Hiện nay, TP. Hội An đang triển khai nhiều phương án ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ. Ngày 26/9, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP. Hội An đã có cuộc trao đổi với Phóng viên Đài TT-TH TP. Hội An về những phương án này.

PV: Thưa ông, hiện đang bước vào mùa mưa bão, thành phố đã và trang triển khai những biện pháp gì để ứng phó ?
Ông Nguyễn Văn Sơn: Như chúng ta đã biết thì Hội An là địa phương ven biển, vùng trũng thấp, nơi thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa bão. Những ngày qua, mưa lớn đã làm một số nơi ngập úng. Do đó, thành phố đang hoàn thiện tất cả các kế hoạch ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra. Cùng với việc mua sắm các trang thiết bị, tổ chức rà soát, củng cố, kiện toàn các đội ứng phó, cứu hộ, thành phố cũng tổ chức tập huấn các lực lượng liên quan…
PV: Phương án PCLB-TKCN đối với Khu phố cổ Hội An thì như thế nào và đặc biệt là đối với công trình tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Cầu hiện đang triển khai ?
Ông Nguyễn Văn Sơn: Thực hiện các phương án phòng tránh, cứn nạn, cứu hộ thì phương án phòng chống bão lũ cho Khu phố cổ luôn đặt lên hàng đầu vì các ngôi nhà cổ có niên đại rất lâu, không ít ngôi nhà đang xuống cấp và có nguy cơ sụp đổ. Do đó, BCH PCLB&TKCN thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An triển khai chằn chống, gia cố tất cả các di tích thuộc sở hữu Nhà nước, tập thể và tư nhân. Hiện nhiều đội thi công đang hỗ trợ các di tích tư nhân gia cố, chằn chống hệ mái, bờ tường, cột trụ… của di tích, Riêng di tích Chùa Cầu đang được trùng tu, tôn tạo, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm nay. Cùng với yêu cầu đảm bảo tính chân xác, đúng kế hoạch thì thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An xây dựng nhiều kịch bản ứng phó đối với công trình. Trong quá trình đầu tư tôn tạo, UBND tỉnh đã thống nhất cho xây dựng một nhà bao che hai tầng kiên cố. Nhà bao che này đảm bảo vừa đủ cho không gian thi công, sắp xếp cấu kiện và các thao tác bên trong; hệ khung được làm bằng các cấu kiên thép vững chắc đảm bảo chống chịu trong mưa bão; sàn công tác làm từ vật liệu chống ẩm mốc, trơn trượt, đảm bảo an toàn. Công năng bố trí hợp lý, có lối đi dân sinh, tạo điều kiện để bà con và du khách có thể thực hiện các nghi thức tín ngưỡng và tham quan di tích…

PV: Và cũng xin được hỏi thêm là hiện nay, điều đáng lo đó là tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại; những dự án gia cố, kè chắn bờ biển đang được triển khai như thế nào ? Ông Nguyễn Văn Sơn: Hiện bờ biển Hội An đang được triển khai 2 dự án quan trọng. Dự án thứ nhất là dự án khoảng 1.000 tỷ do AFD triển khai, đang hoàn tất các bước thủ tục cuối cùng để chuẩn bị đầu tư. Dự án thứ hai 212 tỷ đồng kè 1.500 mét lên phía Bắc bờ biển Hội An đang được Sở NN&PTNT tích cực triển khai và khả năng sẽ thi công vào tháng 10, 11 tới. Trong khi chờ đầu tư các công trình căn cơ để giải quyết căn bản vấn đề sạt lở cho bờ biển Cửa Đại Hội An, thành phố đã chỉ đạo các ngành liên qua và hai phường Cửa Đại, Cẩm An vận động Nhân dân và các doanh nghiệp trong khu vực tiến hành gia cố các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở. Ví dụ như điểm bờ biển tại 2 khối phố Tân Thịnh, Tân Mỹ luôn bị sạt lở trong thời gian qua. Những ngày gàn đây khi bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới, các điểm xung yếu đã được chính quyền địa phương và Nhân dân triển khai gia cố bằng hệ thống bao tải mền, cọc tre và tấm vải địa kỹ thuật. Với sự gia cố kịp thời thì trong các đợt bão lũ tới việc sạt lở sẽ được giảm thiểu. Hiện nay, do công trình kè chưa được đầu tư đồng bộ nên việc ảnh hưởng của mưa bão đối với bờ biển Cửa Đại Hội An chắc chắn sẽ xảy ra, tuy nhiên, với sự chủ động và nỗ lực như thế, hy vọng việc sạt lở sẽ được giảm thiểu.
PV: Xin cảm ơn ông !
QUỐC HẢI