Cây nêu ngày Tết ở Hội An

Cùng với nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, nhiều năm qua, việc phục dựng cây nêu ngày Tết tại phố cổ Hội An đã trở thành tục lệ tốt đẹp, gợi nhớ lại Tết xưa trong cộng đồng, làng xã bằng những ấn tượng và sắc màu sinh động.

Cây nêu ở Đình Sơn Phong- Ảnh: Quốc Hải

Lệ thường, cứ đến chiều 25 tháng Chạp, cộng đồng cư dân Sơn Phong, Hội An lại tụ hội về đình làng để chuẩn bị dựng cây nêu đón Tết. Ngôi đình được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII để thờ thành hoàng và các vị bảo hộ của làng, hiện còn lưu giữ bức hoành “Cứu thế độ nhân” do Chúa Nguyễn Phúc Chu ngự ban năm 1715.

Ông Phạm Phú Quốc – Đình làng Sơn Phong, chia sẻ: “Cứ đến 25 tháng Chạp, bà con mỗi người một tay chuẩn bị dựng nêu trong đình. Khi dựng nêu xong thì coi như Tết đã đến, mọi chuyện năm cũ đi qua, càu mong năm mới an lành, làm ăn phát đạt”.

Trước khi dựng nêu, bô lão trong làng cúng đất đai và thổ thần. Đây là lễ cúng quan trọng nên luôn được tổ chức trang nghiêm, đúng nghi thức và truyền thống của địa phương.

Nhiều năm qua, việc phát động “Phục dựng cây nêu ngày Tết” đã được đông đảo đình chùa, hội quán, nhà thờ, miếu mạo cả thành phố hưởng ứng. Không chỉ dựng nêu với những tục lệ xưa, các cây nêu còn được trang trí bằng đèn lồng và nhiều hình thức khác, vừa trang trọng vừa đẹp mắt.  

“Đã 8 năm qua, Trung Tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An vận động phục dựng cây nêu ngày Tết. Bây giờ đã trở thành một tục lệ truyền thống mang ý nghĩa tâm linh trong đời sống cộng đồng” – Bà Trần Thị Lệ Xuân – Cán bộ Trung Tâm QLBTDSVH Hội An, cho biết.

Để hoạt động “Phục dựng cây nêu ngày tết” thực hiện hiệu quả, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã phổ biến một số thông tin hướng dẫn việc phục dựng cây nêu ngày tết.

Mỗi cây nêu sẽ được dựng bằng tre già có treo cờ hội vuông cỡ lớn và lá phướn với nội dung mang ý nghĩa tốt đẹp, mừng năm mới. Lá phướn, ngày xưa làm bằng giấy, bên trên viết tên các vị thần chủ quản trong năm được thiên đình phái xuống như Hành Khiến, Hành Binh, Thái Tuế,… Ngày nay lá phướn có thể được thay thế bằng vải màu đỏ, bên trên viết các câu chữ mang ý nghĩa tốt đẹp nhằm chúc mừng năm mới như: Tân niên kính chúc quốc thái dân an phong điều vũ thuận hoặc chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng,… Khuyến khích sử dụng câu chữ theo kiểu truyền thống.          

Minh Hương Tụy Tiên đường cũng dựng nêu từ 25 tháng Chạp

Lệ xưa trên cây nêu treo chuông đất, khánh sành, nay có thể thay thế bằng chuông gió. Vật mang ý nghĩa tín ngưỡng theo truyền thống của địa phương có thể là một nhành lá đa, lá dứa hay nhánh xương rồng, hoặc một giỏ nhỏ được đan bằng tre, bên trong bỏ các loại vàng mã, gạo muối, trầu cau và một tấm vỉ hình ô vuông được đan bằng nan tre gồm 4 nan dọc và 5 nan ngang biểu tượng cho “tứ tung ngũ hoành”. Những đồ vật này treo phía dưới chùm lá tre bằng một vòng tre tròn, chắc chắn.

Để tạo cảnh quan xung quanh khu vực dựng nêu có thể kết hợp trang trí lồng đèn hoặc các hình thức trang trí khác phù hợp như cây cảnh, panô, các đồ án mô hình về ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, con giáp của năm, các đồ án cát tường như Phúc, Lộc, Thọ,… các hình ảnh mang ý nghĩa ca ngợi quê hương đất nước. Trước khi dựng nêu cúng đất đai và thổ thần. Lễ vật gồm con gà trống tơ, hương đèn, hoa quả, kim ngân, trầu cau, gạo muối,… Lễ vật cúng hạ nêu gồm con gà trống tơ, hương đèn, hoa quả, kim ngân,…Cúng xong thì hạ nêu vào ngày khai hạ mồng 7 Tết.

Tết Kỷ Hợi này, hơn 50 đình, chùa, miếu mạo, nhà thờ ở các làng xã và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tại phố cổ Hội An đã phục dựng cây nêu ngày Tết. Cây nêu là biểu tượng của sự trừ tà, trấn ác, ước mong bình an, mưa thuận gió hòa và khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất đai của gia đình, làng xóm, cộng đồng nên việc dựng nêu có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng và là hình ảnh sinh động tạo cho mùa xuân. Thông lệ, lễ hạ nêu vào ngày khai hạ mồng 7 Tết.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, chia sẻ: “Cùng với những giá trị sinh thái và con người trong Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, việc khơi dậy sức sống cộng đồng luôn được chú trọng. Ví dụ như tục lệ dựng nêu ngày Tết, đây chính là sự gắn bó của cộng đồng dân cư, khơi dậy tình làng nghĩa xóm, phục hồi các giá trị văn hóa cổ truyền tốt đẹp”.

Dịp Tết, hãy về phố cổ Hội An để ngắm nhìn những điều kỳ diệu mà ước mơ bình an của người phố Hội gửi trao trên bầu trời.

Quốc Hải