Diễn ra trong 3 ngày 30/12/2022 đến 1/1/2023, Lễ hội “Trà Việt – Hội An 2022” với chủ đề “Tinh hoa Trà Việt” do UBND thành phố Hội An phối hợp với Công ty TNHH Thảo Bách Việt tổ chức đã chính thức khai mạc với hàng loạt hoạt động đặc sắc.

Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Tân – Phó Chủ tịch Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam – Trưởng Ban cố vấn Lễ hội, cho biết: “Thông qua lễ hội lần đầu này, chúng tôi muốn giới thiệu sự sự đặc sắc, đa dạng của các dòng trà Việt Nam và hồn cốt của Trà Việt Nam trong lòng phố cổ”.
Từ núi rừng Tây Bắc, Đông Bắc Việt Nam, miền đất được nhìn nhận là một trong bốn vùng khởi sinh của cây trồng trên thế giới, cây trà/chè được xem là cây trồng bản địa Việt Nam. Hàng nghìn năm nay, người Kinh ở đồng bằng và trung du Bắc bộ hay cộng đồng các dân tộc vùng cao như Tày, Nùng, Mông, Dao, Thái…đã biết sử dụng chè tươi, chè khô trong ẩm thực hàng ngày. Việt Nam có những vùng trà shan tuyết cổ thụ như ở Sơn La (Tà-Xùa, Bắc Yên, Vân Hồ…), Yên Bái (Suối Giàng, Văn Chấn), Hà Giang (Lũng Phìn, Phìn Hồ, Hoàng Su Phì, Tham Vè, Bó Đướt, Cao Bồ, Thượng Sơn), Hòa Bình (Tô Múa), Thái Nguyên (Tân Cương)…

Trong hành trình mở cõi về phương Nam, cha ông ta đã mang theo hương trà thơm như một nỗi nhớ về miền đất cội nguồn có ông bà, tiên tổ; những chén trà thơm dâng lên hương linh những người thân đã khuất và cả những bậc lão niên, những đấng sinh thành còn tại thế… Như câu chuyện hiển nhiên về trà “hữu xạ tự nhiên hương”, hương trà từ miền cao đã tràn xuống đồng bằng.
Hương trà đã lan tỏa đến vùng đất mới phương Nam gần nửa ngàn năm trước; trà đến với những vùng văn vật cố đô Hoa Lư, Thanh -Nghệ, Huế và thương cảng Hội An. Một thời thịnh vượng “trên bến dưới thuyền”, Hội An là điểm trung chuyển hàng hóa lớn nhất xứ Đàng Trong, nơi đã đưa hương trà ra thế giới…

Từ hàng trăm năm trước, Quảng Nam cũng đã có những vùng trà nổi tiếng. Đó là vùng trà sông Côn, sông Vu Gia, Phú Thượng phía Nam đèo Hải Vân và vùng trà Đức Phú, Chiên Đàn, Tam Kỳ. Hội An cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 có xưởng sao chè của Robert và nhiều tiệm chè, hiệu bán chè dùng cho lễ trọng của người phố Hội…

“Các hoạt động trong Lễ hội Trà Việt – Hội An 2022 diễn ra trong 3 ngày 30/12/2022 đến 1/1/2023 gồm nhiều hoạt động như trình diễn, giao lưu giữa các nhà trà, nghệ nhân với du khách; giới thiệu các sản phẩm trà trên mọi vùng miền tổ quốc; các Show trình diễn vể trà như Thiền trà, trà Cung Đình, Trà Tây Bắc,… Cùng với đó là lễ dâng trà đầu năm mới; tiệc trà giao lưu chúc mừng năm mới vào tối ngày 1/1/2023; ác cuộc thi về nhiếp ảnh, thơ, các chương trình biểu diễn nghệ thuật,…” – Bà Trương Thị Ngọc Cẩm – Giám đốc Trung tâm VHTT&TTTH TP. Hội An, cho biết.
Trong Lễ hội sẽ có hoạt động xác lập kỷ lục với khoảng 500 người cùng thưởng thức trà bên không gian sông Hoài, phố cổ Hội An, là những người đến từ các tỉnh, thành nổi tiếng với đặc sản trà như Thái Nguyên, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Nghệ An, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên… Đặc biệt, các Hiệp hội liên quan ẩm thực trà, doanh nghiệp du lịch, lữ hành một số địa phương; các nghệ nhân, cơ sở sản xuất về trà và các sản phẩm liên quan đến trà; Tham tán văn hóa của các nước có nền sản xuất trà nổi tiếng và có lượng khách du lịch lớn đến Hội An (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Pháp, Anh,…) cũng đến tham dự Lễ hội này.

Ông Nguyễn Văn Lanh – PCT UBND thành phố – Trưởng BTC sự kiện, nói:“Lễ hội Trà Việt – Hội An 2022 là sự kiện nhằm góp phần tôn vinh giá trị lịch sử và nét văn hóa đặc sắc về trà và sản phẩm liên quan đến Trà Việt; là nơi giao lưu học hỏi, trao đổi giữa các làng nghề trà, nghệ nhân trà, đơn vị cung cấp sản phẩm về trà và các sản phẩm văn hóa khác liên quan đến trà như trà cụ, ẩm thực, … đến với công chúng và du khách. Qua sự kiện này còn hướng đến xây dựng lễ hội thường niên, tạo sản phẩm du lịch mới kết hợp với du lịch văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng đặc sắc của đô thị cổ Hội An…”
QUỐC HẢI