Hình thành và phát triển sáng kiến cộng đồng

Xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) vừa triển khai thực hiện dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng tại thành phố Hội An”. Dự án do tổ chức Quỹ Môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEF/SGP) hỗ trợ. Đây cũng là một dự án mang dấu ấn sáng kiến cộng đồng mà Hội An là điểm sáng tổ chức thực hiện trong những năm qua.

Sau một thời gian tham vấn, thu thập ý kiến của cộng đồng dân cư ở các thôn và nhận được sự giúp đỡ của đội ngũ cán bộ, chuyên gia Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, Cẩm Thanh đã hoàn thành việc xây dựng dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng tại thành phố Hội An”. Và dự án vừa chính thức được tổ chức Quỹ Môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEF/SGP) phê duyệt hỗ trợ.

*Cộng đồng quản lý:

Tổng kinh phí thực hiện dự án 2 tỷ 130 triệu đồng, trong đó kinh phí tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu khoảng 1 tỷ đồng, còn lại là nguồn đối ứng của chính quyền địa phương, thành phố và Khu dự trữ sinh quyển. Thời gian thực hiện: 36 tháng (từ tháng 3/2018 – 3/2021). Mục tiêu lâu dài là bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, cộng đồng tại xã Cẩm Thanh, TP.Hội An. “Điểm nhấn đặt ra trong dự án này không phải là sinh kế như những dự án trước vì người ta không còn quá nghèo như xưa nhưng làm sao người ta giữ được nguồn lợi này, giữ được rừng dừa và tài nguyên sinh thái này thì mới bền vững. Vì vậy yêu cầu đặt ra là giao rừng dừa cho cộng đồng, nghĩa là cộng đồng tham gia bảo vệ rừng dừa, cùng nhau làm du lịch, cải thiện sinh kế. Thiết chế cộng đồng phải được tăng cường theo mô hình đồng quản lý!”, bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Điều phối viên quốc gia Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) nói.

Bảo vệ rừng dừa để cải thiện sinh kế cộng đồng- Ảnh: Đỗ Huấn

Quỹ môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEF/SGP) từng gắn bó với Cẩm Thanh khoảng 11 năm qua với 4 dự án đã thực hiện. Đây là dự án được GEF chọn từ hơn 100 dự án trên cả nước và là dự án thuộc loại hình xây dựng mô hình trình diễn do Hội LHPN xã Cẩm Thanh tổ chức điều hành trên cơ sở cam kết đồng hành của chính quyền địa phương và Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An. Năng lực tổ chức của Hội LHPN xã Cẩm Thanh vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng với lực lượng đông đảo khoảng 1.100 hội viên sinh hoạt ở 8 thôn và kinh nghiệm thực hiện một số dự án trước đây như dự án “Xây dựng làng quê du lịch homestay ở vùng quê sinh thái Cẩm Thanh” do MFF tài trợ và dự án “sản xuất rau hữu cơ tại vườn Cánh Én” thôn Võng Nhi do Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị tài trợ…, Hội LHPN xã đã tạo được niềm tin và sự kỳ vọng lớn. Nhận nhiệm vụ Trưởng Ban điều hành dự án, bà Trần Thị Thiên – Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Thanh tự tin cho biết là sẽ bám sát nội dung từng phần việc, từng chi tiết của dự án được phê duyệt để cùng với các chuyên gia tư vấn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đúng tiến độ cam kết với GEF.

*Lợi ích bền vững:

Thực tế, với vai trò là vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, hiện nay Cẩm Thanh còn rất nhiều khó khăn và thách thức với nhiều bức xúc như quy mô nhỏ hẹp của vườn rau hữu cơ (chỉ 1ha và 10 hộ gia đình tham gia). Hoạt động du lịch chưa được bền vững, nhiều tác động làm tổn thương đến rừng dừa nước, nguồn lợi thủy sản. Tình trạng xây dựng tùy tiện làm ảnh hưởng cảnh quan sinh thái, mở âm thanh náo động gây ô nhiễm tiếng ồn và sự sinh trưởng của chim cò, tôm cá… Vì vậy, dự án này nhằm kết nối hài hòa các sáng kiến cộng đồng trong khu vực hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế người dân và phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Việc thực hiện dự án không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương làng quê Cẩm Thanh mà còn góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng các mô hình bảo tồn tại Hội An, phù hợp với tiếp cận nhiều nguồn lực hợp tác hơn như mô hình 4 nhà: quản lý, doanh nghiệp, khoa học và người dân cho công tác quản lý, bảo tồn, sử dụng tài nguyên môi trường. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An nói: “Mục tiêu dự án là bền vững chứ không phải ngắn hạn nếu chúng ta cùng đồng hành giữ được rừng dừa, môi trường, phục hồi và gia tăng về nguồn lợi thủy sản, đồng thời tạo được những sản phẩm tốt thì chắc chắn thành công!”

Trồng và phục hồi rừng dừa ngập mặn vùng sinh thái Cẩm Thanh- Ảnh: Đỗ Huấn

Có 3 mục tiêu cụ thể, trước mắt cần thực hiện của dự án này là: nâng cao năng lực cộng đồng quản lý sử dụng tài nguyên, môi trường bền vững tại làng quê Cẩm Thanh; tăng cường, bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh thông qua giao rừng cho cộng đồng; phát triển bền vững sinh kế cộng đồng trong rừng dừa nước thông qua mô hình du lịch trách nhiệm… Theo đó, Ban điều hành dự án có trách nhiệm tổ chức các hoạt động thực hiện các mục tiêu, phấn đấu đạt kết quả với khoảng 50ha rừng dừa nước tại thôn Thanh Đông được giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ và phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng và khai thác nguồn lợi thủy hải sản; hình thành một HTX du lịch trách nhiệm cộng đồng Sông Đình với sự tham gia của tất cả các thôn có hoạt động du lịch, có cơ chế chia sẻ trách nhiệm, lợi ích được các bên xây dựng và đồng thuận. Từ thực tiễn cộng đồng tham gia phục hồi tự nhiên và khai thác bền vững Cua đá Cù Lao Chàm cũng do Quỹ môi trường toàn cầu hỗ trợ, bà Trần Thị Hồng Thúy – Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển, Phó Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An trao đổi: “Bà con cộng đồng đừng nghĩ rằng dự án này là nhỏ, không mang lại nhiều lợi ích. Bà con hãy ra Cù Lao Chàm và học tập mô hình bảo tồn Cua đá. Dù dự án đã kết thúc khá lâu, mấy năm rồi nhưng nguồn sinh lợi từ sau khi kết thúc dự án rất tốt. Bây giờ mô hình này ở Cù Lao Chàm được mang đi báo cáo điển hình nhiều nơi trong toàn quốc”

Trên cơ sở hợp tác và đồng thuận, nguồn lực đầu vào của dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng tại TP.Hội An” sẽ là các sáng kiến cộng đồng từ thành phố nhằm cải thiện hoạt động bảo tồn, sự tham gia của cộng đồng, sinh kế và du lịch tại địa phương mang tính bền vững, khoa học thông qua các mô hình đồng quản lý nguồn lợi và du lịch… Thực hiện thành công Dự án này một lần nữa Hội An khẳng định là đối tác uy tín của Quỹ môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEF/SGP) – nơi mà các sáng kiến từ cộng đồng được hình thành và phát triển.

Đỗ Huấn