Người đàn ông nặng lòng với nghệ thuật hát tuồng

Từ niềm say mê, yêu mến nghệ thuật hát tuồng, ông Lê Phú Hải, ở khối Nam Diêu, phường Thanh Hà đã quyết tâm kiên trì theo đuổi loại hình nghệ thuật này, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất Hội An, Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.

Sinh ra trong một gia đình có ông nội và cha là những người hát tuồng ở khối Nam Diêu, phường Thanh Hà, thưở nhỏ, cậu bé Lê Phú Hải thường đi theo cha đến những điểm diễn tuồng của làng. Nhỏ tuổi nên cậu chỉ ngồi ở hai bên cánh gà sân khấu để xem, nghe và nhặt tiền thưởng cho ban tổ chức. Lớn lên một chút, khi học tiểu học, nhà trường hình thành một nhóm văn nghệ, nghe thầy giáo nói “mình là người Việt Nam thì hát về lịch sử Việt Nam” nên cậu học trò Lê Phú Hải về xin tuồng tích của cha để tập. Vở đầu tiên mà cậu cùng các bạn tập diễn là “Lam Sơn tụ nghĩa”, nói về các anh hùng Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Lai.

Trong ngôi nhà tạm, cả gia đình ông Lê Phú Hải và bạn diễn thường xuyên tập tuồng- Ảnh: Lê Hiền

Cứ như vậy, tuổi thơ đi qua, khi lớn lên, đất nước đang có chiến tranh nên Lê Phú Hải “xếp bút nghiên” lên đường đánh giặc. Sau ngày giải phóng, với đồng lương thương binh hạn hẹp và dù sức khỏe yếu, cuộc sống còn nhiều gian khó nhưng nỗi nhớ không nguôi về nghệ thuật tuồng đã thôi thúc ông trở lại, kiên trì theo đuổi, gìn giữ tuồng cổ. Ông tâm sự: “Nói chung là vì đam mê tuồng chứ không ai như tôi cả. Thực ra đời sống khó khăn lắm chứ. Mình nghỉ hưu sớm, phụ cấp thấp, bản thân mình thương binh ốm đau, vết thương tái phát, nhiều lúc phải đi mượn tiền của bạn để mua gạo nấu ăn, thèm thuốc phải tìm thuốc rê để hút nhưng mà tuồng thì mình không thể bỏ. Vì cái đó hình như là cái đam mê. Nơi nào có trống chiến trống chàu là nơi đó tôi đến. Vì lương một triệu rưỡi là tôi bỏ ra năm trăm, lúc tôi mua cái thùng, lúc tôi mua cái âm ly, lúc mua phông màn, lúc sắm áo quần dày dép. Đến bây giờ là một sân khấu hoàn chỉnh, chỉ mời diễn viên về hát và nhạc công về hoạt động, toàn bộ hóa trang, phục trang, hậu đài đầy đủ.”

Không chỉ khó về điều kiện kinh tế, giữa lúc ông trở về với nghệ thuật hát tuồng thì cái khó lớn hơn là dù nắm được tuồng nhưng cung cách của tuồng như thế nào thì ông thực sự chưa rành, bởi ông sinh ra và lớn lên bằng phong trào văn nghệ địa phương, không có thầy dạy về tuồng. Cuộc hôn nhân định mệnh giữa ông và bà Hồ Thị Ánh Hoa, một diễn viên của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (TP Đã Nẵng) như một mối lương duyên của nghệ thuật tuồng. Khi ấy, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh mở lớp dạy cho người có nhu cầu học ở các xã phường, dù phải tự lo kinh phí nhưng ông vẫn quyết tâm theo học. Nhờ học bài bản, lại có năng khiếu và lòng yêu mến tuồng từ nhỏ nên ông nhanh thông thạo bộ tịch tuồng, không cần phải nhắc tuồng, biện tuồng như mọi người. Rã kịch bản ra là ông tự học, kết hợp cái tài cá nhân để diễn trước công chúng. Không chỉ đi học hát cho chuyên nghiệp, ngoài các bộ tuồng của gia đình để lại, ông Lê Phú Hải còn cất công sưu tầm, xin lại tuồng từ gia quyến của những người trước đây cùng thời từng hát với ông, cha mình. Nhờ vậy đến nay ông đã sưu tập được 25 bộ tuồng (mỗi bộ gồm nhiều vở diễn khác nhau) một số lượng không dễ gì có. Ông cho biết: “Tôi sưu tầm thật nhiều tuồng để diễn viên thấy cái tuồng đó hay, thì chọn để hát. Thích hát tuồng nào tôi nói sơ qua nội dung thì tập hát, vì anh em người ta chuyên môn rồi. Tuồng mới thì rã vai ra người ta về học rồi đến ráp lại. Còn tuồng cũ phải chạy “đường dây” lại, ôn lại để hát. Chứ ra diễn ngoài công chúng không thể sống sượng. Sống sượng người ta chê. Đã không diễn thì thôi, mà đã diễn là phải ra tuồng”.

Ông Lê Phú Hải chuẩn bị đạo cụ cho con gái tập diễn- Ảnh: Lê Hiền

Trong bối cảnh âm nhạc hiện đại đang chiếm ưu thế hơn về người nghe, ông Lê Phú Hải vẫn quyết tâm gìn giữ, gắn bó với nghệ thuật tuồng. Hát tuồng giờ đã trở thành nghề cố hữu của gia đình ông. Vợ và đứa con gái út (nay đang học THPT) cũng đồng hành cùng ông trong từng buổi tập, vở diễn. Trong ngôi nhà tạm phường Thanh Hà cho gia đình ông mượn tạm để ở, thường ngày, hai vợ chồng và con gái đều tập luyện và hát tuồng. Cùng với một vài bạn diễn khác, đội tuồng của ông giờ đã trở thành đội tuồng đêm phố cổ. Ở cộng đồng, mỗi khi lễ hội, đội tuồng của ông đều được mời diễn, phục vụ bà con, luôn được nhiều người dân, nhất là các vị cao niên đón nhận, trân quý. Ông Nguyễn Lành, 83 tuổi, ở khối Nam Diêu, phường Thanh Hà nói: Thanh Hà đây cái thời kỳ Mỹ ngụy cũng đã xây dựng được một đoàn tuồng, ngon lành lắm chứ không phải đơn giản. Nhưng mà sau vì chiến tranh và các ông lớn ra đi dần, còn lớp trẻ lo phần kinh tế cho nên đoàn tuồng nó mai một. Bây giờ còn lại cái gia đình ông Hải, sau ngày giải phóng, ông trở về đây thì đoàn tuồng mai một hết rồi cho nên ông nắm níu ông xây dựng lại rất hay chứ. Bà con rất trân trọng vì gia đình Hải giữ được tuồng cổ của Việt Nam mình là đồng bào họ cũng phấn khởi lắm chứ. Cho nên khuyến khích gia đình Hải nên làm và cần tập tành số trẻ, sau này làm sao nó nối gót được, nó giữ cái làn tuồng lại được. Tức là làng gốm Thanh Hà có đoàn tuồng. Đó là điều đáng quý của bà con.

Một buổi diễn của ông Lê Phú Hải tại làng Gốm Thanh Hà- Ảnh: Lê Hiền

Hiện nay, ngoài biểu diễn phục vụ du khách vào tối thứ 7 hàng tuần tại vòng cung chùa Cầu, gia đình ông còn được Trung tâm VHTT thành phố mời truyền vai cho các em thiếu nhi của làng gốm Nam Diêu, phường Thanh Hà, vào tối thứ 6 hàng tuần tại số nhà 39 Nguyễn Thái Học. Hoạt động này do quỹ Hoàng Châu Ký tài trợ, nhằm khôi phục, gìn giữ một giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung và vùng đất Hội An, xứ Quảng nói riêng. Tâm đắc với việc truyền vai cho thế hệ trẻ, khôi phục, gìn giữ nghệ thuật tuồng, ông Lê Phú Hải cho rằng: “Riêng Hội An khôi phục lại Tuồng có ý nghãi rất lớn. Nó làm mọi người nhớ về truyền thống ngày xưa, nhớ về cội nguồn ông cha mình một thời ngày lao động đêm đi hát tuồng, coi tuồng. Thấy ở đâu có trống chiến, trống chầu nổi lên người ta bỏ cơm tối để mà đi. Cái đó dễ thương lắm, vĩ đại lắm. Cái ước mơ bình dị xây dựng cho được các cháu đồng ấu ra đời thì có giá trị nghệ thuật vô cùng. Vì nó làm cho Hội An không bao giờ mất đi hình ảnh cũ, ngược lại cũng làm cho Hội An tiếng tỏa đi nơi xa, thỏa lòng là mình là người Hội An giữ cho được nghệ thuật tuồng Hội An. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng, hết sức là cố gắng hướng dẫn dịu dắt các cháu đi lên, kịp cao trào hát tuồng trong cả nước

Quả thật, sự nặng lòng với nghệ thuật tuồng của ông Lê Phú Hải và gia đình ông rất đáng trân quý, nhất là trong giai đoạn đời sống âm nhạc đang phát triển đa dạng, mạnh mẽ như hiện nay. Bởi, nhờ có những người tâm huyết với nghệ thuật truyền thống như vậy, nhiều giá trị văn hóa của quê hương đất nước được gìn giữ, phát huy, sống còn cùng sự phát triển của dân tộc.        

Lê Hiền