Ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng

Định hướng phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, trong đó du lịch được xác định là ngành chủ đạo, TP.Hội An tiếp tục ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao hơn nữa lợi ích và trách nhiệm của người dân, xem đây là yếu tố hàng đầu, quyết định tính bền vững.

Trong những năm qua, mô hình du lịch cộng đồng ở Hội An có chiều hướng phát triển mạnh, góp phần cải thiện sinh kế, mang lại lợi ích cho người dân. Loại hình du lịch này đã thu hút nguồn lực từ cộng đồng trong đầu tư, khai thác, phát huy và bảo vệ, chăm sóc, phát triển tài nguyên cả nhân văn lẫn sinh thái.

*Lợi ích tại chỗ:

Hình thành sớm và tạo được sản phẩm đặc sắc là du lịch cộng đồng ở các làng nghề truyền thống như rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng. Du khách rất thích thú khi được đến những nơi này, hòa vào cuộc sống thực tại của người dân, được xới đất trồng rau, nhào đất chuốt gốm, cưa xẻ gỗ… và tìm hiểu nét đẹp văn hóa làng nghề như nếp ăn ở, truyền dạy nghề, các ngày hội lễ tổ nghề, lễ cầu mùa, cầu an…

Ở Cù Lao Chàm, mô hình này bắt đầu thực hiện từ năm 2009 với loại hình homestay ở Bãi Hương, đến nay đã lan rộng đến các cụm dân cư trên đảo. Gần 3 năm qua, mô hình du lịch cộng đồng tiếp tục mở rộng đến 2 thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Đông (xã Cẩm Thanh) với loại hình du lịch sinh thái gắn với rừng dừa nước và hệ sông lạch vùng hạ lưu Thu Bồn cùng một số khu vực khối Thanh Tây, An Mỹ, Sơn Phô 2 (phường Cẩm Châu) với loại hình du lịch nghỉ ngơi, thăm thú dạo chơi. Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố cho biết:  “UBND thành phố và các ngành xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển cơ sở lưu trú, quản lý và khai thác các tiềm năng du lịch trên địa bàn. Trên cơ sở đó, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cho khu vực biển – đảo – làng quê, chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị sinh thái – nhân văn của từng địa phương, gắn với đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các khu vực này, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia và được hưởng lợi từ du lịch”.

Làng rau Trà Quế là nơi hình thành sớm và tạo sản phẩm du lịch cộng đồng khá đặc sắc- Ảnh: Đỗ Huấn

Chính quyền thành phố cũng đã tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn các loại hình tài nguyên, bởi đây là vốn quý để sinh lợi; đồng thời tiến hành các hoạt động hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ để cộng đồng dân cư thực sự là chủ thể các hoạt động du lịch tại chỗ. Ngoài ra, chính quyền còn khuyến khích cộng đồng dân cư xây dựng mô hình lưu trú cùng dân (homestay) và các cụm homestay, đặc biệt tại các làng nghề, làng quê sinh thái; đồng thời khuyến khích, gắn kết tổ chức chương trình du lịch với các dịch vụ cộng đồng nhằm tạo việc làm, thu hút lao động và cải thiện thu nhập ngay tại cộng đồng.

*Tạo lợi thế khác biệt:

Du lịch cộng đồng ở Hội An phát triển dựa trên nguồn tài nguyên nhân văn và tài nguyên văn hóa dồi dào phong phú nhưng thực tế sự kết hợp giữa hai yếu tố này thời gian qua vẫn thiếu hài hòa, nhuần nhuyễn. Nguồn nhân lực, trình độ dân trí của cộng đồng dân cư – chủ thể hoạt động chậm được nâng cao, chưa đáp ứng yêu cầu. Sự liên kết, hợp tác cùng các doanh nghiệp trong việc giới thiệu thị trường, quảng bá sản phẩm, đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ năng… chưa cao, thiếu chặt chẽ. Hoạt động của cộng đồng dân cư chủ yếu mang tính tự phát, lợi nhuận còn mang tính cục bộ, chưa đồng đều. “Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu kỹ các đặc điểm tự nhiên, kinh tế, dân cư của từng làng nghề, làng quê để có chính sách, kế hoạch phát triển phù hợp. Trong đó, tiếp tục chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, các mô hình kinh doanh nhỏ, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phải phù hợp với nhu cầu phát triển của từng địa bàn. Phát huy thực tế chính sách đào tạo nghề, đào tạo lao động, xây dựng nguồn nhân lực bền vững lâu dài tại các vùng nông thôn”, bà Đinh Thị Thu Thủy – Trưởng Phòng TM-DL thành phố đề nghị.

Du lịch cồng đồng đang phát triển mạnh ở vùng dừa nước ngập mặn xã Cẩm Thanh- Ảnh: Đỗ Huấn

Tiềm năng, thế mạnh du lịch cộng đồng ở Hội An không chỉ dừng lại như hiện tại và sức hấp dẫn còn lớn hơn khi biết khơi dậy nguồn lực tại chỗ, phát huy bản sắc riêng có. Nên chăng lãnh đạo thành phố cần tạo cơ chế cụ thể để hình thành thêm các điểm du lịch cộng đồng theo đặc trưng của địa phương như: làng du lịch biển An Bàng, làng nông nghiệp An Mỹ, làng vườn phố Thanh Nam, làng quê sinh thái Cẩm Thanh, làng nghề sông nước Vạn Lăng, làng nuôi tôm Cồn Nhàn, làng dừa nước Thanh Nhứt, Thanh Nhì, làng chài Bãi Hương, làng cá Cửa Đại, làng bắp Cẩm Nam, làng cây cảnh An Phong, Trường Lệ… Xuất phát từ quan điểm tạo ra lợi thế khác biệt mới tạo ra năng lực cạnh tranh tồn tại và phát triển bền vững, bà Thủy cho rằng: “Các mô hình nhỏ, thân thiện, lan tỏa, xuất phát bền vững từ đồng ruộng, tay nghề, sông nước… là công cụ có thể “sống tốt” cho người dân địa phương trong dòng cạnh tranh du lịch, đa phần là các doanh nghiệp, tập đoàn như hiện nay”.

Đỗ Huấn