Hội An loay hoay với bài toán đất bỏ hoang

Mấy năm trở lại đây, tại TP Hội An, tình trạng bỏ hoang đất trồng lúa và hoa màu đang diễn ra ở hầu khắp các xã phường có đất sản xuất nông nghiệp. Làm thế nào để khôi phục sản xuất tại những diện tích này? Đó là bài toán mà Hội An đang rất cần lời giải.

Đồng sình lầy, cỏ mọc dày…

Dẫn chúng tôi đi một vòng từ trung tâm xã Cẩm Hà, qua Trà Quế đến tuyến đường Hai Bà Trưng rồi trở về thôn Cửa Suối, ông Nguyễn Hoang, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Cẩm Hà lắc đầu ngán ngẫm. Ông nói rằng, đất lúa bỏ hoang quá nhiều, không biết phải làm cách nào để có thể khôi phục lại hiện trạng của những cánh đồng lúa bát ngát như trước. Từ đồng Trắc Trên đến Cồn Tấn (giáp đê bao), Cồn Đò (giáp phường Cẩm Châu), ở đâu cũng thấy bờ nối bờ, ruộng nối ruộng, tất cả đều kín mít cỏ năn, cỏ đưng, bèo tây và các loại cỏ thân leo, thân mềm khác. Rất nhiều đám ruộng còn có cả hoa sen mọc lên, xen lẫn trong cỏ, cao quá đầu người. Ông Hoang nói rằng, người dân chê ruộng vì rất nhiều lý do, song nguyên nhân lớn nhất vẫn là vì các chân ruộng sình lầy và cao độ không bằng phẳng; dẫn đến việc sản xuất gặp khó khăn, không thể dùng cơ giới. Vì vậy việc làm đất và thu hoạch đều tiến hành bằng phương pháp thủ công truyền thống, sử dụng sức người lao động như trước đây. Trong khi đó, lao động nông nghiệp tại địa phương hiện nay hầu hết là người lớn tuổi; lớp trẻ đã chuyển sang các ngành nghề khác, phổ biến là ngành du lịch, công nhân, thợ mộc, thợ nề…

Ông Nguyễn Hoang, cán bộ xã Cẩm Hà cho biết ngày càng nhiều hộ bỏ ruộng- Ảnh: Lê Hiền

Theo tính toán của ông Hoang, hiện nay, nếu thuê cơ giới làm đất và thu hoạch mỗi sào chỉ hết 400 ngàn tiền công. Trong khi thuê các lao động lớn tuổi cuốc đất và cắt lúa ở các cánh đồng sình lầy mất khoảng 9 công/1 sào, tương đương với 1,8 triệu đồng. Vậy mà thuê không được người. Đó là chưa kể giống má, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Khi thu hoạch, nếu năng suất khá thì mỗi sào đạt khoảng 2,5 đến 3 tạ lúa. Với giá thị trường hiện nay thì sẽ lỗ vốn. Trong trường hợp lúa bị chuột cắn phá hoặc thiên tai gây mất mùa thì càng lỗ nặng hơn. Vì vậy, nhiều gia đình đã bỏ ruộng. Nhà này bỏ thì nhà khác cũng không thể làm vì sẽ gặp khó trong việc vận chuyển phân bón, tưới tiêu, diệt chuột và thu hoạch. Dẫn đến, hiện tại toàn xã Cẩm Hà đã có 10,5 héc ta diện tích sản xuất lúa bị bỏ hoang, chủ yếu của nông dân ở các thôn Trà Quế, Trảng Kèo, Đồng Nà và Cửa Suối. Lão nông Nguyễn Em ở thôn Trảng Kèo cho biết, nhà ông có 3 sào đất lúa, cố gắng lắm cũng mới làm được 2 sào ở những khu còn có các hộ lân cận cùng sản xuất. Khi nhiều người khác bỏ hoang đất ở những khu gần đường, thấy thuận tiện và tiếc đất nên ông đã tự làm thêm 1 sào, bù lại 1 sào đất nhà ông đã bỏ hoang ở khu vực sình lầy. Vụ này, lúa đạt thấp, 3 sào ruộng cũng chỉ được 10 bao lúa. Ông Nguyễn Em nói: Ruộng lún kêu nhân công đâu có làm. Trước đây làm đổi công, làm qua làm lại với nhau nên làm được, chừ không đổi công được. Có ruộng chỉ được hai, ba bao lúa, sình lầy nổi lên, rễ đen hết, đâu có phát triển. Hồi trước đồng loạt ai cũng làm hết, mương tiêu tốt, nước ngọt, lúa dễ làm, chừ tiếc lắm nhưng chịu thôi.

Những cánh đồng mênh mông bị bỏ hoang, cỏ mọc dày- Ảnh: Lê Hiền

Tìm giải pháp…

Tình trạng nông dân bỏ ruộng không chỉ diễn ra ở vùng đất sình lầy Cẩm Hà mà ngày càng gia tăng ở các địa phương có đất sản xuất nông nghiệp như Cẩm Châu, Cẩm Kim, Thanh Hà, Cẩm An, Tân An, Sơn Phong, Cẩm Phô. Tại phường Cẩm Châu, theo thống kê, đến thời điểm hiện tại đã có 11,9 héc ta đất lúa và gần 4 héc ta đất màu bị bỏ hoang. Nguyên nhân được xác định là do sản xuất không hiệu quả so với chi phí người dân đầu tư; đất sinh lầy, rợp tre, chuột cắn phá hoặc không thể sản xuất bằng cơ giới. Ngoài ra còn có một phần diện tích sát đường dẫn cầu Cửa Đại hiện nay không thể lấy nước, cỏ mọc lâu ngày, nếu cải tạo sẽ rất tốn kém. Trước thực trạng này, phường Cẩm Châu đã tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể với thành phố, đồng thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, khối phố vận động hội viên là nông dân cải tạo đồng ruộng, tái sản xuất trở lại. Ông Nguyễn Quang Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết: “Hiện nay Hội Nông dân phường đang vận động các hộ cải tạo lại đồng ruộng, tiếp tục sản xuất. Đã có 2 hộ ở khối Trường Lệ, có máy cày máy cắt, nhận ruộng làm trở lại, đó là hộ ông Trang Văn Tư và ông Đỗ Thành Trung. Trong thời gian đến ngoài việc tiếp tục vận động, Hội sẽ tham mưu UBND phường tổ chức làm việc với các hộ bỏ ruộng để ký cam kết. Hộ nào không sản xuất, phường sẽ đề nghị thành phố thu hồi (theo luật), giao lại ruộng đất cho người có nhu cầu. Trong quá trình vận động cải tạo chúng tôi cũng thấy rằng, cái khó khăn lớn nhất hiện nay là rất tốn kinh phí cải tạo. Các hộ phải bỏ ra, tốn kém vì vậy cũng từng bước huy động chứ làm một lần thì khó đảm bảo để cải tạo”.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế thành phố, tính đến tháng 10 năm ngoái, Hội An có 1.015 thửa đất, tương đương với 51,4 héc ta đất nông nghiệp không sản xuất, trong đó có đến 45 héc ta đất lúa, còn lại là đất màu. Tổng số hộ bỏ ruộng là 736 hộ, với hơn 2 ngàn trong và ngoài độ tuổi. Trong điều kiện phát triển tất yếu của thành phố, xu hướng ly nông ngày càng thể hiện rõ, số lao động nông nghiệp ngày càng giảm và ngày càng già đi. Thêm vào đó, cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình trạng bỏ ruộng như các điều kiện phục vụ sản xuất tại một số khu vực chưa đảm bảo, các cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất của Nhà nước còn hạn chế, trong khi phần lớn đất đai bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, ngập ngúng hoặc háo nước, khó cơ giới. Gần đây, tại nhiều cuộc họp quan trọng của thành ủy, HĐND thành phố, vấn đề nông dân bỏ hoang đất sản xuất đã được đăng đàn, phân tích, bàn luận để tìm giải pháp tháo gỡ. Và cuối tháng 8 vừa qua, UBND thành phố đã họp bàn phương án hỗ trợ khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết, thành phố sẽ áp dụng Nghị định 35 của Chính phủ để hỗ trợ cho các địa phương sản xuất lúa, đồng thời sẽ hỗ trợ khắc phục tình hình đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không sản xuất trong năm nay với kinh phí 600 triệu đồng. Ngoài phương án này, thành phố cũng sẽ xem xét các giải pháp khác như chuyển đổi giống cây trồng con vật nuôi, tiếp tục vận động nông dân tái sản xuất. Trong trường hợp không tiếp tục sản xuất thì Nhà nước thu hồi (theo luật) và giao đất cho những hộ có điều kiện, có lao động sản xuất hoặc có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp dịch vụ du lịch liên kết với nông dân tổ chức các dịch vụ du lịch trên đất sản xuất.

Với chủ trương xây dựng thành phố sinh thái, việc phát triển nông nghiệp ở các xã phường vùng ven của Hội An có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Giữ cho được vùng sản xuất nông nghiệp ở vùng ven sẽ tạo những sắc xanh trong “bức tranh” du lịch thành phố. Đó là một phần không thể thiếu trong quy hoạch chung của thành phố Hội An trong giai đoạn hiện nay và cả trong tương lai.

Lê Hiền

Trả lời

Đài Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An

Giấy phép trang TTĐT: Số 09/GP-Sở TTTT do Sở Thông tin &Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 25/12/2014

Số 01 A Hoàng Diệu - TP Hội An - Quảng Nam

ĐT: 0235 3861213 - Email: daittthhoian@gmail.com

Bản quyền thuộc về Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Thành phố Hội An. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Đài TT-TH Hội An (http://hoianrt.vn)

Thiết kế bởi: Đài TT - TH TP Hội An.