Sau đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch của TP.Hội An từng bước được phục hồi và thu hút khách. Với lợi thế cảnh quan không gian và bản sắc văn hóa đặc trưng, du lịch nông thôn và làng nghề ở Hội An vẫn đang là lựa chọn của đông đảo du khách gần xa. Phục hồi và phát triển loại hình du lịch này phù hợp với định hướng Du lịch xanh là hướng đi của TP.Hội An trong giai đoạn mới.
Theo kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ dự án nghiên cứu “Nâng cao khả năng thích nghi với những thay đổi do dịch bệnh Covid-19 của các hộ kinh doanh nhỏ phụ thuộc du lịch ở khu vực nông thôn tỉnh Quảng Nam” giai đoạn 2021 – 2022, dưới sự hỗ trợ về tài chính của Quỹ hỗ trợ cựu sinh viên Úc (AAGF) thuộc Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực (Aus4Skills) của nhóm nghiên cứu gồm TS.Hoàng Thị Diệu Thúy (Trường Đại học Kinh tế Huế) làm Trưởng nhóm, TS.Phạm Thị Duyên Anh (Trường Đại học Queensland, Úc) và TS. Lê Tuấn Anh (Trường Quản lý Quốc tế – ICMS, Sydney, Úc), trong đó các đối tượng kinh doanh ở các làng nghề và vùng nông thôn Hội An là nơi triển khai các hoạt động điều tra, khảo sát, phỏng vấn, cho biết: đa số du khách Việt Nam đều sẵn sàng đi du lịch trở lại ngay sau khi đại dịch được kiểm soát và các điểm đến trong nước là lựa chọn hàng đầu, trong đó có đến 77,2% du khách có nhu cầu đi du lịch Hội An. TS.Hoàng Thị Diệu Thúy cho biết, trong đó có người đi lần đầu, có người muốn quay trở lại và các làng quê, làng nghề khách muốn đến thăm là làng gốm Thanh Hà và làng sinh thái Cẩm Thanh, chiếm tỷ lệ 65%, tiếp theo là làng rau Trà Quế 52,8% và làng mộc Kim Bồng là 49,6%, cũng xấp xỉ nhau.

*Đảm bảo chất lượng, an toàn:
Thái độ và hành vi của du khách cũng có nhiều thay đổi. Du khách quan tâm nhiều hơn đến rủi ro có thể xảy ra trong chuyến du lịch, tăng cường các giải pháp bảo vệ sức khỏe và an toàn khi đi du lịch, mong muốn tìm kiếm các loại hình bảo hiểm phù hợp với chuyến đi. Sự lựa chọn của du khách cũng thay đổi so với khi chưa có dịch bệnh Covid-19. Du khách có đi du lịch vào màu thấp điểm nhiều hơn, đi du lịch theo nhóm (với người thân và bạn bè) và thực hiện các chuyến đi ngắn ngày…
Vì vậy, du lịch nông thôn và làng nghề ở Hội An cần thích ứng để phục hồi nhanh trong giai đoạn mới. Cùng với các chương trình ưu đãi, khuyến mãi đã và đang thực hiện cần phải cơ cấu lại thị trường khách phù hợp, chú trọng thị trường khách trong nước; đầu tư các sản phẩm du lịch – dịch vụ phù hợp; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và nền tảng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu dịch vụ đặt chỗ trực tuyến, tìm kiếm thông tin qua mạng internet… TS.Phạm Thị Duyên Anh trao đổi: qua khảo sát, du khách cho rằng Hội An khoan nghĩ đến những sản phẩm quá mới mẻ mà dựa vào những cái đã có và thành công, thị trường đã chấp nhận. “Điều quan trọng là luôn đảm bảo chất lượng và an toàn cho du khách. Đó là 2 yếu tố then chốt!”, TS Anh nói.

*Tạo môi trường Xanh, thân thiện:
Đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả năng nề cho ngành kinh tế du lịch Hội An, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân nói chung và các hộ kinh doanh nhỏ phụ thuộc vào du lịch ở vùng nông thôn và các làng nghề nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chính quyền và người dân nhìn nhận lại hoạt động du lịch của thành phố, có kế hoạch tái cơ cấu kinh tế của từng vùng, từng địa phương, định hướng phát triển du lịch nông thôn và làng nghề phù hợp để vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Trọng Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Quảng Nam đề xuất: “Các địa phương cần căn cứ vào từng đặc điểm, quy hoạch của mỗi làng nghề mà lựa chọn mô hình phù hợp. Tuy nhiên để phát triển bền vững cần có sự hỗ trợ đồng bộ của các cấp chính quyền, các ngành hữu quan, sự thống nhất trong các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch làng nghề trong hiện tại và tương lai”
Du lịch nông thôn và làng nghề ở Hội An với các nghề truyền thống đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: yến Thanh Châu, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế… là các sản phẩm du lịch độc đáo, giàu bản sắc nên sẽ được thành phố tiếp tục lựa chọn để tái phục hồi và phát triển trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, thu hút đông đảo du khách trong cũng như ngoài nước. Theo định hướng phát triển du lịch Hội An từ nay đến năm 2025, làng quê và làng nghề là 1 trong 6 không gian phát triển du lịch của thành phố. Du lịch làng quê, làng nghề ở Hội An luôn gắn với nông nghiệp, phát triển theo hướng du lịch cộng đồng, tức là người dân đóng vai trò chủ thể, hưởng lợi từ chính sản phẩm làm ra và là không gian sống hạnh phúc, giàu tính nhân văn, giàu lòng nhân ái. Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố nói thêm: “Hội An sẽ tiếp tục bồi đắp thương hiệu của mình bằng hướng Du lịch xanh. Xanh ở đây trước hết từ nhận thức rồi đến hành vi, xanh từ khung cảnh không gian đến chất lượng từng sản phẩm du lịch, không thuần túy về màu xanh của thiên nhiên mà ngay cả trong ý thức và quan hệ của con người, đặc biệt hướng đến là làm sao để con người Hội An và du khách được sống trong môi trường thân thiện, an toàn và có chất lượng”.
Du lịch xanh đang là định hướng phát triển của tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn mới. Vì vậy, du lịch nông thôn, làng nghề ở Hội An cũng từng bước đi theo hướng phát triển này với phương châm không ngừng sáng tạo và bền vững, làm nổi bật những giá trị giàu bản sắc của thành phố có 2 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đó là khu phố cổ và Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An.
ĐỖ HUẤN