Phục hồi tài nguyên rác tại xã đảo Tân Hiệp

Với mô hình “Cơ sở phục hồi tài nguyên – MRF”, người dân được truyền cảm hứng để tham gia vận hành và đóng góp tích cực vào việc cải thiện hiệu quả xử lý chất thải rắn sinh hoạt của địa phương.

Tham gia MRF 3 năm qua, chị Lê Thị Thu Thủy, người dân thôn Bãi Ông, xã đảo Tân Hiệp cho hay, mỗi ngày chị và bà con trên đảo Cù Lao Chàm đều thu gom và xử lý rác thải theo quy trình, biến rác thành tài nguyên phục hồi. “Mô hình này mở ra thứ nhất là giảm rác thải tại Cù Lao Chàm, thứ hai là làm ra nước rửa chén tại hộ gia đình mình” – Chị Lê Thị Thu Thủy nói.

Vận hành thử nghiệm ngày 1/4/2021 thông qua sự hỗ trợ từ Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, Liên minh không Lò đốt Toàn cầu (GAIA) và Trung tâm Tài nguyên & Môi trường Thái Bình Dương (Pacific Environment), MRF là một địa điểm diễn ra quá trình tái chế và sử dụng lại các tài nguyên thiên nhiên từ rác thải, với mục tiêu giảm thiểu lượng rác bị thải bỏ và gây ô nhiễm môi trường được

Cơ sở MRF thôn Bãi Ông ban đầu có 30 hộ gia đình tham gia quy trình vận hành, dần mở rộng 60 hộ, rồi 120 hộ gia đình. Các hộ thực hiện phân loại rác thành rác dễ phân hủy và rác khó phân hủy, sau đó được thu gom và tập kết tại MRF. Tại đây, rác dễ phân hủy phân loại thành rác khô để ủ compost ngoài trời, rác ướt được đưa vào các thùng ủ có men vi sinh.

Chị Trần Thị Kim Thùy, cán bộ Môi trường xã Tân Hiệp cho biết, thời gian sau, cơ sở thí điểm thêm phương pháp ủ yếm khí và nuôi giun quế; một số loại vỏ trái cây được tách riêng và tận dụng để tái chế làm nước tẩy rửa đa dụng. Rác khó phân hủy được phân loại thành rác tái chế, rác nhựa cấp thấp gom lại chuyển cho cơ sở tái chế, rác không thể xử lý chuyển cho đơn vị thu gom công cộng…

 “Rác vô cơ được phân thành 2 loại là rác nhựa giá trị thấp làm thành những tấm ván, vật dụng sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày; rác tái chế thu gom bán cho những người thu mua phế liệu. Những loại vô cơ không tái chế được sẽ được thu gom chuyển lên bãi rác tại Eo Gió Cù Lao Chàm” – Chị Trần Thị Kim Thùy nói.

Qua 2 năm, mô hình đã thu gom được 27,4 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó phân loại và xử lý tại cơ sở MRF hơn 12,6 tấn rác thải hữu cơ; thu hồi khoảng 200kg rác tái chế và 500kg rác nhựa giá trị thấp, góp phần giảm thiểu gần 50% lượng rác phát sinh từ hộ gia đình. Đến cuối năm 2022, cơ sở MRF Bãi Ông sản xuất khoảng 500kg phân hữu cơ tinh phẩm; phân loại và lên men thành 220 lít chế phẩm sinh học dạng thô.

 “Mỗi ngày tôi cùng mọi người ở đây đều thu gom rác thải, biến rác thành tại nguyên. Nếu mọi người xả thải rác bừa bãi như hồi xưa thì chừ làm chi còn Khu sinh quyển ni. Mà mừng thật, không chỉ ở Cù Lao Chàm, cả TP. Hội An cũng đều hưởng ứng việc giảm thiểu sử dụng túi ni lông, rác thải nhựa. Có rứa nhiều nơi trên cả nước mới tới học tập chứ !” – Chị Lê Thị Thu Thủy, người dân thôn Bãi Ông chia sẻ thêm.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, những thành công bước đầu từ việc triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình MRF là minh chứng thực tế về khả năng đóng góp và hiệu quả tích cực của giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng đối với các khu vực biệt lập với khả năng giảm thiểu và tái chế gần 50% lượng rác phát sinh tại cộng đồng.

Thông qua mô hình MRF, người dân được truyền cảm hứng để tham gia, vận hành mô hình và đóng góp tích cực vào việc cải thiện hiệu quả xử lý chất thải rắn sinh hoạt của địa phương./.

QUỐC HẢI