Tình người của một cựu chiến binh vùng biển

Ngoài việc vận động hội viên tự nguyện trồng dương liễu chắn gió ven biển và vớt rác trên sông để bảo vệ môi trường, nhiều năm nay, cựu chiến binh Nguyễn Mên, phường Cửa Đại, thành phố Hội An đã làm những việc ít ai dám làm, đó là an táng chu đáo người xấu số gặp nạn trên biển nhưng không có người thân nhận dạng.

Tình cờ nghe câu chuyện do ông Nguyễn Tấn Hạnh, ở thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh, TP Hội An kể về việc an táng anh Hùng – một người tâm thần ở khối Phước Thịnh, phường Cửa Đại, chúng tôi không khỏi tò mò. Trước đây, anh Hùng không nơi nương tựa, suốt ngày lang thang, quanh quẩn ở đầu làng cuối xóm, được một phụ nữ nghèo, đơn thân nhận nuôi. Khi anh phát bệnh nặng, phải nhập viện trong lúc mẹ nuôi cao tuổi, chỉ nằm một chỗ, bà con thương tình, thay nhau chăm sóc. Trước hoàn cảnh này, ông Nguyễn Mên, một cựu chiến binh ở Phước Hòa, phường Cửa Đại cũng không thể cầm lòng. Gác lại việc gia đình, ông tự nguyện đến bệnh viện hỗ trợ thuốc thang, chăm sóc. Khi anh Hùng mất, ngoài việc kêu gọi bà con chung tay, còn thiếu bao nhiêu, ông Mên ủng hộ và lo chu toàn đám tang như người bình thường khác. Ông Nguyễn Tấn Hạnh nhớ lại:“Sau khi cháu chết, gia đình chị tôi hết sức khó khăn. Cái việc làm của anh Mên ở Cửa Đại rất là tuyệt vời. Chính bản thân tôi thấy là anh Mên rất lo lắng đầy đủ. Tôi cho đây là cái nghĩa cử tốt, cái nghĩa cử rất đẹp, thể hiện cái tình người. Mà tôi nghĩ khó có người như rứa, là vì họ có thế giúp nhưng mà không thể giúp chu đáo đến mức độ như anh Mên

Lần theo câu chuyện trên, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Mên và được biết, cũng vì thường làm việc thiện, năm 2004, ông được lãnh đạo phường Cửa Đại mời làm chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, kiêm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường. Nhờ vậy, ông Mên càng có điều kiện để thăm hỏi, động viên, vận động giúp đỡ những người gặp khó. Và cũng từ đó, ông đã tiếp nhận, an táng hàng chục người xấu số, chết trên biển, được ngư dân đưa vào bờ. Bởi là vùng cửa biển, tàu thuyền ra vào nhiều nên hầu như năm nào khi vớt được người chết, ngư dân cũng đều đưa vào cửa biển Cửa Đại. Vì vậy, số người do ông Mên an táng cũng nhiều hơn, cá biệt có năm vài ba trường hợp, thậm chí vào ngay dịp giáp tết.

Ông Nguyễn Mên cùng các cựu chiến binh vớt rác ở Tùng ao Cửa Đại- Ảnh: Lê Hiền

Ông Mên còn nhớ, vài lần đầu, khi tiếp nhận thi hài và làm việc với Pháp y tỉnh, rồi trực tiếp an táng, ông không khỏi sợ hãi, ám ảnh, mất ăn mất ngủ, trong khi người thân không đồng tình vì sợ ông có thể sinh bệnh. Và cái khó nhất là mỗi khi người xấu số chết trên biển, thi thể của họ không còn bình thường, nguyên vẹn. Có người trong tư thế co quắp, người thì bị phân hủy nặng, mất các bộ phận trên cơ thể, lại phình to, bốc mùi nồng nặc. Trong số hàng chục thi thể người xấu số được anh Mên lo hậu sự, an táng, anh Mên không thể quên một trường hợp đặc biệt, hệt như tình huống “trên phim”. Đó là vào năm 2014, anh đã chôn cất một người là một giang hồ có số má ở khu vực miền Trung mà không hề hay biết. Không hiểu vì mâu thuẫn với gia đình thế nào, đối tượng đã nhảy cầu Thuận Phước tự tử. Ngư dân vớt được đem về Cửa Đại. Những tưởng cũng như những người khác không có người thân nhân dạng, sau khi pháp y làm việc, anh đã an táng tại nghĩa trang nhân dân thành phố. Khoảng 2 ngày sau, gia đình nạn nhân tìm đến làm việc với phường Cửa Đại để xác minh thông tin và xin đưa thi hài về Đà Nẵng. Vì lý do đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng, đương nhiên chính quyền không đồng ý. Tuy vậy, gia đình nạn nhân đã chờ đến đêm, âm thầm cho người thân đến nghĩa trang đào lén, đem về. Sau khi sự đã rồi, gia đình cũng điện báo với chính quyền địa phương và không quên hậu tạ anh Mên đã lo an táng. Anh Mên đã từ chối không nhận và còn tìm đến gia đình để hương khói cho nạn nhân lần cuối. Ông quan niệm: “Cái quan điểm của tôi như thế này này, người ta được may mắn thì khi một người chết, họ may mắn thì họ có người thân đầy đủ. Còn nếu như một con người chết mà không có thân nhân, việc không có người lo, chôn cất không chu đáo thì cũng thấy tội. Xuất phát từ một con người thấy rất ư là tội. Cho nên khi tôi chôn cất thì cũng giống như một đám tang của mọi gia đình khác, vẫn đầy đủ hết. Thì cái công việc tôi làm như thế đó thì cũng xuất phát từ cái lương tâm của mình để mình làm. Một việc làm nếu như anh không có cái tâm thì anh không làm nổi”.

Thực tế, để lo an táng người không có thân nhân nhận dạng quả không dễ. Nhất là khi thành phố chỉ cấp 3 triệu đồng, cộng với số tiền phường hỗ trợ và bà con phước hương, không đủ để mua quan tài, thuê xe tang, xe bus, mua đất xây mộ, dựng bia, cúng kính, mở cửa mã như những đám tang bình thường khác. Mỗi lần như vậy, ông Mên lại bỏ thêm tiền túi của mình để lo hậu sự cho người xấu số. Cùng với đó, ông cũng liên hệ với Đồn Biên phòng 260 và Ban Chỉ huy quân sự phường để có thêm nhân lực, cùng trông coi và vận chuyển, đào huyệt, chôn cất. Nói về việc làm của ông, bà Tạ Thị Sinh, Bí thư phường Cửa Đại chia sẻ: “Theo tôi, đồng chí Mên, trách nhiệm của anh ấy rồi nhưng mà đây nói về cái tình người thì đồng chí làm hết sức nhiệt tình. Cái xác ở đó, kêu người chưa liệm được thì đồng chí Mên cùng với anh em trực ở lại đó để giữ rồi tổ chức chôn cất… Phải nói là không dễ dầu chi, những người có tâm kia mới làm được, mới lăn lộn, mới chịu khó cái cảnh như rứa. Có đôi lúc vận động được ít, đồng chí Mên bỏ thêm tiền túi của mình ra, cái tình người rất là lớn. Anh là chủ tịch Hội Chữ thập đỏ nhưng có năm bỏ nguyên cả một năm lương để đi thăm những hoàn cảnh không may bị khó khăn, đau bệnh. Rất đáng ngưỡng mộ”.

Cứ như vậy, hiện nay, dù đã gần 60 tuổi đời, cựu chiến binh Nguyễn Mên vẫn mãi miết làm việc không mấy ai dám làm, đó là chôn cất người xấu số không có người thân nhận dạng. Việc làm đầy tính nhân văn ấy đã giúp bao người “chết có mồ”, vơi bớt nỗi đau nhân thế.

Lê Hiền