Gắn kết văn hóa với lối sống đô thị cổ

Bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa khu phố cổ, khu đô thị thương cảng xưa, trong đó chú trọng khai thác các yếu tố văn hóa gắn với lối sống đô thị cổ là hướng bền vững để Hội An trở thành khu đô thị du lịch có uy tín.

Người dân khu phố cổ Hội An thay đổi thói quen để tạo ra sản phẩm du lịch “Phố đi bộ” được du khách yêu thích

Trong khu vực đô thị cổ Hội An hiện có gần 860 di tích kiến trúc được xếp hạng, trong đó có hơn 160 di tích thuộc quản lý của Nhà nước, 35 di tích tập thể và hơn 660 di tích sở hữu tư nhân. Đến hôm nay hầu hết các di tích đều được bảo vệ và giữ gìn gần như nguyên trạng. Điều đó đã phản ánh công trạng lớn lao cùng những đóng góp quí giá của những chủ nhân di sản và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước… Nhiều năm qua người dân trong khu phố cổ đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng để cùng Nhà nước tu bổ, sửa chữa hơn 1500 lượt di tích nhà ở, đền chùa, hội quán. Bên cạnh đó, họ còn tự chằng chống, di dời di tích để vượt qua thử thách khắc nghiệt trong những mùa bão lũ, góp phần bảo tồn giữ gìn vẻ đẹp của cả quần thể kiến trúc khu phố cổ để làm hạt nhân và là vùng động lực của du lịch thành phố.

Những sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An như “Phố dành cho người đi bộ”, “Đêm phố cổ” hay các chương trình, sự kiện văn hóa nghệ thuật, các lễ hội… diễn ra thường xuyên đã được người dân hưởng ứng tích cực, tham gia hiệu quả. Việc bày bán kinh doanh, việc lưu thông đi lại, việc trưng bày hàng hóa, thắp sáng đèn lồng, việc đồng hành diễn xướng của cả cộng đồng những dịp hội hè, lễ tết… là những hoạt động riêng có mà người dân đô thị cổ đã nỗ lực, kiên trì thực hiện, níu kéo bao bước chân du khách gần xa. Ông Trần Ánh – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng, nhân dân trong phố cổ đã biết thay đổi thói quen của mình để tạo ra những sản phẩm mới về văn hóa và du lịch. “Ví dụ như người ta chấp nhận hy sinh một số thói quen thường ngày, không được đi xe vào những giờ không cho phép để thực hiện “Đêm phố cổ”, để thực hiện “Phố không có tiếng động cơ”. Chính nhờ những cuộc vận động này, người dân trong phố cổ đã tạo nên những sản phẩm du lịch rất độc đáo cho Hội An”, ông Ánh nói.

Là một di sản văn hóa “sống” của thế giới, “vẻ đẹp không trùng lắp” của khu phố cổ không chỉ có diện mạo mà còn có linh hồn, phong thái riêng, hiếm có. Không chỉ người dân mà du khách thập phương còn có thể tìm gặp trong từng “mái ngói rêu phong”, “đầu hồi xô lệch” tiếng nói từ “hành trình quá khứ” với những dư vang của “ngày xưa vọng lại” hay sự đồng điệu, giao hoà trong nếp sống thị dân của một “đô thị thương cảng truyền thống Châu Á” đang thời mở cửa hội nhập năng động, sáng tạo.

Lối sống văn hóa, thái độ ứng xử của người dân đô thị cổ là yếu tố quan trọng đảm bảo uy tín thương hiệu du lịch Hội An

Tuy vậy, trong thời gian qua trật tự kinh doanh thương mại, mỹ quan đô thị trong khu phố cổ do quản lý thiếu chặt chẽ, thường xuyên nên bị biến dạng, gây phiền hà cho du khách. Các dịch vụ du lịch bùng phát đủ dạng, dẫn đến tình trạng quá tải đối với phố, lấn át những công năng truyền thống từng di tích cấu thành nên khu di sản. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán làm ô nhiễm môi trường, cảnh quan đô thị, thái độ ứng xử không đúng mực của một bộ phận người kinh doanh buôn bán, “chặt chém” du khách… đã làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp “nhân tình thuần hậu” của người dân phố cổ, làm giảm sút uy tín thương hiệu du lịch Hội An. Qua thực hiện giám sát, ông Đinh Cao Thắng – Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố cho biết, thực tế cho thấy công tác lập lại trật tự văn minh đô thị sau một thời gian dài dồn sức phòng chống dịch bệnh Covid-19 của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa theo kịp với tốc độ phục hồi của du lịch nên môi trường du lịch, chất lượng phục vụ du khách trong thời gian qua chưa cao. “Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, xe đậu đỗ không đúng nơi quy định, cảnh quan và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo hay tình trạng chèo kéo, chào mời, bu bám du khách, kể cả thái độ ứng xử không đúng mực của một bộ phận người kinh doanh, buôn bán… nhất là trong khu vực phố cổ nhưng chưa được các ngành, địa phương phối hợp chấn chỉnh kịp thời”, ông Thắng phản ánh.

Khu phố cổ và thành phố Hội An đang là điểm đến, là trung tâm du lịch của tỉnh và khu vực trên con đường Di sản miền Trung, đồng thời được đưa vào chiến lược phát triển du lịch đô thị của Việt Nam trong những năm tiếp theo. Theo đó, sản phẩm du lịch đô thị sẽ chú trọng khai thác các yếu tố văn hóa gắn với lối sống đô thị.Theo ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bất kỳ một di sản văn hóa thế giới nào cũng đều phải có một kế hoạch quản lý, đều phải có một quy chế bảo vệ và đều phải có một quy hoạch tổng thể để bảo tồn và phát triển những giá trị của di sản văn hóa. “Phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức cộng đồng để cho mọi tầng lớp nhân dân, du khách, các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan, đơn vị có liên quan cùng nhau chăm sóc, nâng niu và nâng cao hơn nữa chất lượng du lịch văn hóa của phố cổ Hội An”, ông Tân nói. Với những gì đạt được và trên cơ sở tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị Di sản văn hóa thế giới khu phố cổ, trong thời gian tới đô thị cổ Hội An không chỉ là điểm đến hấp dẫn, là nơi tạo lực hút đầu tiên mà còn là điểm tiếp tục tạo sức lan tỏa cho sự phát triển các khu vực làng quê, biển đảo trên địa bàn thành phố Hội An.

ĐỖ HUẤN