Nỗi niềm yến Cù Lao Chàm

Có một loài én biển đã chọn vùng biển đảo Cù Lao Chàm – Hội An làm nơi ngụ cư cả 4 mùa trong năm, thường gọi chim yến.Mùa xuân cũng là mùa chim yến sinh sản. Tổ yến được đan từ những sợi nước miếng mà chim tiết ra từ hạch dưới lưỡi. Chúng rút ruột làm tổ. Còn những sợi nước miếng màu trắng hồng được đan xen, dính vào nhau, khô lại kết thành những tổ yến hình nửa quả cầu, trông tựa vành tai ngoài (nên người ta thường gọi là tai yến).

Hang yến làm tổ ở Cù Lao Chàm- Ảnh: Đỗ Huấn

Tai yến còn thường được gọi là yến sào. Vì giàu dinh dưỡng nên yến sào là loại thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe tốt cho con người. Hàng trăm năm trước, yến sào được coi như một mặt hàng đặc sản của xứ Đàng Trong, là một trong số loại hàng xuất khẩu chủ yếu từ thương cảng Hội An, được khai thác từ những hòn đảo ven biển Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa. Song, yến sào Hội An, khai thác từ Cù Lao Chàm được đánh giá là quý hơn. Những tai yến xếp chồng lên nhau được cột bằng sợi dây ngô đồng – loài cây đặc biệt riêng có ở đảo này, làm say lòng những lái buôn từ các nước đến giao thương buôn bán… Ông Nguyễn Sự – nguyên Bí thư Thành uỷ cho biết: “Về mặt lịch sử, trước đây yến được gói bằng dây ngô đồng của Cù Lao Chàm. Chỉ cần một cái bao lác cột với sợi dây ngô đồng gửi đi là người ta biết đó là yến Hội An. Bao bì hồi xưa tuy đơn giản, dân dã nhưng bảo quản được lâu. Ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông khi nhận được hàng xuất qua mà thấy dây ngô đồng cột bên ngoài là biết ngay đó là yến Hội An”.

Theo một số bậc lão làng hiểu nghề, cách đây vài trăm năm 1 tạ yến sào trị giá tương đương hơn 10 tạ hồ tiêu hoặc 1 tấn đường trắng. Ngày nay nhờ những công dụng của yến sào trong ẩm thực và y học nên giá trị càng cao gấp nhiều lần. Một ký yến sào loại tốt giá vài ngàn đô-la (Mỹ). Chính vì thế mà có người gọi yến sào là vàng trắng.

Nhiều năm qua, chính quyền và các ngành chức năng của thành phố luôn tìm tòi, tìm cách cải tiến các điều kiện sinh tồn của chim yến, thay đổi cách thức chăm sóc, khai thác để bảo vệ, phát triển đàn chim, ổn định và cố gắng nâng cao sản lượng thu hoạch; đồng thời không ngừng nỗ lực tìm nhiều cách tiếp cận thị trường, mở rộng mạng lưới bán buôn, đa dạng hình thức tiêu thụ để góp phần tăng thu cho ngân sách thành phố. Nhìn chung với giá trị quý hiếm mà “trời ban cho”, việc tiêu thụ mặt hàng yến sào Cù Lao Chàm luôn “thuận buồm xuôi gió”. Nhưng theo báo cáo của Phòng TC-KH thành phố, lợi nhuận sau thuế nộp vào ngân sách nhà nước từ yến có xu hướng giảm qua các năm, sản lượng năm 2018 giảm so với năm trước và nguồn thu chỉ đạt khoảng 13 tỷ đồng so với dự toán Tỉnh giao là 25 tỷ đồng.

Gian hàng hiới thiệu sản phẩm yến sào Cù Lao Chàm tại Chợ phiên Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn

Từ thực tiễn và qua nghiên cứu, chính quyền thành phố đã nhận ra những tác động phức tạp khó lường từ biến đổi khí hậu, từ sự thay đổi môi trường xung quanh, từ sự phát triển nghề nuôi yến tự phát trong hộ gia đình ở đất liền… nên xác định nhiệm vụ tập trung trong thời gian tới là xúc tiến việc khoanh vùng, quy hoạch quản lý hoạt động nuôi chim yến; thực hiện công tác bảo vệ, xử lý các tác nhân gây hại gắn với việc nghiên cứu phát triển đàn yến đảo Cù Lao Chàm; triển khai các hoạt động tinh chế sản phẩm từ yến để tạo giá trị tăng thêm từ yến. Bí thư Thành ủy Kiều Cư cho biết, năm 2019 này Hội An sẽ tổ chức đấu giá công khai, minh bạch về thu nhập từ yến. “Phải làm sao đó kêu gọi các nhà đầu tư chế biến yến của chúng ta trở thành thức ăn và thức uống cao cấp, bởi vì sơ chế thì không bao giờ chúng ta có nguồn thu lớn được mà phải qua tinh chế và phải chế biến trở thành thức ăn, thức uống cao cấp, đồng thời phải giữ được thương hiệu yến của Hội An”, ông Cư nói.

Với một sản phẩm đặc trưng, hiếm có ở vùng biển đảo Cù Lao Chàm đang phát triển nhanh và đầy lạc quan về du lịch, nếu chỉ dừng lại với giá trị thương mại hiện có quả chưa thể hài lòng. Cần tăng cường nâng cấp yến sào thành một sản phẩm du lịch, một sản phẩm ẩm thực đặc biệt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách “hạng sang” và tăng thêm giá trị sản phẩm.

Trong những năm qua, UBND thành phố đã chỉ đạo Đội quản lý khai thác yến sào Hội An phối hợp với các ngành chức năng nỗ lực mở thêm được một số  điểm bán lẻ yến sào trong thành phố nhưng chừng đó là chưa đủ, mặt khác phương thức hoạt động cũng chưa thực sự năng động, linh hoạt nên hiệu quả cầm chừng. Trong khi đó, theo ý kiến của một số chuyên gia nghiên cứu bảo tồn biển, hiện nay khách du lịch rất thích đến Cù Lao Chàm để được thưởng thức món ăn cua đá vì họ cho rằng đây là món đặc sản chỉ có ở nơi này dù rằng giá thành khá cao (chừng từ 700 ngàn đồng trở lên/1kg (khoảng 4 – 5 con)). Thực tế, cua đá là loài sinh vật có nhiều ở vùng biển đảo nước ta nhưng nhờ chính quyền thành phố và Ban quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm có các biện pháp quản lý, bảo tồn chặt chẽ, hợp lý kết hợp tốt với công tác truyền thông nên hiệu quả quảng bá được nâng cao, tạo cho cua đá trở thành sản phẩm lạ và hiếm. Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban Thư ký Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An nói: “Hiện nay, con cua đá đã rất nổi tiếng. Một vị đại biểu từ khu Cồn Cỏ nói rằng, ở đảo Cồn Cỏ con cua này rất nhiều nhưng tại sao con cua của chúng tôi không ai biết bằng con cua Cù Lao Chàm. Đó là lý do mà chúng ta đã thành công trong việc vừa nghiên cứu vừa phát triển sinh kế và đặc biệt là truyền thông cho con cua này”.

Phải chăng đó cũng là kinh nghiệm có thể chia sẻ trong việc nâng cao giá trị sản phẩm yến sào Cù Lao Chàm – Hội An. 

Đỗ Huấn