Hệ thống sông ngòi là tiềm năng, thế mạnh để Hội An phát triển du lịch cùng với khu phố cổ – di sản văn hóa thế giới. Là vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, vùng sông nước ở đây có những nét đặc trưng độc đáo. Phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch vùng sông nước, Hội An có thêm sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách.

Hội An vừa có đô thị gồm khu phố cổ và các khu đô thị mới vừa có đồng bằng; vừa có biển, có hải đảo tạo nên nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào về lâm, thổ, hải sản… Phần lớn diện tích tự nhiên của Hội An được bao bọc bởi hệ thống sông lớn nhỏ, mương lạch chằng chịt và bị chia cắt bởi những bãi, nổng, trảng, dốc, cồn cát; những bàu, đầm, hói, vũng, ao…và những rừng dừa nước ngập mặn.
Với sự đa dạng về tài nguyên nhân văn và tài nguyên sinh thái, vùng sông nước Hội An rất giàu tiềm năng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư. ThS Nguyễn Chí Trung – nhà nghiên cứu văn hóa Hội An cho rằng, hệ thống sông ngòi chằng chịt tạo cho Hội An trở thành địa bàn đa dạng về hệ sinh thái và môi trường sống của con người cũng rất phong phú. “Trên cơ sở đó cũng tạo cho Hội An sự đa dạng về phát triển kinh tế, về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng ở vùng “cửa sông ven biển” đặc thù này. Cùng với quá trình bảo tồn, giá trị văn hóa và cảnh quan sông nước vẫn còn khá nguyên vẹn mà như các nhà du lịch học cho rằng: hiếm ở đâu như Hội An với diện tích không rộng, chỉ khoảng 60km2 mà có đầy đủ các yếu tố của du lịch sinh thái, văn hóa”, ThS Nguyễn Chí Trung nói.

Quả đúng vậy, không ở đâu mà dọc theo con nước từ thượng nguồn đổ về lại có nhiều tên đất, tên làng nổi tiếng như vậy. Một làng gốm Thanh Hà với những con người biết gọi hồn, chắp cánh cho đất. Một làng mộc Kim Bồng với những nghệ nhân biết hóa thân trong từng đường chạm trỗ, thể hiện tài hoa sáng tạo. Bỏ quá khu phố cổ – di sản văn hóa thế giới một chút thì có làng ẩm thực dân dã, khoái khẩu: hến trộn, bánh tráng đập và bắp nấu – Cẩm Nam. Rời xa khu di sản phố cổ lung linh màu sắc đèn lồng là đến các làng quê sinh thái đầy sắc màu thiên nhiên, bình yên, thoáng mát của thành phố như Trà Quế (Cẩm Hà), Thanh Tây (Cẩm Châu), Thanh Đông, Thanh Tam (Cẩm Thanh)… và xa hơn tí nữa là Trà Nhiêu (huyện Duy Xuyên), Triêm Tây (TX. Điện Bàn)…

Trong những năm qua, loại hình du thuyền trên sông Hoài phát triển tương đối mạnh nhờ nhu cầu của du khách tăng cao. Du khách trong nước rất ưa chuộng loại hình du lịch này, nhất là vào mùa hè. Du thuyền trên sông Hoài, du khách có dịp cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp hiếm có của vùng đất và con người vùng “cửa sông – ven biển” Cửa Đại. Cảm giác thích thú của du khách là được ngồi trên thuyền chầm chậm trôi để tận hưởng những làn gió mát lành phả lên từ mặt sông mang theo vị lợ lợ của vùng nước ngập mặn, rồi phóng tầm mắt ngắm nhìn những làng quê êm ả, rợp bóng cây xanh với những bến bờ luôn rộn rã tiếng nói cười. Những vị khách đa cảm, hay hoài niệm dễ bắt gặp dọc theo con nước ven sông ký ức của một thời thơ trẻ với cảnh các mẹ, các chị và lũ trẻ ra sông giặt giũ, tắm táp, nghịch nước buổi trưa hè… Dừng lại một bến bờ nào đó, du khách có thể thả câu, quăng lưới, bủa rập tìm một ít cá, tôm, cua… làm các món ẩm thực cho bữa ăn trên sóng nước bập bềnh. Không có tay “sát ngư” thì ghé vào một chồ rớ hay cập vào chiếc thuyền đánh cá của những người dân chài dọc triền sông để mua lại một ít thuỷ sản tươi sống mà họ vừa đánh bắt được. Xuôi theo dòng, càng đến gần Cửa Đại càng nghe rõ hơn tiếng sóng rì rầm vọng về từ biển và càng thấy tâm hồn lộng gió khơi xa. Bóng dáng cụm đảo Cù Lao Chàm cũng từ đó hiển lộ, thấp thoáng ngoài khơi:
“Non sông ai dựng ai làm
Sông Thu Bồn uốn khúc, Cù Lao Chàm xanh um”.
Đó cũng là lúc thuyền đang đi vào rừng dừa nước ngập mặn và cỏ biển của vùng hạ lưu sông Thu Bồn. Vùng rừng dừa ngập mặn này chủ yếu thuộc xã Cẩm Thanh. Dừa mọc ven bờ các sông lạch, quanh năm xanh tốt, tạo cho nơi này có một sinh cảnh rất đặc biệt. Nơi đây cũng là di tích lịch sử nổi tiếng, gắn liền với những chiến công hiển hách trong 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược của quân và dân Hội An, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Về giá trị đặc trưng của rừng dừa, ThS Lê Ngọc Thảo – Thư ký Ban quản lý Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An cho biết, rừng dừa là nơi tạo ra nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, đặc biệt nguồn lợi trong rừng dừa rất quan trọng. “Trong lịch sử, rừng dừa ngoài việc bảo vệ cộng đồng cư dân ở địa phương trước những thiên tai, bão tố và bảo vệ các ngôi làng ở khu rừng dừa thì về góc độ sinh học rừng dừa là nơi để con cá, con tôm và các loài thủy hải sản thực hiện chức năng, thiên chức sinh sản và bảo tồn cho thế hệ hôm nay và mai sau”, ThS Thảo nói.

Kết quả nghiên cứu của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, hệ sinh thái vùng ngập mặn Cửa Đại thu hút sự quan tâm đặc biệt của các du khách đến từ Châu Âu, nhất là các nhà nghiên cứu sinh vật, môi trường và thiên nhiên bởi tính đa dạng và hiếm lạ sinh học. Năm 2023, Khu di tích lịch sử – văn hóa Rừng dừa xã Cẩm Thanh được UNESCO công nhận đạt danh hiệu “Điểm đến Du lịch tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương”, được vinh danh tại diễn đàn Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam – Ấn Độ. Năm 2024, trải nghiệm thuyền thúng ở Rừng dừa Cẩm Thanh lọt vào top 25 trải nghiệm trên thuyền hấp dẫn nhất thế giới.
Tiềm năng du lịch sông nước Hội An còn rất đa dạng, phong phú. Du ngoạn bằng thuyền trên sông Hoài trong không gian “đêm phố cổ” với vẻ đẹp thơ mộng, lung linh sắc màu của lồng đèn và hoa đăng, du khách say đắm thả hồn theo điệu hò, câu hát mênh mang sông nước. Ban ngày, qua các chương trình du thuyền tham quan các làng nghề truyền thống, du khách được khám phá các giá trị văn hoá nghề độc đáo, chiêm ngưỡng những kiệt tác từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, trải nghiệm các công đoạn chuốt gốm, chạm khắc gỗ, dệt chiếu, vãi chài… cùng cư dân địa phương. Những câu chuyện về các dòng sông gắn với thương cảng xưa của đô thị di sản văn hóa thế giới – phố cổ Hội An vẫn còn dài và chưa biết hết, cần được khai thác và phát huy. Ông Nguyễn Sự – nguyên Bí thư Thành ủy cho hay, để hình thành nên cảng thị Hội An các nhà khoa học và chuyên gia phải nghiên cứu từ những dòng sông, trong tác động của từng dòng sông Thu Bồn, Lộ Cảnh Giang (tức là sông Cổ Cò), Trường Giang như thế nào mới có được. “Nếu không có các dòng sông sẽ không có cảng thị Hội An! Như vậy chính dòng sông Thu Bồn, dòng sông Trường Giang, Lộ Cảnh Giang và các dòng sông khác đã tạo nên cảng thị Hội An, chứ không chỉ là Cửa Đại Chiêm”, ông Sự xác định.
Và từ vùng sông nước Hội An còn có thể kết nối với các địa phương lân cận như Điện Bàn, Duy Xuyên… để hình thành các tuyến tham quan du lịch mới lạ, độc đáo, tạo thêm các sản phẩm khám phá, trải nghiệm hấp dẫn, đậm nét văn hóa bản địa Xứ Quảng.
ĐỖ HUẤN