Thêm một tour du lịch sinh thái tại Cẩm Thanh

Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An và UBND xã Cẩm Thanh vừa giới thiệu một tuyến du lịch sinh thái mới tại Cẩm Thanh do nhóm cộng đồng thực hiện. Tuyến du lịch đang trong giai đoạn khởi đầu nhưng hứa hẹn sẽ tạo sinh kế cho cộng đồng, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sinh kế bền vững và phát triển KT-XH trong Khu dự trữ sinh quyển.

Thăm khu di tích mộ Thứ phi vua Quang Trung và các tướng Tây Sơn- Ảnh: Quốc Hải

9h sáng, chúng trôi cùng đoàn cán bộ của Viện Địa lý – Bộ KH&CN có mặt tại quán cà phê Dạ Quỳnh gần cầu Thanh Đông – Cẩm Thanh. Đón chúng tôi là sự niềm nở của Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn Biển Cù lao Chàm và tiếng cười lành của những người nông dân Cẩm Thanh.

Khung cảnh trong quán cà phê thật lạ. Vài tấm panô nhỏ và băng rôn cho biết đây là 1 địa chỉ hưởng ứng tích cực cuộc vận động “nói không với túi ni-lông, ly và ống hút nhựa”. Phong thái chân tình của Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh càng khiến cho cuộc gặp gỡ trở nên gần gũi.

“Dựa vào nền tảng của Cẩm Thanh, đó là vườn rau hữu cơ đã đúc kết được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm; nông dân làm nông nghiệp với kiến thức sinh thái, vừa khoa học vừa quần chúng, rất hiện đại mà truyền thống. Thứ hai, Cẩm Thanh nằm trên một làng lúa với cảnh quan tuyệt vời cùng với rừng dừa nước và đặc biệt là truyền thống văn hóa lịch sử. Chính vì vậy, chúng tôi lồng ghép 4 nội lực này để làm sao toát lên được trên tinh thần chung là bảo vệ được tính đa dạng này. Chính vì vậy, đề tài của chúng tôi muốn xây dựng nên 1 tour, đây là tour lý thuyết để nghiên cứu và bổ sung thêm” – Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, cho biết.

Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh giới thiệu chương tình tour- Ảnh: Quốc Hải

Đó là những gì bắt đầu cho một chương trình giới thiệu tuyến du lịch sinh thái mới tại Cẩm Thanh do cộng đồng thực hiện. Ngay sau đó, chúng tôi theo ông Lê Nhương, một nông dân trồng rau hữu cơ tại thôn Thanh Đông lên xe đạp vào làng. Con đường bê-tông đưa chúng tôi đến với di tích lăng Trà Quân, thăm giếng Chăm và miếu tổ nghệ Yến Thanh Châu nằm giữa cánh đồng lúa xanh mát mắt. Dù nắng trưa đã gay gắt nhưng gió đồng thổi mênh mông khiến mọi người vẫn cảm thấy khoan khoái, nhẹ nhàng.

Trên đường di chuyển sang khu di tích mộ Thứ phi vua Quang Trung và các tướng Tây Sơn nằm bên cánh đồng làng, nông dân Lê Nhương không giấu niềm vui khi được trực tiếp tham gia vào tour du lịch này:“Tôi là người nông dân tực tiếp tham gia tour du lịch cồng đồng này. Phát triển du lịch cộng đồng đem lại lợi ích cho nông dân trong khu vực, kể cả bản thân và gia đình có thêm thu nhập tăng thêm trong phần sản xuất nông nghiệp. Mô hình phát triển phù hợp với địa phương, chủ trương của thành phố là phát triển du lịch cộng đồng, quan tâm đến đời sống của bà con nông dân.”

Có thể hình dung, chương trình tour sẽ kết nối việc tham quan các di tích lịch sử văn hóa tại thôn Thanh Đông với các giá trị sinh thái làng quê sông nước cùng làng rau hữu cơ. Điều thú vị là chính những người nông dân địa phương trực tiếp hướng dẫn, giới thiệu và đưa đón du khách bằng xe đạp quanh những cánh đồng, đường làng và bơi thuyền thúng trên sông Đò. Du khách còn trực tiếp trồng rau hữu cơ, khám phá đời sống sông nước, rừng dừa và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, nói không với túi ni lông, ly và ống hút nhựa.

Dạo xe đẹp quanh làng lúa- Ảnh: Quốc Hải

Bà Trần Thị Hồng Thúy – Phó Ban trực Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyến thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, cho biết: “Hiện nay, dù du khách đến Cẩm Thanh khá đông nhưng tính bền vững và việc bảo tồn đang bị ảnh hưởng rất lớn. Cho nên Ban quản lý Khu sinh quyển đề nghị với Bộ KH&CN hỗ trợ 1 đề tài trên cơ sở phát triển hài hòa, dựa trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tại Cẩm Thanh để tạo nên 1 mô hình sinh thái đúng nghĩa, giúp người dân Cẩm Thanh có việc làm ổn định mà không ảnh hưởng đến tự nhiên. Qua chương trình cũng kêu gọi du khách, những người thực sự có trách nhiệm đối với những tài nguyên như dừa nước, các di tích lịch sử văn hóa của Cẩm Thanh, giúp cho bà con vẫn bảo tồn được những di sản đó để phát triển du lịch mà không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh họ”.

Như vậy, tuyến du lịch sinh thái cộng đồng này nằm trong mục tiêu của đề tài nghiên cứu “Luận cứ khoa học nhằm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sinh kế bền vững và phát triển KT-XH ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An” do Viện Địa lý – Bộ KH&CNViệt Nam thực hiện.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Uông Đình Khanh –  Phó Viện Trưởng Viện Địa lý – Chủ nhiệm đề tài, cho biết, đề tài có 6 nội dung và nội dung cuối cùng là xây dựng 2 tuyến du lịch sinh thái mới tại xã Cẩm Thanh và xã đảo Tân Hiệp do nhóm cộng đồng thực hiện. Mục tiêu của là đưa được du khách đến tham gia chương trình, cộng đồng trực tiếp thực hiện nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Uông Đình Khanh, nói: “Mục tiêu của chúng ta hướng tới là sẽ được được du khách vào thăm và trên cơ sở do cộng đồng ở đây thực hiện. Đề tài góp phần đem lại sinh kế cho người dân. Qua kiểm tra ban đầu chúng tôi thấy mô hình đã đem lại hiệu quả”.

Tin chắc rằng, với tuyến tham quan được xây dựng trên nền tảng những giá trị sinh thái, văn hóa lịch sử như thế này, cộng đồng cư dân địa phương sẽ ngày càng có thêm thu nhập và cũng chính họ sẽ tác động tích cực đến quá trình quản lý, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An./.

Quốc Hải