Làng du lịch sinh thái gắn với bảo tồn nguồn lợi thủy sản

Hội LHPN TP.Hội An phối hợp với UBND xã Cẩm Thanh đang tích cực triển khai xây dựng làng du lịch sinh thái và bảo tồn nguồn lợi thủy sản tại Gò Hý, thôn Thanh Tam. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ thực hiện dự án “Phát triển các mô hình sinh kế cộng đồng bền vững kết hợp du lịch sinh thái để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An” của Quỹ môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam.

Rừng dừa ngập mặn khu vực Gò Hý nằm ở vùng cửa sông ven biển Thu Bồn – Cửa Đại (TP.Hội An)

Khu vực Gò Hý nằm ở vùng cửa sông ven biển Thu Bồn – Cửa Đại, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, có rừng dừa nước ven sông xanh mát, yên bình. Nơi đây còn là khu vực bãi ươm giống của các loài thủy hải sản, đặc biệt là các loài cá giống, cung cấp nguồn lợi không chỉ cho khu vực Hội An mà cả vùng biển đảo Cù Lao Chàm và vùng duyên hải Bắc miền Trung.
Tại Gò Hý hiện còn một bộ phận người dân trực tiếp làm nghề và đang duy trì, phát triển nghề tranh – tre – dừa nước Cẩm Thanh vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Với các giá trị tài nguyên thiên nhiên và văn hóa làng nghề, Gò Hý là địa bàn có điều kiện thuận lợi để phát huy và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, giàu giá trị bản địa thông qua các sản phẩm du lịch cộng đồng.
Xây dựng làng du lịch sinh thái và bảo tồn nguồn lợi thủy sản tại Gò Hý, xã Cẩm Thanh nhằm hướng cộng đồng cư dân tại đây cùng nhau làm du lịch, tạo sản phẩm du lịch mới, bền vững trên cơ sở bảo tồn nguồn lợi thủy sản đa dạng và đặc trưng ở vùng cửa sông ven biển Cửa Đại, thuộc vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An cũng như bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề làm nhà tre – dừa nước Cẩm Thanh – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Trần Chiến – Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, lãnh đạo thành phố chỉ đạo cần mở thêm nhiều tour tuyến tham quan để phát triển du lịch rộng khắp cho cả khu vực rừng dừa. “Từ nay đến cuối năm, Cẩm Thanh sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các dự án phát triển du lịch đã được UBND thành phố phê duyệt trong khu vực rừng dừa, đặc biệt tuyến tour tại Gò Hý để đưa vào hoạt động tốt hơn”, ông Chiến nói.
Thời gian qua với sự hỗ trợ của thành phố và các đơn vị chức năng, xã Cẩm Thanh đã có nhiều nỗ lực phát triển các ngành nghề và sinh kế cộng đồng. Trong đó, các mô hình cộng đồng làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái tại làng rau Thanh Đông, Đồng Giá, du lịch sông nước ở xóm chài Vạn Lăng… đã và đang trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách gần xa, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân. Hiện nay, chính quyền thành phố và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển sinh kế bền vững tại khu du lịch Rừng dừa Bảy mẫu. Tập trung trước mắt là phối hợp để xây dựng Hợp tác xã thuyền thúng du lịch và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực Gò Hý. Bà Ngô Thị Tuyết Nhung – Chủ tịch Hội LHPN thành phố – đơn vị chủ trì phối hợp thực hiện dự án với Quỹ môi trường toàn cầu cho rằng, việc người dân tham gia vào mô hình làm du lịch sinh thái cộng đồng ở Gò Hý là hết sức cần thiết. “Đằng sau du lịch thuyền thúng, tham quan rừng dừa, Cẩm Thanh còn có những câu chuyện gắn với làng quê, làng nghề, câu chuyện về đất và người Cẩm Thanh, văn hóa Cẩm Thanh… cần được quảng bá và tạo thêm cho du khách trải nghiệm”, bà Nhung nói.

Không chỉ có tham quan di tích lịch sử – văn hóa Rừng dừa Bảy mẫu xã Cẩm Thanh bằng thuyền thúng mà cần đa dạng hóa sản phẩm từ du lịch cộng đồng

Để xây dựng thành công mô hình “Làng du lịch sinh thái và bảo tồn nguồn lợi thủy sản tại Gò Hý”, Ban quản lý dự án, Hội LHPN thành phố và UBND xã Cẩm Thanh đã triển khai nhiều hoạt động tham vấn với cộng đồng cư dân trong khu vực và đã nhận được sự đồng thuận, chung sức của mọi người, đặc biệt là các hộ làm nghề tranh – tre – dừa nước và khai thác thủy sản…
Tập trung là huy động cộng đồng cư dân cùng chung tay góp sức bảo vệ rừng dừa, giữ gìn cảnh quan, môi trường xanh – sạch – đẹp; bảo tồn nguồn lợi thủy sản, các bãi ươm giống cá, tôm trong khu vực, không dùng và ngăn ngừa từ xa các hiện tượng đánh bắt thủy sản bằng xung điện, kích điện; từng bước chuyển đổi sinh kế từ nghề đánh bắt lưới lồng sang các nghề bền vững khác. Ông Trần Rô người dân ở Gò Hý (tổ 10, thôn Thanh Tam) nói: “Bảo vệ rừng dừa cũng như nguồn lợi thủy sản trên sông là trách nhiệm và quyền lợi của bà con nhân dân ở đây vì chính đó đã tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập của chúng tôi”.
Bên cạnh đó, cộng đồng cư dân Gò Hý, xã Cẩm Thanh cũng chú trọng phối hợp cùng các cấp chính quyền và đơn vị hữu quan tăng cường trao đổi tri thức, kinh nghiệm, đổi mới, sáng tạo để tạo ra những câu chuyện và các sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn nơi làng quê, làng nghề sinh thái đặc trưng này.

ĐỖ HUẤN