Làng du lịch “cửa sông ven biển”

Rừng dừa Bảy mẫu xã Cẩm Thanh nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn – nơi “con sông xuôi về gặp biển” những năm gần đây đã trở thành điểm đến ấn tượng, yêu thích của đông đảo du khách trong và ngoài nước nhờ các hoạt động tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái, cộng đồng. Nhờ vậy, đời sống người dân đã được nâng cao, kinh tế của địa phương ngày càng phát triển.

Dịch vụ bơi thúng chai phát triển mạnh ở rừng dừa Bảy mẫu, xã Cẩm Thanh, Hội An

Ngay những ngày đầy năm mới Ất Tỵ – 2025, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết thông tin, thành phố đang nghiên cứu xây dựng trình hồ sơ Làng du lịch Cẩm Thanh là Làng du lịch nông thôn tốt nhất năm 2025. “Qua trao đổi, bà Zoritsa Urosevic – Phó Tổng thư ký của UN Tourism cho rằng, rừng dừa Cẩm Thanh hoàn toàn xứng đáng được công nhận là Làng du lịch tốt nhất vì nơi đây đón lượng khách “quá khủng” và có các sản phẩm cộng đồng rất rõ nét như: thuyền thúng và các trải nghiệm vùng sông nước nông thôn”, ông Sơn nói.

Du lịch cộng đồng là đặc tính nổi trội ở khu du lịch rừng dừa Cẩm Thanh, Hội An

*Du lịch cộng đồng:

Rừng dừa Cẩm Thanh rộng hơn 80ha, hiện còn lưu giữ nhiều nét đặc thù với hệ sinh thái vùng ngập mặn “cửa sông ven biển”, có nhiều cồn bàu bao bọc. Dừa mọc 2 bên bờ sông lạch thành rừng, quanh năm xanh tốt, vừa tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình vừa tạo thành địa thế hiểm trở. Vì vậy nơi đây từng là căn cứ địa vững chắc của phong trào cách mạng Hội An, Quảng Nam, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Kề cận quanh rừng dừa còn có các làng nghề truyền thống như: làm nhà tranh tre dừa, câu cá, câu mực khơi, nuôi tôm, nuôi cá và nhiều nét đẹp văn hoá làng, vạn còn lưu giữ khá phong phú… Đó là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho rằng: “Khi phát triển du lịch sinh thái thì du lịch Cẩm Thanh càng tỏa sáng và giá trị càng nổi trội hơn nữa. Bởi vì du lịch sinh thái đòi hỏi phải bảo tồn và Cẩm Thanh đang bảo tồn, phải có cộng đồng và Cẩm Thanh đang gìn giữ cộng đồng, đặc biệt sẽ còn hỗ trợ lớn cho sự phát triển kinh tế trong tương lai”

Du khách tham quan, trải nghiệm chài lưới với cư dân vùng sông nước Cẩm Thanh

Những năm qua, hình ảnh và thương hiệu du lịch sinh thái – văn  hóa ở làng “cửa sông ven biển” Cẩm Thanh được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch trong và ngoài thành phố đã về đây, phối hợp cùng cư dân địa phương tổ chức các tour du lịch khám phá rừng dừa, trải nghiệm đời sống cư dân vùng sông nước, tìm hiểu các giá trị văn hoá, ẩm thực và sản xuất nông – ngư nghiệp cả nội vùng Cẩm Thanh. Mảnh ruộng, con thuyền, đàn trâu, ao cá… vốn gắn bó thân thiết thường ngày giờ tiếp tục đồng hành cùng người dân làm nên các sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn du khách. Nhiều du khách tỏ ra rất khoái chí khi được trải nghiệm bơi thuyền thúng, bắt tôm, cá với các loại lưới, chài cùng những người dân chân chất, thiệt thà nơi này. Nhóm du khách từ Anh quốc trở lại tham quan Rừng dừa Cẩm Thanh lần thứ 2 trao đổi: “Trở lại đây lần này, chúng tôi thấy mọi việc thú vị hơn lên rất nhiều. Chúng tôi thấy mình như là người Việt Nam thực sự vì được trải nghiệm đời sống của người dân ở đây rất thú vị, thân thiện và an toàn…”

Du khách đạp xe, dạo chơi trong xóm vạn chài vùng “cửa sông ven biển” Cẩm Thanh – Hội An

*Điểm đến thu hút khách:

Du lịch ở Cẩm Thanh nhanh chóng phát triển đã tạo nên nhịp điệu xôn xao, náo nhiệt ở vùng sông nước nơi này. Từ sức hút và lan tỏa của rừng dừa đến nội vùng hồ ao, vườn ruộng… hiện tại trên địa bàn xã Cẩm Thanh có đến 103 cơ sở lưu trú đang hoạt động gồm đủ loại hình như: khách sạn, biệt thự, homestay… với 1088 phòng. Toàn xã có 235 nhà cho người nước ngoài thuê để ở và làm việc. Phương tiện thuyền, thúng chai cũng tăng nhanh không tưởng với 1.347 chiếc đăng ký hoạt động, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Vạn Lăng và Thanh Tam. Ông Trần Lưu Bình – Bí thư chi bộ thôn Thanh Tam nói: “Hiện nay, du khách đến với Hội An nói chung, đến với rừng dừa nói riêng đã thích thú với sản phẩm du lịch ở đây. Từ đó đem đến thu nhập rất chính đáng cho bà con và nhân dân Cẩm Thanh nhờ vậy đã thoát cảnh nghèo đói, làng xóm cũng có nhiều đổi thay, hộ khá, hộ giàu hằng năm tăng lên đáng kể”

Năm 2024, tổng giá trị toàn ngành du lịch – dịch vụ của xã đạt 587 tỷ 759 triệu đồng, tăng 26,3 % so với năm 2023, chiếm khoảng 83% tổng giá trị sản xuất ngành kinh tế của địa phương. Tổng lượt khách đến Cẩm Thanh và mua vé tham quan rừng dừa Bảy mẫu đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 30,6% so với cùng kỳ. Dịch vụ bơi thúng phục vụ du khách vì vậy cũng tăng mạnh. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm qua đạt 66 triệu đồng. Ông Trần Chiến – Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho rằng, trong thời gian qua du lịch rừng dừa phát triển rất mạnh mẽ vì đây là điểm du lịch đã được thế giới biết đến. Nhờ vậy, thu nhập của người dân tăng lên và giàu có hơn trước. “Đảng bộ và chính quyền xã sẽ tiếp tục chú trọng phát triển rừng dừa xứng tầm vì nơi đây vừa là di tích lịch sử cách mạng vừa là nơi phát triển kinh tế rất mạnh mẽ của địa phương”, ông Chiến nói.

Du khách thích thú thưởng lãm dịch vụ lắc thúng chai trong rừng dừa

Gắn phát triển du lịch sinh thái với du lịch cộng đồng là hướng phát triển chủ đạo, Cẩm Thanh đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng cư dân, doanh nghiệp. Rừng dừa Bảy mẫu ngày càng trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Năm 2023, Khu di tích lịch sử văn hóa Rừng dừa Bảy mẫu xã Cẩm Thanh được UNESCO công nhận đạt danh hiệu “Điểm đến Du lịch tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương” và được vinh danh tại diễn đàn Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam – Ấn Độ. Năm 2024, trải nghiệm thuyền thúng ở Rừng dừa Cẩm Thanh lọt vào top 25 trải nghiệm trên thuyền hấp dẫn nhất thế giới. Năm 2025 này, được UN Tourism công nhận là Làng du lịch tốt nhất thì thương hiệu du lịch vùng “cửa sông ven biển” này sẽ càng được nâng cao, kinh tế xã Cẩm Thanh tiếp tục phát triển và đời sống người dân ngày càng khá và giàu thêm.

ĐỖ HUẤN