Vừa qua, HTX dịch vụ thúng chai Rừng dừa Cẩm Thanh tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 – 2027, chính thức thành lập HTX với bước đầu có 460 thành viên tham gia. Tại Đại hội, các đại biểu thành viên đã nhất trí thông qua Điều lệ và Phương án hoạt động của HTX, bầu HĐQT gồm 5 thành viên, Ban kiểm soát gồm 3 thành viên và trực tiếp bầu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX.

Di tích lịch sử văn hóa Rừng dừa Bảy mẫu xã Cẩm Thanh được tỉnh cho phép triển khai bán vé tham quan du lịch từ năm 2017. Cùng với sự phát triển du lịch tại rừng dừa, hoạt động bơi thúng chai đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng mà nhiều du khách khi đến với rừng dừa đều muốn trải nghiệm. Dịch vụ bơi thúng nhờ vậy đã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của cộng đồng cư dân địa phương.
Hằng năm, Cẩm Thanh đón một lượng lớn du khách đến tham quan rừng dừa Bảy Mẫu. Riêng trong năm 2023, tổng lượng khách mua vé tham quan rừng dừa đạt khoảng 790.000 lượt, tăng 82,8 % so với cùng kỳ và đạt 158 % kế hoạch năm. Số lượng thúng chai hoạt động tại khu vực rừng dừa Bảy Mẫu hiện có 1.393 chiếc, trong đó số thúng của người địa phương có 1.171 thúng, chiếm 84%; sốthúng của người ngoài địa phương có 222 thúng, chiếm 16%.
Cùng với việc đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch, về bảo vệ, tôn tạo cảnh quan môi trường để tạo điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách, trong thời gian qua chính quyền từ thành phố đến địa phương đã chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh an toàn cho du khách, trong đó đáng chú ý là công tác quản lý và tổ chức hoạt động dịch vụ bơi thúng chai. Vì vậy, Đại hội thành lập HTX dịch vụ thúng chai Rừng dừa Cẩm Thanh lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu cho chặng đường mới của người dân đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc đáp ứng chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, phát triển du lịch của xã Cẩm Thanh nói chung và kinh tế của HTX nói riêng. Ông Lê Ất ở thôn Thanh Nhứt, thành viên HTX bày tỏ cảm nghĩ: “Hoạt động thuyền thúng trước đây chưa có nề nếp. Bây giờ có HTX, bản thân tôi cũng như bà con muốn vô HTX để ổn định, có nề nếp hơn và để phát triển du lịch rừng dừa. Bà con mình sẽ vươn lên và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Là người gắn bó nhiều năm với xã Cẩm Thanh và TP.Hội An thông qua các dự án bảo vệ môi trường và phát triển sinh kế cộng đồng, bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các Dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu thuộc Chương trình phát triển LHQ (UNDP) cho rằng, việc ra dời của HTX thúng chai thực sự rất cần thiết và có nhiều kỳ vọng để kết nối những người dân chèo thuyền thúng trong khu sinh quyển này, cùng nhau phát triển sinh kế cho gia đình. “Đối với chúng tôi, họ còn đóng vai trò quan trọng khác là góp phần bảo tồn hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh cũng như bảo vệ hệ sinh thái của vùng lõi khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận”, bà Huyền nói.
Hiện tại, đã có 460 thành viên viết đơn tự nguyện tham gia vào HTX. Trong đó đông nhất là thôn Vạn Lăng có 229 thành viên, tiếp đến là thôn Thanh Tam 175 thành viên, Thanh Nhứt 20 thành viên, Võng Nhi 19 thành viên và Thanh Nhì 17 thành viên. Mỗi thành viên góp vốn vào HTX tối thiểu là 2 triệu đồng.

Phương án hoạt động của HTX là tổ chức các hoạt động vận chuyển hành khách đi tham quan trên sông bằng thuyền thúng, bán hàng lưu niệm và tổ chức sự kiện tại khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy mẫu xã Cẩm Thanh nhằm mục tiêu hợp tác tương trợ, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng về kinh tế và đời sống của các thành viên, góp phần phát triển kinh tế và ổn định an sinh – xã hội của xã Cẩm Thanh; đồng thời hỗ trợ chính quyền trong công tác quản lý và khai thác hệ thống bến thủy tại địa phương, đảm bảo an toàn, trật tự và hiệu quả. Nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa về phương hướng hoạt động của HTX thúng chai Rừng dừa Cẩm Thanh, ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố xác định:“Có 4 vấn đề để phát triển dịch vụ du lịch ở Cẩm Thanh nói chung, trong đó có khu rừng dừa nói riêng là theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng đa chiều. Thứ nhất là giàu về kinh tế. Thứ hai là giữ gìn, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị không gian sinh tồn, giá trị đa dạng sinh học rừng dừa. Thứ ba là tạo lập và gìn giữ nền tảng văn hóa bản địa của người Cẩm Thanh thông qua dịch vụ thúng chai của rừng dừa nói riêng, của du lịch Cẩm Thanh bởi rừng dừa ẩn tàng những giá trị nhân văn. Thứ tư là gắn kết cộng đồng, yếu tố quan trọng nhất”.
Hiện nay, Cẩm Thanh đã có bến bãi neo đậu tàu thuyền phục vụ cho hoạt động vận tải đường thủy. Đồng thời để mở rộng và nâng cấp hệ thống bến bãi khi HTX đi vào hoạt động, UBND xã Cẩm Thanh đã tổ chức khảo sát và lập tờ trình đề xuất 8 điểm cập thuyền tại khu du lịch rừng dừa Bảy Mẫu thôn Thanh Tam, Vạn Lăng đảm bảo theo quy định của pháp luật và được UBND thành phố thống nhất cho phép đầu tư xây dựng bến thủy nội địa tại 4 điểm: điểm thứ nhất trước nhà ông Trần Đức Vinh, tổ 3, thôn Vạn Lăng; điểm thứ hai trước nhà bà Phạm Thị Lý, tổ 4, thôn Vạn Lăng; điểm thứ ba tại cống Hói Lăng, thuộc đường Võ Chí Công và điểm thứ tư trước nhà ông Trần Thu, tổ 9, thôn Thanh Tam.
Sau Đại hội thành lập và chính thức đi vào hoạt động, UBND xã Cẩm Thanh giao nhiệm vụ cho HTX quản lý và khai thác hệ thống bến thủy này. Hội đồng quản trị HTX cam kết cung cấp sản phẩm dịch vụ cho thành viên HTX; đồng thời các thành viên cũng cam kết sử dụng sản phẩm dịch vụ của HTX. Ông Trần Quý – Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX cho biết một số nhiệm vụ sẽ triển khai thực hiện sau Đại hội: “Trước mắt là đầu tư cơ sở hạ tầng phải nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố để có bài bản. Dần dần chúng tôi đưa các hoạt động dịch vụ thuyền thúng mang lại hiệu quả cho bà con. Tiếp đó là gắn kết với các doanh nghiệp đang hoạt động trên rừng dừa để làm ăn với nhau. Từ đó, đời sống nhân dân ngày càng phát triển hơn. Đồng thời phải đảm bảo về môi trường, quyền lợi của thành viên HTX và đảm bảo an toàn cho khách du lịch”.

Còn ông Trần Chiến – Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh nói, trong thời gian đầu mới thành lập, chắc chắn hoạt động của HTX cũng sẽ gặp không ít những khó khăn thách thức về bến bãi, về cơ sở vật chất, đặc biệt là sức ép của một vài doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ bơi thúng khi họ chưa hiểu và nhận thức đầy đủ về việc thành lập HTX. “Công tác điều hành, quản lý của HĐQT, của Ban kiểm soát và các bộ phận có liên quan của HTX cũng sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ bởi đây là lần đầu tiên chúng ta bước vào hoạt động với mô hình này, nhưng tôi tin tưởng rằng các đồng chí sẽ làm được và làm tốt hơn”, ông Chiến nói.
Hội An là di sản văn hóa thế giới, là điểm du lịch hấp dẫn, hằng năm đón một lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm. Khu di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh là điểm du lịch sinh thái được du khách yêu thích, đã được UNESCO công nhận đạt danh hiệu Điểm đến Du lịch tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương và được vinh danh tại diễn đàn Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam – Ấn Độ. Do vậy, cơ hội khách đến tham quan trải nghiệm tại rừng dừa Bảy Mẫu là rất lớn. Sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền các cấp, của các ban ngành, đoàn thể; cùng với đó là các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế tập thể, kinh tế HTX là động lực và là điều kiện thuận lợi để HTX dịch vụ thúng chai Rừng dừa Cẩm Thanh ổn định và phát triển trong thời gian tới.
ĐỖ HUẤN