Nỗ lực của thành phố Hội An trong đầu tư công giai đoạn 2016 -2018 được thể hiện rất rõ trong việc chi ngân sách thực hiện các công trình. Song có tồn tại hạn chế nào cần được khắc phục ngay để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đặt ra đến năm 2020 hay không?
Hội An quyết tâm xử lý dứt điểm tình trạng đọng công trình- Ảnh: Lê Hiền
Hết nợ đọng lại “xài” không hết vốn, đọng công trình
Giai đoạn 2016 -2018, thành phố Hội An đã phân bổ 1.329.217.000.000 đồng đầu tư công. Để thực hiện, thành ủy, HĐND và UBND thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các cơ quan, các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện, giải ngân, phân bổ vốn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành dự án. Vì vậy, nhìn chung, các công trình trọng điểm được xúc tiến thực hiện. Các dự án đã thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội thành phố, tạo tiền đề cho Hội An phấn đấu trở thành đô thị loại 2 theo Nghị quyết đã đề ra.
Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực, đầu tư công ở Hội An vẫn tái diễn tình trạng “xài” không hết vốn, đọng công trình chưa triển khai hoặc triển khai dang dở. Trong khi thành phố rất nỗ lực giải ngân, trả gần hết số nợ đọng xây dựng cơ bản giai đoạn trước năm 2015 thì khi bước sang giai đoạn mới, từ năm 2016 trở lại đây, lại phát sinh nhiều vấn đề cần được chỉ đạo, giải quyết. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.Hội An Trần Ánh phân tích: “Nợ đọng các doanh nghiệp thi công công trình đến cuối năm 2015 lên đến 244 tỷ nhưng đến cuối năm ngoái 2018, thành phố đã trả gần hết rồi, chỉ còn nợ 44 tỷ thôi. Nợ này do thanh toán khối lượng, do thủ tục chứ thành phố vẫn đủ khả năng thanh toán, trả sòng phẳng các khoản nợ doanh nghiệp đã thi công. Đây là điều hết sức tích cực. Tuy nhiên, qua những con số về tài chính đầu tư công thì có nhiều vấn đề. Đó là nhu cầu của sự phát triển thì rất lớn, chúng ta đã phê duyệt danh mục các công trình nhưng nhiều công trình đang thực hiện dang dở hoặc chưa thực hiện nên tiền dư ra, chủ yếu trong đầu tư phát triển.”
Theo thống kê, 3 năm nay, thành phố Hội An phê duyệt tổng số 157 công trình. Đến nay vẫn còn 35 công trình chưa được thực hiện. Trong đó chỉ có 2 công trình do thành phố đề nghị dừng thực hiện. Số còn lại được xác định chậm thực hiện do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là công tác giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ, dự án lẫn hồ sơ thanh toán khối lượng vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến tốc độ thực hiện các dự án và tiến độ giải ngân ngân sách của thành phố và của tỉnh.
Trong đầu tư công 3 năm qua, thành phố đã phê duyệt nguồn đầu tư là 1.329.217.000.000 đồng, đến cuối năm ngoái giải ngân, thanh toán vốn đầu tư cho các công trình mới được 1.068.262.000.000 đồng. Như vậy, vẫn còn một nguồn kinh phí lớn chưa được sử dụng để đầu tư công, phải chuyển nguồn sang những năm tiếp theo, nghĩa là sử dụng không hết vốn phân bổ, phê duyệt. Trong khi tính đến cuối năm 2018, toàn thành phố vẫn còn 35 công trình chưa triển khai. Thông tin và giải thích về vấn đề này, ông Đinh Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính thành phố nói: “Tính riêng chuyển nguồn xây dựng cơ bản của năm 2018 qua 2019 là 316 tỷ, đều do chi không hết, kể cả thành phố và xã phường. Trong đó, thành phố chuyển nguồn 303 tỷ thì chuyển nguồn thực của chuyển nguồn đó là 260 tỷ, còn lại số dư tạm ứng là tiền đã ra khỏi ngân sách rồi, nhưng các chủ đầu tư chưa có khối lượng, Kho bạc Nhà nước chỉ giải quyết tạm ứng, qua năm 2019 các chủ đầu tư có khối lượng, bù lại thanh toán nợ tạm ứng. Trong khi đó vẫn còn một số công trình đã bố trí vốn nhưng do không đảm bảo khối lượng, phải kéo dài sang năm 2019”.
- Hội An sẽ ưu tiên vốn thực hiện các công trình trọng điểm– Ảnh: Lê Hiền
Giải pháp…
Trước thực trạng sử dụng không hết nguồn đầu tư và còn nhiều công trình chưa được thực hiện, thành phố xác định trong giai đoạn 2019-2020, sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp để kịp thời đưa vào sử dụng, đồng thời tổ chức đấu thầu và triển khai thi công tất cả các công trình trong danh mục đầu tư công trung hạn, đầu tư mới các công trình trọng điểm, mang tính đột phá. Lãnh đạo TP. Hội An đã yêu cầu các đơn vị địa phương phải phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để tháo gỡ vướng mắc, nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ các công trình. Về phía chủ đầu tư cần chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác, thanh toán dứt điểm từng dự án đã hoàn thành, quyết toán vốn phù hợp với thực tế và khả năng giải ngân. Ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP nói: “Từng năm số liệu chuyển nguồn có dấu hiện càng xấu đi, số liệu chuyển nguồn càng tăng. Cứ như vậy, đến năm 2020 chuyển nguồn sẽ là bao nhiêu? Đây là số liệu không “lành mạnh”, chứng tỏ sử dụng ngân sách không hiệu quả. Vì vậy, cần phải loại ra khỏi danh mục những công trình không khả thi; tập trung cho công trình trọng điểm cần đầu tư, hoàn thành sớm. Trong 35 công trình chưa thực hiện, chỉ có 8 công trình do nguyên nhân khách quan, chưa triển khai, còn 27 công trình do nguyên nhân chủ quan. Các đơn vị hữu quan xem nguyên nhân thế nào, do danh mục không khả thi hay thủ tục qua rườm ra, chậm trễ… mà 3 năm vẫn chưa khởi công được. Phòng Kế hoạch Tài chính TP phải nắm kỹ, tham mưu chấm dứt, chấn chỉnh tình trạng này. Để chuyển nguồn quá lớn như vậy rất lãng phí, tiền có, nhu cầu thì cần mà để dư, không sử dụng được, từ năm này chuyển sang năm khác như thế, không ổn.”
Giai đoạn 2019 -2020, TP Hội An tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện đầu tư công theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra trong nhiệm kỳ 5 năm. Song nhìn từ thực tế công tác này trong 3 năm qua, có thể nói, Hội An cần nhiều giải pháp thiết thực để không tái diễn điệp khúc sử dụng không hết kinh phí, đọng công trình chưa triển khai hoặc triển khai dang dở, kịp tiến độ giải ngân theo năm ngân sách.
Lê Hiền