NGÀNH TTCN HỘI AN: Thích ứng sản xuất trong tình trạng bình thường mới

Sản xuất TTCN của TP.Hội An trong những năm qua gắn với du lịch đã tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên ngành sản xuất này hiện đang gặp những khó khăn nhất định do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hội An đang tìm hướng thích ứng để giữ ổn định sản xuất sau đại dịch toàn cầu.

Sản xuất lồng đèn Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn

Tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của ngành sản xuất CN-TTCN nhờ gắn với du lich và “sản xuất sạch”, bảo đảm môi trường sinh thái nên 3 tháng đầu năm nay sản xuất ngành CN-TTCN trên địa bàn TP.Hội An cơ bản được duy trì ổn định. Giá trị sản xuất tăng hơn 5,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 204 tỷ đồng. Trong đó ngành công nghiệp chế biến – chế tạo chiếm khoảng 86,65% giá trị toàn ngành với gần 177 tỷ đồng, tăng 8,9%. Kinh tế ngoài quốc doanh (chủ yếu là sản xuất TTCN) vẫn đạt giá trị cao, với hơn 145 tỷ đồng (tăng 7,8%), kinh tế quốc doanh đạt khoảng 59 tỷ đồng (tăng 0,7%).

*Giảm thiểu rủi ro:

Tuy nhiên hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng du khách đến Hội An giảm sút rõ rệt, ngành kinh tế chủ lực, hàng đầu của thành phố là du lịch dịch vụ gần như bị đình trệ thì sản xuất CN-TTCN cũng không tránh khỏi tình trạng khó khăn. Vì vậy, ứng phó với dịch bệnh kết hợp tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất TTCN gắn với thương mại – dịch vụ, với xu hướng đa dạng hóa sản phẩm phù hợp để giảm bớt lệ thuộc vào các yếu tố rủi ro… là yêu cầu, là nhiệm vụ đặt ra cấp thiết và không dễ dàng trong lúc này. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố xác định, các cấp chính quyền, ngành chức năng và các cơ sở sản xuất cần chủ động, tỉnh táo, tìm hướng đi thích hợp. “Trong điều kiện hiện tại, cố gắng giữ được ổn định, giảm thiểu tối đa các tác động bất lợi để vượt qua được giai đoạn này rồi từ từ khôi phục”, ông Hùng nói.

Các sản phẩm gốm được làm ra tại làng gốm truyền thống Nam Diêu – Thanh Hà

Nhất quán chủ trương không phát triển công nghiệp với quy mô lớn tại Hội An, nhiều năm qua chính quyền thành phố chỉ tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành TTCN phát triển, tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch như: mộc, gốm, đèn lồng, tre – dừa nước, mây đan, tre mỹ nghệ, túi xách…, qua đó giải quyết việc làm cho nhiều lao động và tạo thu nhập ổn định cho nhân dân. Đến nay nhiều sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Các làng nghề truyền thống cũng đã từng bước phát huy hiệu quả, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.

Hoạt động các làng nghề được giữ vững, doanh thu tại các làng nghề tương đối ổn định, lượng khách đến tham quan làng gốm Thanh Hà, làng nghề tre dừa Cẩm Thanh ngày càng tăng nhờ gắn với du lịch, cũng đã góp phần tăng nguồn thu và hưởng lợi cho cộng đồng cư dân. Hoạt động tại các làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng bị sa sút cũng đã được lập phương án khôi phục và phát triển trong năm qua. Công tác đào tạo nghề, khuyến công được chú trọng, tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và được khách hàng tin dùng.

*Đa dạng chuỗi giá trị sản phẩm:

Trong năm qua, TP.Hội An đã đầu tư gần 556 triệu đồng thực hiện công tác khuyến công, trong đó có gần 383 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách, các cơ sở đóng góp gần 173 triệu đồng. Nguồn vốn đầu tư tập trung vào các hoạt động hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm. Đáng chú ý là đã xây dựng bao bì theo chuẩn và hướng dẫn cho 2 cơ sở sản xuất rượu Nguyễn Tê (xã Cẩm Hà), Hoa Tuyết (xã Cẩm Kim) sản xuất rượu đảm bảo ATTP; đầu tư máy hàn nhôm phục vụ sản xuất ghe nhôm tại cơ sở ông Phan Nhu (xã Cẩm Kim) nhằm giảm chi phí lao động, tăng giá trị gia tăng sản phẩm; đầu tư lò nướng bánh mì bằng điện trở cho cơ sở Tuyết Phi (phường Cẩm An).

Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Xuân Vui – Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố, sản xuất TTCN trên địa bàn thành phố vẫn còn những hạn chế đáng được lưu tâm, như:công nghệ sản xuất lẫn chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, đặc biệt tính thương mại hàng hóa chưa cao, sản xuất kinh doanh một số ngành ngày càng thu hẹp (gỗ, mộc, cơ khí…), nhiều cơ sở chưa chú trọng đầu tư và bảo vệ sản phẩm của mình.

Sản phẩm mỹ nghệ trưng bày tại làng mộc Kim Bồng- Ảnh: Đỗ Huấn

Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng đại dịch toàn cầu Covid-19 như hiện nay, những tồn tại hạn chế này cần được hết sức quan tâm vì nó mang ý nghĩa sống còn trong nền kinh tế mang tính thị trường. Ông Thiều Việt Dũng – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Muốn tồn tại là phải có chất lượng, đảm bảo những tiêu chuẩn. Muốn có tiêu chuẩn thì quy trình sản xuất phải hợp lý. Và kinh tế thị trường đòi hỏi phải có mẫu mã, những câu chuyện của sản phẩm. Sản phẩm làm ra phải gắn với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng”.

Trước mắt, thành phố tập trung xây dựng và thực hiện chương trình quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại ở nhiều thị trường khác nhau. Đồng thời,thành phố có kế hoạch đẩy mạnh phát triển thương hiệu làng nghề thông qua hoạt động sở hữu trí tuệ và các hoạt động hỗ trợ đầu tư, phát triển sản phẩm; tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo nghề truyền thống, hỗ trợ một số cơ sở cải tiến, đầu tư nâng cấp cơ sở sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm; chú trọng tạo cho làng mộc Kim Bồng trở thành điểm nhấn phục vụ du khách tham quan tại Cẩm Kim…“Chuỗi giá trị là một trong những yếu tố cần ưu tiên. Không chỉ hướng tới phục hồi làng nghề Kim Bồng, thành phố cũng nên chọn một số chuỗi giá trị sản phẩm khác gắn với TTCN, gắn với du lịch, gắn với thương mại để đa dạng hóa các chuỗi giá trị”, ông Dũng nói thêm.             

Đỗ Huấn