Để đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại và hoạt động ngư nghiệp truyền thống, hầu hết nguồn vốn vay phát triển kinh tế của bà con tại xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), thành phố Hội An là từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội thông qua Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hội An.
Hiệu quả vốn vay
Năm 2019, gia đình chị Cao Thị Phương ở thôn Bãi Làng xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An đã vay vốn giải quyết việc làm để kinh doanh dịch vụ lưu trú. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 nên việc kinh doanh không thuận lợi. Đến cuối năm 2021, chị Cao Thị Phương hoàn trả nguồn vốn vay đúng hạn cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hội An và chuyển hướng kinh doanh.
Chị vay 90 triệu đồng để đầu tư sửa chữa nhà xưởng, mua mực tươi từ 20 hộ ngư dân trên đảo về chế biến, sản xuất mực một nắng, giải quyết việc làm cho bản thân và 3 lao động địa phương. Sau khi trừ đi chi phí, nhân công, thu nhập bình quân bản thân của chị khoảng 12 triệu/tháng.
“Năm vừa rồi Ngân hàng hỗ trợ cho vay 90 triệu mình đầu tư thêm náy mọc và nguồn tiền lưu động để mua hàng hoá phát triển sản phẩm. Cũng nhờ nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi nên mình muốn vay nguồn vốn cao hơn nữa để phát triển sản phẩm thêm ra” – Chị Cao Thị Phương, nói.

Không chỉ chị Cao Thị Phương, ở thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp còn có chị Trần Thị Ngọc Liễu được vay vốn giải quyết việc làm để đầu tư khai thác hải sản.
Với ngồn vốn 50 triệu đồng, chị Ngọc Liễu vay để đầu tư sửa chữa phương tiện ghe, sắm câu phục vụ khai thác hải sản với 1 thuyền câu 12 sức ngựa và câu các loại. Trước đây, gia đình thuộc diện hộ khó khăn, năm 2012 được vay vốn 30 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để khai thác hải sản. Đến năm 2018, hộ gia đình đã hoàn trả vốn cho Ngân hàng đúng thời hạn. Đến nay, chị Ngọc Liễu tiếp tục được vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư sửa chữa thuyền, sắm câu, giải quyết việc làm cho bản thân bà và gia đình. Sau khi trừ chi phí xăng dầu, chị và gia đình thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.
“Nghề biển thì kinh tế còn khó khăn nên mình muốn chuyển đổi ngành nghề, giảm nghèo để vươn lên nhưng vốn không có. Cũng nhờ Nhà nước, ngân hàng giúp cho nguồn vốn để vượt qua khó khăn, làm ăn cũng được. Chừ muốn phát triển mạnh, chuyển đổi ngành nghề lớn nữa thì cũng cần nguồn vốn vay lớn nữa” – Chị Trần Thị Ngọc Liễu, chia sẻ.

Nguồn vốn vay phát triển
Xã đảo Tân Hiệp có diện tích 16,42 km2, chia thành 3 thôn Bãi Làng, Bãi Ông và Bãi Hương, 611 hộ dân với 2.183 nhân khẩu. Tổng hợp kết quả điều tra xác định năm 2021 toàn xã không có hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Dù vậy, xã đảo cách xa đất liền nên đời sống của người dân vẫn còn không ít khó khăn.
Theo bà Phạm Thị Mỹ Hương – Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, hiện nguồn vốn vay để phát triển kinh tế của bà con tại xã đảo hầu hết là từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổng dư nợ đến 31/5/2022 là 8 tỷ 837 triệu đồng, ủy thác quản lý qua 2 hội đoàn thể Nông dân và Đoàn thanh niên, 5 tổ tiết kiệm và vay vốn với 239 hộ vay, tập trung ở 4 chương trình giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường, học sinh sinh viên và nhà ở xã hội. Trong đó, vốn vay giải quyết việc làm chiếm tỷ lệ lớn với dư nợ 6 tỷ 45 triệu đồng (chiếm 68% tổng dư nợ). Từ nguồn vốn này đã giải quyết việc làm cho 138 lao động để thực hiện các dự án phát triển dịch vụ, du lịch, khai thác hải sản, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.

Đối với vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường tại xã Tân Hiệp cũng có dư nợ cao với số tiền 2 tỷ 275 triệu đồng (chiếm 25,7% tổng dư nợ), góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.
“Được sự quan tâm của các cấp, đặc biệt là Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi đêm nguồn vốn vay đến địa phương để bà con tiếp cận thuận lợi và hiệu quả nhất. Thời gian qua, dịch bệnh tác động đời sống người dân khó khăn. Đặc biệt, với ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch thì nguồn vốn vay này đã giúp cho bà con chuyển đổi ngành nghề, đa ngành đa nghề, sản xuất hiệu quả và ổn định đời sống” – Bà Phạm Thị Mỹ Hương – Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, nói.
Thực tế, với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hội An đã đến với bà con xã đảo Tân Hiệp, tạo điều kiện để bà con triển khai hiệu quả các dự án trên nhiều lĩnh vực, góp phần phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và xây dựng xã đảo ngày càng phát triển./.
QUỐC HẢI