Người chế tác gốc tre thành hàng lưu niệm ở phố Hội

Bằng bàn tay tài hoa và cái nhìn nghệ thuật, anh Huỳnh Phương Đỏ, khối An Định, phường Minh An đã chế tác những gốc tre mộc mạc, quen thuộc thành những sản phẩm mỹ nghệ, không những đem lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần đa dạng mặt hàng lưu niệm ở thành phố Hội An…

 Khác với hàng lưu niệm đủ sắc màu sản xuất theo dây chuyền công nghiệp được bày bán tại các quầy bên đường phố hoặc trong những ngôi nhà cổ, hàng lưu niệm của vợ chồng anh Huỳnh Phương Đỏ, ở cạnh chợ Bạch Đằng, thuộc khối An Định, phường Minh An toàn là những sản phẩm do chính anh trực tiếp làm ra từ gỗ và đặc biệt là những gốc tre khô. Hình tượng các vị thần, phật hay các nhân vật lịch sử được anh điêu khắc, chạm trỗ đều mang thần thái, cốt cách rất riêng. Từ Phật A Di Đà, Bồ Đề Đạt Ma, Tam đa Phúc, Lộc, Thọ nhân từ, phúc hậu đến hình tượng Quan Văn Trường oai phong lẫm liệt xung trận, “mỗi người một vẻ” nhưng tất cả đều có điểm chung nhất là được tạo hồn từ những gốc tre xù xì, thô cứng qua từng nhát đục tài hoa, tinh tế của người thợ mộc phố Hội/ Huỳnh Phương Đỏ.

Theo anh Đỏ, nghề đục tượng trên gốc tre khô không quá khó nhưng để làm ra sản phẩm lại là việc không mấy dễ dàng. Ngoài cần tay nghề tinh xảo, nghệ nhân phải có “con mắt” nghệ thuật thẩm mỹ, sáng tạo và  hiểu biết kiến thức lịch sử lẫn tri thức dân gian mới có thể hình dung và thể hiện cốt cách nhân vật, phù hợp với kiểu dáng, hình hài từng gốc tre. Anh Đỏ nói: Mình nhìn cho nó ra cái hình rồi mình mới tạo dáng cho gốc tre. Gốc tre nó to, nó già, cái rễ sum suê thì phải chon cái thế như thế nào đó thành râu. Hoặc là những nhân vật lịch sử “cao cấp”, ta chỉ cần trở ngược lại để đục thành tóc, ở dưới ta đục cái mặt.. Cái người đục chỉ cần nhích hơi nặng cái lát đục một cái cái thì nó tươi, còn không tươi thì ta đục hơi lệch lệch đi, nhích cái lát đục qua một bên, tức lá cười mỉa mai đó. Cười có, buồn có, vui có, khóc có.Tất cả những hình ảnh này được định hình từ khi chọn gốc tre”.

Theo chia sẻ của anh Huỳnh Phương Đỏ, nghề tạc tượng nghệ thuật từ gốc tre đến với anh như một cơ duyên “trời cho”. Bởi, dù đã học nghề mộc từ khi mới 16 tuổi nhưng vào những năm kinh tế khó khăn, không thể mở xưởng, anh đành mưu sinh kiếm sống, rong ruỗi trên từng con phố bán bánh chưng dạo, cùng vợ vun đắp cuộc sống gia đình, mặc dù khát vọng gắn bó với nghề mộc luôn thường trực trong tâm. Tình cờ, trong một trận lụt 15 trước, khi đang trú ẩn trên gác, nhìn xuống mặt nước thấy cụm gốc tre trôi lềnh bềnh, anh vui tay vớt lên. Sẵn bộ đồ nghề, anh mang ra đục đẽo. Khi nước lũ rút cũng là lúc bộ sản phẩm đầu tiên của anh hoàn thành. Anh tự hỏi, tại sao mình không “cách tân” thực hiện nghề mộc đã ấp ủ bấy lâu bằng việc đục đẽo gốc tre nghệ thuật? Thế là anh đã đến với nghề tạo hình gốc tre nghệ thuật từ đó.

Để có được những sản phẩm ưng ý đến tay du khách, cứ khoảng 1 quý, anh Đỏ nhập về một xe gốc tre đủ loại. Sau đó, những tảng gốc tre xù xì được tách tỉa, phun xì sạch sẽ, phù hợp, ngâm kỹ 3 tháng dưới bùn lày để tránh mối mọt và tạo độ trắng sáng. Trước khi tạc tượng, anh Đỏ phải dành thời gian suy ngẫm, hình dung rồi dựa vào thế gốc, thế rễ để tạo hình nhân vật phù hợp. Gặp những gốc có hình thù phức tạp, kỳ lạ, khó đoán, anh phải thực hiện vài ngày mới có thể hoàn thành. Tùy vào sản phẩm và công sức lao động, anh định giá bán khác nhau, có thể một vài trăm ngàn hoặc nhiều hơn chút ít. Sản phẩm làm ra được nhiều người ưa chuộng nhưng vợ chồng anh vẫn kinh doanh theo cách lấy công làm lãi, giá thành vừa phải, cốt để giữ nghề và quảng bá, giới thiệu nghệ thuật đục đẽo gốc tre độc đáo đến du khách, tạo thêm sản phẩm du lịch cho phố cổ Hội An. Anh tâm niệm: Trong nghề điêu khắc gốc tre, cái khó nhất là xử lý gốc tre. Xử lý tức là đừng cho mối mọt ăn. Những gốc tre này rất là cứng, chất liệu có khả năng cứng hơn gỗ. Và những sản phẩm này rất bền chắc, cũng giống như là trong buôn bán, tôi muốnquảng bá cho sản phẩm gốc tre của Hội An mình, đây là nghề điêu khắc ngày càng được bền bỉ, tiếng tăm

Hàng ngày, lượng khách trong và ngoài nước đến cửa hàng của anh khá đông. Có người mua gốc tre nghệ thuật về làm quà, có người đến chỉ để nhìn ngắm, chiêm ngưỡng sản phẩm và tay nghề của anh Huỳnh Phương Đỏ hoặc có khi đơn thuần là để chụp hình, ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong mỗi chuyến đi.

Hiện nay, một số cửa hàng lưu niệm trong và ngoài thành phố cũng thường đặt hàng gốc tre nghệ thuật nên việc chế tác, kinh doanh của vợ chồng anh Đỏ cũng thu đạt hiệu quả kinh tế cao. Anh cũng đang truyền dạy nghề cho một số anh em, bạn bè thân tín, cùng làm việc tại cơ sở để có đủ lượng hàng bán, nhất là vào dịp gần tết. Theo phòng Kinh tế thành phố, việc chế tác gốc tre nghệ thuật không chỉ thể hiện sức sáng tạo và khiếu thẩm mỹ độc đáo của anh Huỳnh Phương Đỏ, giúp gia đình ổn định đời sống mà còn góp phần đa dạng các mặt hàng lưu niệm sản xuất tại chỗ cho địa phương, nhất là khi hàng ngoại nhập, ngoại lai  ngày càng nhiều như hiện nay.

Lê Hiền