Mạch nguồn lịch sử Thanh Hóa – Hội An

Từ lâu, nhiều người Hội An vốn mang trong mình nguồn cội xứ Thanh bởi những người con Thanh Hóa hành trình về phương nam mở mang bờ cõi, tạo ấp, lập làng, sinh sống ở thương cảng Hội An. Đã có nhiều nghề nghiệp, tên đất, tên làng, dòng họ ở Hội An như thôn Nam Ngạn cũ, ở phường Cẩm Nam, khối Trường Lệ, phường Cẩm Châu, khối Thanh Chiếm, Nam Diêu, phường Thanh Hà hay tên các dòng họ Lê, Nguyễn, Trần… gắn liền với một bộ phận cư dân Thanh Hóa. Và có lẽ, cũng ít ai biết rằng, nhiều làng nghề của phố Hội, trong đó có làng nghề truyền thống gốm Thanh Hà nổi tiếng cũng phát tích từ xứ Thanh, khi từ hàng trăm năm trước, người Thanh Hóa xuôi theo dòng Thu Bồn tìm nơi định cư, sinh sống, làm ăn và đặt tên đất, tên làng tại nơi ở mới có tiếng “Thanh”, ngụ ý chỉ về bản xứ, nguồn gốc.

Theo lời kể của cụ Nguyễn Lành, 84 tuổi, hiện sống tại khối Nam Diêu, phường Thanh Hà – một trong những nghệ nhân cao tuổi, uy tín của làng gốm – thì trước đây, người Thanh Hóa khi đặt chân đến vùng đất Thanh Hà bây giờ đã chọn nơi thiên thời, địa lợi, nhân hòa này để cư trú. Họ mang theo nghề trồng lúa và nghề làm gốm để khởi nghiệp, theo thời gian lập nên làng xã. Cho đến nay, nhiều người dân khối Nam Diêu vẫn còn kể những câu chuyện truyền miệng về nguồn gốc, xuất xứ của vùng đất và cư dân Thanh Hà. Ông Nguyễn Lành cho biết:  Ông bà mình ngày xưa từ Thanh Hóa vào. Vào đến cồn Đọng thì sóng to, gió lớn nên tấp vào núp gió. Khi ông bà mình núp gió ở đó, ông bà mình mới tràn lên, khai hoang, vỡ hóa, gọi là đất Thanh Hà bây giờ.Tức là Thanh Hà hồi xưa mới thành lập 13 ấp. Hầu hết dân cư ở đây làm rất lớn và sản xuất đi biết bao nhiêu miền, bán ngược ra Thanh Hóa, Nghệ An, bán ngược vô lại Quảng Ngãi.Hồi đó ông bà mình vô đây làm chiếm Thanh Chiếm trước rồi lan rộng ra Hà Tân, sau đó về Nam Diêu, về phía Nam để lập cái lò, từ sau thế kỷ thứ 15 đầu thế kỷ 16.”

Gặp mặt bà con Thanh Hóa sống tại Hội An- Ảnh: Lê Hiền

Không chỉ có làng nghề, hiện nay, nhiều dòng tộc ở Hội An đều truyền giữ gia phả, với các thế hệ tổ tiên, tiền hiền là người gốc Thanh Hóa. Trải qua nhiều đời liên tiếp, có những tộc họ đã có đến hàng ngàn nhân khẩu, sinh sống, làm việc ổn định, trở thành dân cư gốc của Hội An ngày nay. Dòng họ Lê Viết ở phường Cẩm Nam là một điển hình. Theo gia phả và nội dung dịch từ văn bia trên mộ tổ, tọa lạc tại khối Xuân An, phường Cẩm Phô, tộc Lê Viết có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Hiện nay, toàn tộc đã có đến hơn 2.000 nhân khẩu, kể cả nội, ngoại, quy tụ đông nhất ở 2 phường Cẩm Nam và Cẩm Phô. Ông Lê Viết Cương, thế hệ thứ 11, hiện là trưởng tộc Lê Viết kể: Từ Thanh Hóa mà đi nên mang theo cái tinh thần của Thanh Hóa. Vì vậy nên vào đến đây, đất lạ quê người, mở làng lập ấp nhưng vẫn luôn giữ tinh thần Thanh Hóa. Về vấn đề thờ cúng tổ tiên, vẫn có người ra ngoài đấy để mà tìm kiếm dòng họ của mình. Tuy việc chưa có kết quả nhưng chúng tôi vẫn luôn nhớ về cội nguồn của mình từ Thanh Hóa. Thành phố Hội An đây là thành phố kết nghĩa nên cũng tạo thuận lợi, thỉnh thoảng thì ngày kỷ niệm người ta vào đây, chúng tôi cũng ra Thanh Hóa tìm về nguồn gốc của mình, xác định lại cho rõ ràng để con cháu sau này khỏi trách cứ.”

Theo các tài liệu lịch sử, trong phong trào Nam tiến vào đàng trong của các triều đại phong kiến Việt Nam, bắt đầu từ Hồ Quý Ly, rồi sau này là vua Lê Thánh Tông và đặt biệt là thời chúa Nguyễn Hoàng đi vào Nam với tinh thần tạo dựng cơ nghiệp độc lập với chúa Trịnh ngoài Bắc. Khi vào đây, các đoàn quân của các triều đại phong kiến đều đem theo các tướng lĩnh, nhân tài, người thân tín từ Thanh Hóa vào để mở mang bờ cõi, trấn thủ biên cương. Từ đó, lãnh thổ được mở rộng, văn hóa dân tộc có cơ hội giao thoa với văn hóa các tộc người trên vùng đất mới, tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa Việt ngày nay. Nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An chia sẻ: “Qua nghiên cứu tôi thấy rằng là các tộc họ ở đây như là tộc Lê, tộc Trần, tộc Nguyễn, Huỳnh, đến nay đã bốn, năm trăm năm tạo dựng và đã có tộc có đến 20 đời, 15, 16 đời sống tại Hội An dựng lên cái con người hôm nay. Và khi vào, họ đem vào những ngành nghề vốn có của dân Thanh Hóa, ví dụ như nghề nông, nghề chài lưới đánh bắt trên sông, rồi nghề thủ công, làm gốm, rồi là mộc cùng với sự phát triển của vùng đất này, với sự, sử dụng thế mạnh của thương cảng Hội An thì cái nghề buôn bán, ghe bầu, thương mại phát triển mạnh mẽ, góp phần to lớn tạo nên thương cảng Hội An”

Nhận thức rõ giá trị của lịch sử, ở thời điểm cam go, khốc liệt nhất của kháng chiến chống Mỹ, Hội An và Thanh Hóa đã kết nghĩa, cùng “chung lưng đấu cật”, đánh đuổi kẻ thù. Trong giai đoạn hiện nay, nối tiếp mạch nguồn lịch sử, Thanh Hóa và Hội An tiếp tục giúp đỡ lẫn nhau về cách thức làm ăn và quản lý xã hội. Cứ như vậy, tình cảm gắn bó, keo sơn như anh em ruột thịt đang được Đảng bộ và nhân dân hai thành phố trân trọng, bảo tồn, gìn giữcho hôm nay và cả mai sau.

Lê Hiền