Gắn bó với phong trào ca hát của phố cổ Hội An, tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ luôn ngân vang mỗi mùa hội diễn văn nghệ quần chúng và đặc biệt là hội diễn Tiếng hát Hoa Phượng Đỏ dành cho tuổi thơ phố Hội trong mỗi dịp hè.
Nhạc sĩ với tuổi thơ Hội An- Ảnh: Quốc Hải
Nhạc sĩ của tuổi thơ.
Trong Hội thi giới thiệu sách chủ đề “Quyển sách em yêu” do Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc – TP. Hội An tổ chức mới đây, một học sinh lớp 4 đã cầm trên tay tập sách “Mùa Hoa Phố Nhỏ” và giới thiệu trên nền bài hát Đàn Yến Bay, như sau: “Quý thầy cô và các bạn đang nghe bài hát “Đàn Yến Bay” của nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ và trên tay em là tập sách mang tựa đề “Mùa Hoa Phố Nhỏ” in chùm ca khúc của người con thân yêu của quê hương Hội An này.
Thưa quý thầy cô và các bạn !
Các thế hệ những người yêu ca hát hầu như ai cũng biết và đã nghe ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ, nay đã 90 tuổi, sinh sống tại phường Minh An – Thành phố Hội An chúng ta. Tác phẩm của nhạc sĩ nhiều thể loại, từ ca vũ kịch đến ca khúc cho tuổi trẻ, thiếu niên nhi đồng với gần 500 bài. Gắn bó gần như trọn đời với phong trào ca hát của phố cổ Hội An, tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ luôn ngân vang mỗi mùa hội diễn văn nghệ quần chúng và đặc biệt là hội diễn Tiếng hát Hoa Phượng Đỏ dành cho tuổi thơ phố Hội trong mỗi dịp hè với những bài đồng dao vui nhộn.
Ghi nhận đóng góp của nhạc sĩ với phong trào văn hóa văn nghệ của quê hương Hội An, năm 2006, Trung tâm Văn hóa – Thể thao Hội An đã chọn, giới thiệu 50 tác phẩm để in trong tập sách “Mùa Hoa Phố Nhỏ – Ca khúc Hoàng Tú Mỹ”. Tập sách khổ 20x20cm, dày 140 trang, giới thiệu 50 ca khúc theo 2 chủ đề chính là “Với quê hương đất nước” và “Với đàn em thân yêu”. Có thể liên hệ với Trung Tâm văn hóa – Thể thao Hội An, Thư viện Hội An -Thanh Hóa hoặc Đài Truyền thanh – Truyền hình thành phố Hội An để có tập sách này và bảng ghi âm ca khúc “Đàn Yến Bay” của nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ, do nhiều thế hệ thiếu niên nhi đồng Hội An thể hiện”.
Phần giới thiệu khép lại trên nền lời bài hát có đoạn: “Con chim yến bay, con chim yến về, về Hội An đang là mùa Xuân, về Hội An sông Hoài nhớ thương. Áo mới tung tăng em đi đến trường, trong niềm thương nhớ con chim yến bay…” đã khiến nhiều học sinh hỏi nhau về tác giả của nó.
Theo nhà thơ Phùng Tấn Đông – Trung Tâm VHTT&TH TP. Hội An, nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ là “người lúc nào cũng sôi nổi, hài hước và tự xưng mình là “nhạc sĩ làng”. Khi về già, nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ tự nhận mình “viết được dăm bài” cho lứa tuổi măng non, nhất là mảng “làm nhạc mới cho đồng dao cũ”. Trong 50 bài đồng dao mới của các nhạc sĩ cả nước, nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ được chọn đến ba bài, đó là các bài “Chuyện kỳ nhông”, “Con sáo” và “Ru ru, riếng riếng”. Ông còn “phóng tác” hay “nhại” đồng dao lời mới với “Lồng đèn phố cổ”, “Chập chập cheng cheng”…
Bé My Lan, thành viên Đội Hoa Phưởng Đỏ phường Minh An, bày tỏ suy nghĩ của mình về nhạc sỹ, như sau: “Ông có tâm hồn yêu trẻ con. Ông gần gũi với trẻ con nên mới sáng tác những bài hát đó. Con luôn muốn ông sống thật nhiều, thật nhiều năm nữa để sáng tác cho tụi con hát”.
Tác phẩm của nhạc sĩ luôn ngân vang mỗi mùa hội diễn Hoa Phượng Đỏ- Ảnh: Quốc Hải
Đời vui như… trẻ thơ
Năm 2007, nhạc sĩ có viết cho nhà thơ Phùng Tấn Đông rằng: “Mình sinh năm 1930 tại Nghệ Tĩnh. Cha chết sớm, mẹ ẵm con về quê ngoại tại Hội An. Năm 1945 đậu Tiểu học Pháp Việt xong là Cách mạng Tháng Tám. Thi vào trường Trung học Phan Châu Trinh (lớp nhất niên). Bùng nổ kháng chiến mình vào Đội tuyên truyền xung phong Trung đoàn 93 sau 108. Sau 4 năm quân ngũ, chuyển qua làm tại Ty Thông tin tuyên truyền Quảng Đà. Năm 1953 lấy vợ, về quê, thế là bước sang một cuộc đời khác. Vậy đó…”.
Thiếu thời, nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ đã phổ thơ Xuân Diệu với bài “Gió mới” để chào mừng Cách mạng Tháng Tám. Là lớp kế tục của nhạc sĩ La Hối, tự học và học với lớp đàn anh trong Hội yêu âm nhạc Faifoo và ông cũng sớm đến với tân nhạc. Sau năm 1975, nhạc sĩ gắn bó với phong trào ca nhạc của phố cổ Hội An.
“Ông có lối “tốc ký âm” độc đáo. Khi cần phục dựng nguyên trạng một bài hát cũ, một làn điệu dân ca – chỉ cần nghe qua ai đó hát, ông tốc ký bằng các node chữ số, bằng ký hiệu thăng, giáng riêng rồi trả lại nguyên bản nhạc với xác suất sai biệt rất nhỏ, khá chính xác so với nguyên bản. Thứ đến là “tài” phổ thơ. Dường như trong gần 500 ca khúc của ông, các tác phẩm “đứng được” của ông đều phổ thơ. Đó là “Nhớ khẩu súng khắc tên Người” (phổ thơ Vũ Minh), thanh xướng kịch “Người con gái quê hương”, “Sử thi Mẹ quê hương” (phổ thơ Phùng Tấn Đông), “Phố xưa” (phổ thơ Doãn Lê)…, ca khúc thiếu nhi “Con yêu mẹ” (phổ thơ Xuân Quỳnh), “Hè sao vui thế” (phổ thơ Nguyên Hoài Nhân),…” – Nhà thơ Phùng Tấn Đông, cho biết.
Còn Chị Mỹ Phương, một người gắn bó với phong trào ca hát thiếu nhi phường Minh An, nói: “Bố Hoàng Tú Mỹ là một nhạc sĩ tài hoa, thân thiện và rất yêu đời. Ngoài 90 tuổi mà tâm hồn vẫn trẻ thơ, bao nhiêu năm gắn bó với Bố trong những chương trình thiếu nhi Hội An, Phương rất khâm phục Bố. Chỉ cần Phương nói ý đồ ra là Bố viết ngay một bài trong ngày cho mình”
Vừa nói vừa cười rất tươi, nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ, chia sẻ: “Viết về thiếu nhi thì dễ, lời lẽ cũng dễ. Mình nghệ sĩ làng mà, viết về thiếu nhi là chắc ăn nhất. Bởi viết cho người lớn khó lắm, chớ con nít khì khỏe lắm”.
Người viết bài này cũng may mắn được gọi nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ là Bố. Cuối năm Bố nằm viện, chỉ mong Bố luôn khỏe để cười vui với đời và làm cho đời vui như… trẻ thơ!
Quốc Hải