Tại khu đất sản xuất rộng mênh mông ở bãi bồi Bà Mau ven sông Thu Bồn thuộc địa phận xã Cẩm Kim, những vườn bí đao đậu quả dày chi chít. Thế nhưng, cho đến nay, thân cây đã bắt đầu già héo, không còn đủ sức níu giữ những trái bí đao to hàng chụcký trên giàn. Vì không có người mua nên các chủ ruộng không hái. Bí già, nặng trĩu, tự đứt khỏi dây nằm la liệt trên mặt đất. Những trái còn lại chưa rụng, lủng lẳng trên cành, không được bà con thu hoạch. Nếu tính tiền công thuê người hái, khuân vác bí từ khu đất sản xuất lên đường, chở về nhà thì nông dân sẽ lỗ nặng. Ông Huỳnh Kim Quy, chủ một vườn bí đao ở bãi bồi Bà Mau, xã Cẩm Kim cho biết: “Làm ra không ai mua nên không hái về làm gì. Mà công thuê mướn hái thì đắt hơn tiền bán bí đao, không đủ để bù đắp. Nên mình bỏ như ri. Hái về thì khổ, bó ri thì xót lắm. Giờ bất lực, chấp nhận ri chứ không còn cách nào khác. Giờ chỉ mong các ban ngành thành phố có cách gì giải cứu cho nông dân vớt vát cho bà conđỡ lỗ vốn. Chứ đầu tư một cái giàn như thế này thôi đã mất cả chục triệu. Mà bây giờ bán hết, chừng được 1.500/1 ký mà cũng không có người mua. Có người mua 1.500 một ký thì cũng không đủ vốn làm cái giàn này.Bây giờ thuê thì đàn ông làm ngày hai trăm rưỡi, đàn bà hai trăm, đó là chưa kể buổi trưa. Như vậy lỗ chết, thôi bỏ công nhà ra làm được đến đâu thì làm, vớt vát được chừng nào thì vớt vát. Chừ hái về nhà để làm gì, để nhà thối thêm, tốn công dọn, khổ thêm. Chú hái về được khoảng 3,5 tấn để ở nhà, thuê hết 1,7 triệu tiền công. Chết ngay. ”
Bí đao chi chít ngoài bãi sản xuất- Ảnh: Lê Hiền
Để có được những bãi trồng bí đao như thế, các chủ vườn đã phải thuê hàng trăm công lao động. Ông Huỳnh Tấn Sang, một chủ vườn bí đao ở bãi bồi Bà Mau phân tích, nếu tính chi phi thuê mướn từ khi các lao động cải tạo đất, vun luống, tỉa hạt, làm giàn, dọn cỏ, bón phân, bơm nước tưới thường xuyên và bây giờ phải thuê thêm nhân công thu hoạch, khuân vác bí thì gia đình ông lỗ vốn nặng. Chưa nói đến việc bỏ hàng chục triệu ra mua phân, mua giống và mua tre, dây nhợ về làm giàn. Các khoản chi phí đầu tư sản xuất nói trên bây giờ không có cơ hội vớt vát lại vì không tiêu thụ được bí đao. Tiếc của tiếc công, dù nặng nhọc vất vả, lại phải thuê thêm nhân công, phương tiện thu hoạch, chuyên chở, một số hộ cũng đã cố gắng đưa bí đao về nhà. Thế nhưng ở nhà, nhiều gia đình chất chồng hàng tấn bí đao từ ngày này qua ngày khác, không người hỏi mua nên chỉ được dăm bảy ngày, nắng nóng, bí bắt đầu thối lủn. Hiện nay, toàn xã Cẩm Kim có khoảng hơn 20 hộ ở thôn Phước Thắng và Trung Hà trồng bí đao đại trà, mỗi nhà thu hoạch từ 3 đến 5 tấn bí nhưng tất cả đều không tiêu thụ được. Ông Lê Trung Tấn, Chủ tịch Hội ND xã Cẩm Kim nói: “Hội Nông dân xã đã phối hợp với UBND xã Cẩm Kim vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, một số loại cây trồng không đạt hiệu quả chuyển sang trồng bí đao và ớt. Tình hình hiện nay cây bí đao được mùa mất giá, cây bí đao không bán được, bà con không bán được quả nào. Giá thấp, 1 ngàn đến 1,5 ngàn một ký mà không có người mua nên bà con làm ra bỏ luôn ngoài đồng, bỏ thối ngoài đồng. Hái xong vận chuyển về nhà cũng để thối, tốn công”.
Hàng tấn bí đao chất chồng ở các gia đình không có người mua- Ảnh: Lê Hiền
Ở một diễn biến khác, cây ớt chỉ thiên tuy vẫn ổn định nguồn tiêu thụ nhờ có công ty đặt hàng thu mua từ hai năm nay. Tuy nhiên giá ớt ở thị trường hiện naykhông cao, bán ra chỉ9 ngàn đồng 1 ký, trong khi tiền thuê nhân công hái ớt đã 6 ngàn/1 ký. Tính ra, số tiền còn lại nông dân trồng ớt ở Cẩm Kim không đạt lợi nhuận đáng kể.
Ông Lê Trung Tấn, Chủ tịch Hội ND xã Cẩm Kim nói thêm:“Riêng về cây ớt, năm nay bà con trồng gần 20 héc ta nhưng giá ớt hiện nay cân khoảng 9 ngàn đồng,cũng không đủ vì tiền thuê hái đã 6 ngàn đồng. 3 ngàn còn lại không đủ chi phí tiền công, tiền nước, tiền phân. Nên có thể nói nông dân Cẩm Kim rất gặp khó khăn. Rất mong các ban ngành của thành phố quan tâm hơn, chứ cảnh này kéo dài nữa bà con nông dân rất khổ và vất vả.”
Như vậy, trong lúc này, các ngành chức năng của TP và địa phương cần quan giúp nông dân Cẩm Kim tìm thị trường tiêu thụ bí đao và các cây rau màu khác cho nông dân, tránh tình trạng được mùa mất giá, lỗ vốn sản xuất của bà con. Và khi bán được nông sản cũng sẽ tạo động lực cho bà con phát triển kinh tế nông nghiệp, vừa đạt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng tại địa phương, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển Cẩm Kim phù hợp với định hướng làng quê làng nghề sinh thái.
Lê Hiền