Gần 20 năm qua, nghệ nhân Huỳnh Ry ở xã Cẩm Kim – TP. Hội An cùng gia đình đã liên tục tổ chức hàng chục lớp dạy nghề miễn phí cho nhiều lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Đội ngũ thợ Mộc lành nghề ngày càng trưởng thành đã góp phần phục hồi, bảo tồn các giá trị tri thức dân gian của làng nghề truyền thống tại làng Kim Bồng này.
“Tôi đã đào tạo được hàng trăm công nhân lành nghề, làng truyền thống của chúng tôi nay cũng không sợ mai một nữa. Trước đây có dạy cho con em địa phương, bây giờ tiếp tục dạy cho các con em địa phương gần đây tới xin, tôi cũng dạy miễn phí -Nghệ nhân Huỳnh Ry chia sẻ:
Không chỉ cơ sở Mộc Kim Bồng, những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp tại Hội An đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố, trong đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được phát huy, góp phần rất lớn cho công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Thực tế, khi khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp không chỉ đóng khung trong giá cả và chất lượng sản phẩm mà gắn liền với trách nhiệm đối với con người cũng như cộng đồng thì trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là vấn đề đang ngày càng được quan tâm. Cùng với việc nhận phụng dưỡng, đỡ đầu các đối tượng chính sách, hộ nghèo trong và ngoài thành phố, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp đã tự tổ chức hay hưởng ứng tích cực các hoạt động có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Huy động nhân viên khách sạn dọn vệ sinh môi trường- Ảnh: Quốc Hải
Đơn cử như Khách sạn Mường Thanh tổ chức chương trình “Giữ tôi sạch” với sự tham gia của chính quyền địa phương và nhân viên khách sạn, cùng nhau dọn rác tại bãi biển Cửa Đại, tạo ra môi trường sạch, thông thoáng cho du khách nghỉ dưỡng, vui chơi. Khách sạn Amanity tổ chức cho các nhân viên dọn dẹp vệ sinh tại các tuyến đường, khu vực xung quanh cơ sở. Khách sạn Royal ra quân vớt rác, vét kênh nước nối sông Thu Bồn với sông Hoài,… Hàng chục doanh nghiệp, khách sạn như Công ty Á Đông silk, Mường Thanh, Sunrise, Mercure, Hội An beach, Nhà cổ, Đèn Lồng, Amanity, Nhà cổ ven sông, Phú Thịnh, Vĩnh Hưng,… đã tham gia diễu hành xe đạp hưởng ứng chương trình “Vì môi trường xanh quốc gia”.
Có thể nói, điều đầu tiên và dễ thấy nhất khi nói về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chính là các hoạt động từ thiện. Không khó để đánh giá hoạt động này thông qua việc thống kê số lần, số tiền mà doanh nghiệp Hội An đã làm trong những năm qua. Cùng với đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn thể hiện ở việc ứng xử với người lao động. Đây vừa là yếu tố cấu thành của doanh nghiệp, đồng thời cũng chính là đối tượng xã hội chịu tác động từ các chính sách của doanh nghiệp. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có tiêu chuẩn sử dụng lao động, các chính sách đáp ứng quyền lợi người lao động, tạo môi trường làm việc thuận lợi nhằm tăng năng suất lao động, tạo sự gắn kết với các thành viên.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Lộc – Giám đốc Cty Hoàng Ngân Hội An cho rằng, doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ có trách nhiệm với người lao động mà còn phải thể hiện trách nhiệm của mình với toàn xã hội. Bà Nguyễn Thị Mỹ Lộc nói: “Chúng ta là những doanh nhân thì chúng ta sẽ có trách nhiệm với cộng đồng, chúng ta phải biết chia sẻ với cộng đồng. Chúng ta phải biết như thế nào đó, ngoài phát triển cho doanh nghiệp chúng ta phải phát triển đời sống cho anh chị em công nhân và phát triển cộng đồng”.
Một doanh nghiệp tặng Lò đốt rác cho Cù lao Chàm- Ảnh: Quốc Hải
Hiện nay, trong xã hội có bao nhiêu người tiêu thụ sản phẩm do doanh nghiệp làm ra thì có bấy nhiêu người nằm trong vùng phủ sóng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Về mặt quy mô, có lẽ đây là trách nhiệm lớn nhất, vì liên quan đến hầu như toàn thể cộng đồng. Điều đó thể hiện qua các cam kết về chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi, tính trung thực trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như sự bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng.
Chính vì vậy mà nhiều năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Hội An luôn đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng Hội An – Thành phố sinh thái. Rõ ràng, thực hiện trách nhiệm xã hội vừa là đóng góp của doanh nghiệp cho xã hội, vừa là một lợi ích tự thân của mỗi doanh nghiệp. Khi thực hiện trách nhiệm xã hội, các doanh nghiệp sẽ củng cố khả năng cạnh tranh của mình trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nơi mà các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh đã trở thành một hàm lượng bắt buộc./.
Quốc Hải