Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Những năm gần đây, tại Hội An, hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ ngày càng được quan tâm. Trong đó, một số mô hình cũng đã bước đầu mang lại hiệu quả, tạo đà cho việc mở rộng phạm vi sản xuất cũng như lan tỏa những giá trị mà nông nghiệp sạch mang lại. Sự chung tay từ cả chính quyền và người nông dân chính là cơ sở để nông nghiệp hữu cơ ở Hội An tiếp tục phát triển mạnh.

Nông nghiệp hữu cơ là hướng đi bền vững mà chính quyền Hội An đang khuyến khích nông dân thực hiện- Ảnh:Phan Sơn

Năm 2017,  Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng rau hữu cơ tại thôn Trung Hà – Xã Cẩm Kim” chính thức được triển khai do Phòng Kinh Tế Hội An chủ trì phối hợp với UBND xã Cẩm Kim thực hiện. Thời điểm ấy, có 23 hộ đăng ký nhưng sau khảo sát, có 2 khu đất với tổng diện tích hơn 8.000m2 của 9 hộ hội đủ điều kiện để đưa vào sản xuất.  Các ngành chuyên môn của thành phố và xá Cẩm Kim đã tiến hành khảo sát vị trí, kiểm định chất lượng đất, nước, thành lập các nhóm sản xuất; quy hoạch vườn rau hữu cơ, xác định đối tượng cây trồng và phương án trồng xen canh, tập huấn kỹ thuật trồng rau hữu cơ, tổ chức hội thảo đầu bờ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Đối tượng cây trồng được lựa chọn là các loại rau ăn lá như: rau muống, rau dền đỏ, rau lang, rau muống, mồng tơi, rau cải các loại, rau ngót, tần ô, xà lách, diếp cá; các loại rau gia vị như, hành, ngò, sả, húng, quế và rau ăn quả như: cà chua, mướp đắng, bầu, bí, dưa leo, đậu đũa, đậu co ve, cà tím, ớt…

Là người gắn bó với nông dân xã Cẩm Kim kể từ khi dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ được triển khai, kỹ sư Trần Huỳnh Hải Yến cho biết tuy còn một số khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện dự án, song đến nay, mô hình sản xuất rau hữu cơ ở Cẩm Kim đã có những điểm sáng nhất định khi một số hộ đã tham gia sản xuất đạt hiệu quả.  Cùng với sản phẩm rau, Phòng Kinh tế cũng sẽ tiếp tục phối hợp với xã Cẩm Kim triển khai mô hình trồng chuối và dâu ăn trái theo hướng hữu cơ.

Kỹ sư Trần Huỳnh Hải Yến cho biết thêm: “Tất cả các khâu, các hạng mục là Nhà nước đã hỗ trợ dự án. Hiện tại, Phòng Kinh tế và xã Cẩm Kim đang xây dựng một dự án mới là dự án phát triển chuỗi giá trị, ưu tiên cho các sản phẩm chế biến. Khu vực nhà sơ chế đã được đầu tư hoàn tất. Trong năm mới thì hy vọng là các bác nông dân sẽ đẩy mạnh sản xuất cũng như chế biến để tạo ra nhiều sản phẩm mới”.

Còn ông Phan Công Thiệu, nông dân xã Cẩm Kim thì chia sẻ: “Dự án này rất thiết thực. Năm tới bà con phấn đấu sản xuất mạnh hơn nữa. Nói chung ban đầu cũng còn một số khó khăn nên mong muốn Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn nữa. Đa phần bà con nông dân rất muốn gắn bó với dự án này”.

Cùng với Cẩm Kim, mô hình sản xuất rau hữu cơ tại xã Cẩm Thanh và phường Cẩm Châu cũng đang tiếp tục phát triển đúng hướng. Đặc biệt, việc lồng ghép với các chương trình ngoại khóa hay kết hợp tham qua du lịch đã góp phần mang lại giá trị lớn hơn cho người nông dân. Điển hình là ở thôn Thanh Đông (xã Cẩm Thanh). Có thể thấy, qua các mô hình sản xuất rau hữu cơ, cùng với sự nỗ lực của người nông dân, vai trò hỗ trợ của chính quyền có ý nghĩa rất quan trọng. Thực tế, việc tập huấn kỹ thuật sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, giống sản xuất, chứng nhận sản phẩm, quảng bá, kể cả tuyên truyền để nông dân hiểu được giá trị của sản xuất nông nghiệp hữu cơ và thay đổi thói quen, tập quán sản xuất… đều có bàn tay của chính quyền. Riêng trong năm 2018, 2 phiên thử nghiệm của chợ phiên Hội An đã được tổ chức. Bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng phòng Kinh tế Hội An cho biết, riêng với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chợ phiên Hội An được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sạch, an toàn của Hội An; tạo mạng lưới kết nối và kênh tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và các nhà hàng, khách sạn đồng thời tạo cơ hội để nông dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hợp tác tiêu thụ sản phẩm… Cũng theo bà Nguyễn Thị Vân, qua hai phiên thử nghiệm được tổ chức trong tháng 12/2018, nhìn chung chợ phiên Hội An đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong cộng đồng và du khách, đặc biệt là về sự đa dạng sản phẩm, tính địa phương, chất lượng của sản phẩm. Điều này cho thấy, sản phẩm Chợ Phiên đạt được mục đích ban đầu đặt ra, giải quyết tốt nhu cầu của cộng đồng và du khách. Đó cũng là cơ sở để Phòng Kinh tế đề xuất duy trì và phát triển để chợ Phiên trở thành một sản phẩm văn hóa, du lịch của thành phố nói chung cũng như góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói riêng.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ của các nhóm, hộ nông dân trên địa bàn thành phố đã đã cho thấy được hiệu quả. Đồng thời,  những giá trị mà sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ mang lại không chỉ nằm ở việc nâng cao thu nhập cho người nông dân mà quan trọng và ý nghĩa không kém đó là giá trị về sức khỏe con người, về môi trường, nhất là trong bối cảnh Hội An đang hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố sinh thái-văn hóa- du lịch. Từ thực tế đó, thành phố đã xác định đây là hướng đi đúng và sẽ tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh: “Hy vọng trong tương lai không xa các diện tích đất nông nghiệp tại Hội An hiện nay từng bước chuyển sang sản xuất sạch. Để làm được điều đó,cần có sự chung tay, chia sẻ, đồng hành giữa chính quyền, nông dân, nhà chuyên môn – kỹ thuật, đặc biệt là doanh nghiệp. Đồng thời các mô hình này có thể gắn kết với du lịch là thế mạnh của Hội An hiện nay”.

Hy vọng rằng, với sự quyết tâm của thành phố cùng sự hưởng ứng của nông dân, hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại Hội An sẽ ngày cảng mở rộng, để những cánh đồng rau sạch xanh tươi sẽ luôn trải dài cùng với nụ cười trên môi những nông dân thời đại mới.

Phan Sơn