Là một trong những yếu tố tạo nên phần “hồn” của khu phố cổ Hội An, thế nhưng, hoạt động buôn bán hàng rong, vỉa hè đã và đang phát triển rầm rộ, ảnh hưởng trật tự giao thông, an ninh xã hội cũng như công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững tại Hội An.
Điều tiết là cần thiết
Ngày 12 /12/2016, UBND thành phố đã có Quyết định ban hành Đề án “Bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ Hội An”.Đối tượng thực hiện là các hộ, cá thể buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu vực I – khu phố cổ Hội An trên địa bàn 3 phường Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô.
“Việc tìm hiểu những yếu tố truyền thống văn hóa và khảo sát, đánh giá thực trạng của hoạt đông kinh doanh vỉa hè, hàng rong nhằm đưa ra giải pháp điều tiết hoạt động này là một vấn đề thời sự cấp thiết của thành phố trong thời gian hiện nay” – Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.
Đến thời điểm này, các phòng, ban, cơ quan, đơn vị và các xã phường đã triển khai các bước chuẩn bị thực hiện. Tại phường Minh An, Phó Chủ tịch UBND phường – Tạ Ngọc Ánh cho biết: “Phường có tổng cộng 31 địa điểm, khu vực để bố trí lại. Địa phương đã làm việc, hướng dẫn, thông báo cụ thể đến bà con rồi. Thứ Năm tuần này sẽ gửi giấy mời cho ký cam kết thực hiện”.
Còn tại phường Cẩm Phô, địa phương đã xây dựng nội dung bản cam kết gửi cho từng hộ được bố trí lại trên các tuyến đường. “Cùng với việc tuyên truyền các nội dung, yêu cầu của Đề án, ngay trước tết nguyên đán, phường đã gửi kế hoạch và nội dung cam kết của các hộ đến các cơ quan, ban ngành để tham khảo, góp ý hoàn chỉnh. Từng địa điểm, khu vực chúng tôi đã kẻ vạch, phân lô cụ thể theo quy định” – Bà Dương Thị Thu Trà – Phó Chủ tịch UBND phường trao đổi.
Sắp xếp, bố trị lại hàng rong góp phần giữ lại phần “hồn” của phố cổ Hội An- Ảnh: Quốc Hải
Theo Đề án, việc bố trí lại hoạt động kinh doanh hàng rong, vỉa hè trong Khu vực I Khu phố cổ nhằm bảo tồn một hoạt động kinh tế – văn hóa truyền thống, tôn vinh vẻ đẹp phố cổ; đảm bảo an toàn giao thông, môi trường văn hóa và tạo thành một sản phẩm du lịch độc đáo của Khu phố cổ Hội An. Vì thế, chỉ những gánh hàng rong, hàng vỉa hè buôn bán những mặt hàng truyền thốnggắn bó và góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng củaHội An mới được bố trí lại ở những vị trí công cộng, góc phố, dưới mái hiên trong khu vực I phố cổđể tạo nên những góc nhìn đẹp của văn hóa truyền thống trên các vỉa hè, đường phố Hội An.
Thành phố không giải quyết buôn bán vỉa hè cho những hộ có nhà mặt tiền, trừ trường hợp nhà có 2 hộ nhưng trong đó có 01 hộ không thể buôn bán mặt tiền và đang tham gia bán vỉa hè. Mỗi người chỉ được bán 1 mặt hàng trong danh mục quy định.
Quy định cụ thể
Chủ trương của thành phố là việc bố trí lại được thực hiện hợp lý, công khai và không làm xáo trộn việc buôn bán của bà con.Các hộ, cá thể tham gia buôn bán vỉa hè, hàng rong trong khu vực I Khu phố cổ phải là người địa phương có hộ khẩu thường trú tại Hội An; người đã từng tham gia bán vỉa hè và đóng lệ phí cho địa phương; người của các gia đình có truyền thống và uy tín về bán hàng rong địa phương;người thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở Hội An, các hộ ở trong kiệt hẻm; phải cam kết thực hiện đúng các quy định về địa điểm, diện tích, mặt hàng, phương tiện, công cụ, trang phục; phải cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, sản phẩm; được tập huấn về giao tiếp và thực hiện tốt giao tiếp ứng xử với khách và một số quy định khác của địa phương.
Thành phố không giải quyết việc bán rong bằng xe máy, xe đẩy, các hình thức trải bạt, chiếu…xuống vỉa hè, lòng đường trong Khu phố cổ. Tại các điểm được bố tríbuôn bán, người bánphải sử dụng các phương tiện, vật liệu thân thiện với môi trường và có kiểu dáng truyền thống theo mẫu cung cấp; không che chắn dù, bạt hoặc các vật dụng gây mất mỹ quan.
Gánh đậu hủ trên đường phố cổ Hội An- Ảnh: Quốc Hải
Ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An cho biết thêm: “Hàng loạt các quy định chi tiết, cụ thể sẽ được áp dụng khi thực hiện việc bố trí lại hoạt động buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ. Trong đó, đáng chú ý là người bán phải mặc trang phục truyền thống; các mặt hàng phải có ghi tên các món, mặt, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết.Những mặt hàng mới không phù hợp với truyền thống, trong không gian Khu phố cổ, gây ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân và du khách như chim tre, vật bay phát quang, gậy chụp ảnh, tranh 3D, đồ chơi bằng nhựa, dịch vụ dán, xăm hình, gương kính mát,…sẽ không bố trí”
Theo kế hoạch, đến ngày 12.2 tới, thành phố sẽ triển khai đề án này. Tuy nhiên, việc chuẩn bị và sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các xã phường đến nay vẫn chưa hoàn tất. Ông Trần Văn An – PGĐ Trung tâm QLBTDSVH Hội An – Cơ quan trực của Đề án “Bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ Hội An” đề nghị: “Cẩm Phô chỉ bố trí lại 9 điểm ở đường Nguyễn Thị Minh Khai và 3 con đường khác giao cho UBND phường tham mưu bố trí. Minh An thì chỉ 31 điểm để bố trí lại 53 hộ. Nếu quyết tâm thực hiện đề án này thì phải có chỉ đạo thống nhất, tập trung, cần thiết phải quy trách nhiệm cụ thể mới làm được. Chứ tôi thấy việc triển khai rất chậm”.
Hy vọng, đề án sẽ sớm được triển khai, vừa gìn giữ bảo tồn yếu tố truyền thống văn hóa kinh doanh buôn bán vỉa hè, hàng rong, vừa phát huy, phát triển tạo nên một sản phẩm du lịch đặc sắc của Khu phố cổ Hội An. Cùng với đó sẽ góp phần đảm bảo sự ổn định, trật tự, an toàn giao thông, phù hợp với cảnh quan của khu phố cổ và đời sống dân sinh; đảm bảo sự công bằng, ổn định, không gây nên sự xáo trộn, dư luận xấu, đồng thời đảm bảo có tính kế thừa trong quá trình chọn lọc, phân bố lại các hộ, cá nhân buôn bán hàng rong, vỉa hè./
Quốc Hải