Ghi nhận từ Hội thi “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật”

Sau thời gian phát động đến các trường THCS trên địa bàn thành phố, Phòng GD&ĐTvừa tổ chức Hội thi hùng biện “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật” cấp thành phố, mang lại sân chơi bổ ích cho các em học sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Dung – Trưởng phòng GD&ĐT thành phố, hội thi được tổ chức nhằm  mục đích tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên và học sinh trong việc chấp hành pháp luật, qua đó nâng cao chất lượng công tác giáo dục đạo đức và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường. Ông Nguyễn Văn Dung cho biết:  “Mục đích chủ yếu là tuyên truyền rộng rãi việc thực hiện pháp luật. Đồng thời qua cuộc thi này để giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức cho các em học sinh không chỉ trong hội thi này mà còn giáo dục trong toàn thành phố chúng ta”.

Tham gia hội thi cấp thành phố có 9 học sinh đại diện cho 9 trường THCS trên địa bàn thành phố. Đến với hội thi, thông qua những câu chuyện tình huống về đạo đức và pháp luật từ thực tiễn, các emđã gửi gắm thông điệp về ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng và giữ gìn nhân cách con người cũng như những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Mở đầu hội thi là câu chuyện của em Bùi Kiến Đức học sinh lớp 9/1, trường THCS Kim Đồng. Bằng cách thể hiện nhẹ nhàng, lôi cuốn, chứa đựng những thông điệp sâu sắc, câu chuyện của  Đức đã thu hút sự quan tâm theo dõi của khán giả. Đó là câu chuyện về tấm lòng hiếu thảo của một cậu bé đối với mẹ mình. Vì muốn mua cho mẹ một đồ vật, cậu đã kiên trì đi nhặt phế liệu suốt bốn tháng để bán kiếm tiền. Đức cho biết qua câu chuyện, em mong muốn mọi người hãy sống có trách nhiệm và tình cảm đối với các bậc sinh thành.

Phần thi hùng biện của em  Trần Thị Mỹ Linh (trường Nguyễn Khuyến) với câu chuyện “Yêu thương và tha thứ”- Ảnh: Phan Sơn

Còn câu chuyện của em Lê Thị Hương Yến, lớp 6/4, trường THCS Phan Bội Châu khiến những người có mặt tại hội thi không khỏi xúc động. Là một trong hai thí sinh nhỏ tuổi nhất hội thi nhưng Yến đã có sự nhập tâm vào câu chuyện và cùng lúc thể hiện nhiều vai. Nhân vật chính trong câu chuyện của em là một cô bé bị nhiễm HIV với nỗi đau và sự buồn tủi vì sự kỳ thị, xa lánh của bạn bè và những người xung quanh. Sự nhập tâm vào câu chuyện đã khiến Yến không cầm được những giọt nước mắt.  Và chúng tôi cũng “bắt gặp” những đôi mắt đỏ hoe của các thầy cô cũng như các em học sinh khi nghe câu chuyện của Hương Yến. Chia sẻ về thông điệp của mình, Yến chia sẻ:  “Qua câu chuyện ngày hôm nay, em muốn gửi đến mọi người thông điệp là đừng kỳ thị với những trẻ em bị nhiễm HIV hoặc những người bị nhiễm HIV vì HIV không lây qua đường hô hấp hoặc giao tiếp thông thường, hãy mở rộng vòng tay với họ”.

Trong khi đó,  câu chuyện của em Phạm Trần Mai Ly, lớp 8/2, trường THCS Huỳnh Thị Lựu lại mang đến sự cảm thông sâu sắc đối với nhân vật trong câu chuyện của em. Từ hoàn cảnh đáng thương của một cô bé bị bạo hành, qua cách thể hiện đầy cảm xúc của Ly, người xem thực sự cảm thấy phẫn nộ và đồng cảm với cô bé bị bạo hành. Không xúc động như những câu chuyện của các bạn, Lê Nguyễn Thị Thu Trang đến từ trường Nguyễn Du mang đến hội thi thông điệp chung tay bảo tồn di sản. Sự kết hợp hoạt cảnh trong phần thi của em đã tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với người xem. Trang chia sẻ rằng em mong muốn mọi người cùng bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản vì đó là những tài sản quý giá mà ông cha ta đã để lại.

 Bên cạnh những câu chuyện xúc động,  những đề tài gắn với thực tiễn cuộc sống và gắn với các em như nhặt được của rơi trả lại cho người mất hay tác hại của nghiện trò chơi điện tử… cũng đã mang đến những thông điệp hay và có ý nghĩa. Đánh giá về phần thi của các em, thầy giáo Trần Văn Lê, thành viên Ban giám khảo cuộc thi cho biết:“Đề tài khá phong phú và đi vào nhiều mảng sâu sắc của cuộc sống, vừa mang đậm giá trị đạo đức vừa có liên quan đến các phạm trù của pháp luật. Nhiều đề tài rất cảm động về tình yêu thương về tình bạn bè. Đa số đề tài được đầu tư công phu về nội dung, phong cách viết văn tốt, bố cục hợp lý, nội dung sâu sắc”

Có thể nói cuộc thi hùng biện “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật” đã mang đến những bài học đạo đức và pháp luật quý giá cho các em học sinh cùng sự chiêm nghiệm cho các thầy cô giáo và những người quản lý giáo dục. Những bài học ấy sẽ giúp các em bồi dưỡng, rèn luyện  nhân cách sống và những phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho bản thân.

Phan Sơn