tư liệu, bản đồ mang tính pháp lý và lịch sử cao độ, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam không thể chối cãi. Theo ông Nguyễn Văn Lanh – Trưởng Phòng VH&TT thành phố, đây là nguồn “vốn tài liệu” vô cùng quý giá mà Bộ TT-TT quan tâm, cấp phân bổ vì Hội An là đơn vị hiếm hoi của cả nước được nhận bộ tư liệu bản đồ này. Ông Lanh cho biết: “Chỉ riêng Hội An mới nghĩ ra chuyện làm văn bản gửi lên Bộ TT-TT đề nghị được cấp bộ tư liệu này, chứ theo quy định chỉ cấp đến tỉnh thôi! Bộ thấy Hội An quá nhiệt tình, quá cần thiết nên Bộ chở nguyên một xe tải vô tới Vĩnh Điện để chuyển cho thành phố. Vì vậy phải làm sao phát huy tốt hơn “vốn tài liệu” này. Vừa rồi đã tổ chức rất nhiều đợt, kể cả chung cho Đảng bộ, tổ chức ở thư viện liên tục, rồi tổ chức ở các trường Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi… và đang tiếp tục các trường khác. Riêng ở cấp xã, Cẩm Thanh là địa phương đầu tiên. Rất hoan nghênh lãnh đạo địa phương! Đây cũng là cơ hội, là dịp để chúng ta hiểu sâu hơn về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông thân yêu của Tổ quốc. Từ đó chúng ta cùng đóng góp chung vào việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.”
Trong nhiều năm qua, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp triển khai các hoạt động, lồng ghép nhiều chương trình tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân về tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống anh hùng, bất khuất trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh Tổ quốc. Phòng VH-TT và Trung tâm QLBTDSVH kết hợp tổ chức sưu tầm, bổ sung tư liệu và tăng cường trưng bày, giới thiệu hình ảnh về chủ quyền 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, xem đây là một “kênh thông tin”, góp phần minh chứng hùng hồn, khẳng định chủ quyền vùng biển trời của Tổ quốc, nuôi dưỡng giáo dục tình yêu biển đảo quê hương đối với lớp trẻ. Đến nay, các đơn vị đã tổ chức được nhiều cuộc trưng bày, giới thiệu hơn hàng trăm thư tịch, tài liệu, tranh, ảnh quý sưu tầm được như: Dư địa đồ thời nhà Nguyễn, Thư đồ thống nhất chi đồ thời nhà Minh, Địa dư toàn đồ thời nhà Thanh, An Nam đại quốc họa đồ…v..v,,, chứng minh, khắc họa được hình ảnh cuộc sống của quân và dân ta trên 2 quần đảo thiêng liêng Hoàng Sa và Trường Sa, để lại ấn tượng sâu sắc, thu hút sự quan tâm theo dõi của nhiều người. Qua đó, càng khẳng định hùng hồn Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Ông Võ Văn Hiền (ở xóm Cấm, Cù Lao Chàm) sau một lần được xem những hình ảnh và tư liệu trưng bày tại xã đảo Tân Hiệp đã không giấu được xúc động nói: “Cảm nhận của tôi là tự hào về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Và qua hình ảnh trưng bày, người dân xã đảo Tân Hiệp chúng tôi có cảm nhận rất sâu sắc về những hình ảnh, tư liệu địa hình địa lý xưa để lại mà qua đó mới hiểu biết thêm chắc chắn đó là vùng trời, vùng biển của Việt Nam chúng ta”.
Nhân dân Cẩm Thanh đến xem và nghe giới thiệu về “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng pháp lý và lịch sử”– Ảnh: Đỗ Huấn
Không chỉ với ông Hiền hay với người dân Cù Lao Chàm nói riêng mà người dân Hội An nói chung – những người sinh ra và lớn lên trong sóng gió trùng khơi, tình yêu đối với biển đảo quê hương luôn đọng mãi trong tâm khảm đời người.
Theo nghiên cứu, từ thế kỷ X Cù Lao Chàm đã được tư liệu, thư tịch của Ả Rập, Ba Tư nhắc đến là vùng đảo mà tàu thuyền các nước ghé đến để lấy nước ngọt, tiếp tế lương thực (chủ yếu là gạo, củi) và trao đổi hàng hóa với nhiều tên gọi khác nhau. Từ thế kỷ XVIII, Cù Lao Chàm được xuất hiện rất nhiều trên bản đồ nước ta với các tên Cù Lao Chàm hoặc Xã Cù Lao. Tấm bia hiện còn ở Cù Lao Chàm, có lẽ là xưa nhất (1757 – thế kỷ XVIII) xuất hiện với tên là Cù Lao Xứ, chứng tỏ từ lâu Cù Lao Chàm đã là điểm tiền tiêu trên biển và là nơi tàu thuyền qua lại buôn bán và tiến vào cảng bên trong. Không chỉ như vậy, trước đây Cù Lao Chàm còn là nơi trú ngụ an toàn, một nơi mà tàu thuyền bị đắm hoặc bị trôi dạt vào đây thì được cứu giúp hết sức tận tình.
Ngoài ra, Cù Lao Chàm còn là nơi chính quyền địa phương thời bấy giờ, nhất là dưới Triều Nguyễn tổ chức canh gác để phòng thủ cửa biển và kiểm soát hàng hải trên biển với đội thuyền đi tuần biển thường xuyên, cử dân canh gác nếu phát hiện tàu lạ thì đốt lửa báo về đất liền. Cù Lao Chàm vì vậy là một điểm phòng thủ trên biển từ rất sớm. Tuy là cụm đảo gồm 8 đảo nhỏ với tổng diện tích phần đất hơn 15km2 nhưng hiện còn rất nhiều di tích lịch sử văn hóa với 7 di tích cấp quốc gia, 1 di tích cấp tỉnh và 19 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Ông Trần Văn An – Phó Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho biết thêm: “Số lượng rất lớn so với các đảo biển khác, ví dụ như Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Côn Đảo, Lý Sơn thì số lượng di tích không nhiều bằng ở đây mặc dù cư dân chúng ta sống chỉ ở Bãi Làng, Bãi Hương thôi (khoảng hơn 2000 người). Trải qua quá trình lịch sử thì khối lượng di tích còn lại ở đây đáng nể, bao gồm cả di tích khảo cổ 3000 năm, như thế là rất sớm và đây là di tích chúng ta phát hiện dấu tích của con người đảo ven bờ rất sớm so với đất liền!”.
Với vị trí địa lý quan trọng trong vùng biển đảo Quảng Nam và quốc gia, với tầm chiến lược mang nhiều ý nghĩa của vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An sau 10 năm được UNESCO công nhận, Cù Lao Chàm đã và đang thu hút sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo các cấp, các ngành. Thành ủy và UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, biên soạn các tài liệu, bài viết về Cù Lao Chàm và các di tích, nội dung có liên quan trên địa bàn xã đảo, trong đó chú trọng cung cấp các thông tin, các chứng cứ lịch sử khẳng định về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với vùng biển đảo Cù Lao Chàm để đăng tải và phát hành rộng rãi thông qua các hình thức tuyên truyền, quảng bá đến bạn bẻ và du khách gần xa.
Đỗ Huấn