Việc Cù Lao Chàm – Hội An đạt được danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã mở ra cơ hội lớn để phát triển kinh tế xã hội, nhất là ngành du lịch – dịch vụ – thương mại của xã đảo Tân Hiệp, trong đó có sự phát triển và hưởng lợi của cộng đồng doanh nghiệp.
Gắn bảo tồn với phát huy và kết nối các giá trị di sản vùng, Cù Lao Chàm càng có điều kiện phát triển bền vững- Ảnh: Đỗ Huấn
Sự phát triển của ngành du lịch Cù Lao Chàm trong những năm qua có thể nói không tách rời với thương hiệu của Khu sinh quyển mang tầm quốc tế và đã mang lại lợi ích cho cả cộng đồng dân cư, trong đó có nhiều doanh nghiệp cũng được hưởng lợi rõ rệt. Hiện nay có khoảng 40 doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh lữ hành – vận chuyển tuyến Hội An – Cù Lao Chàm với hơn 130 phương tiện gồm ca nô và tàu gỗ với sức chứa hơn 3000 chỗ ngồi. Ban vận động Hiệp hội du lịch cũng đã hình thành nhằm tập hợp và phát huy nguồn lực nội tại để góp phần phát triển du lịch Cù Lao Chàm. Không chỉ có các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành – vận chuyển mà cùng đồng hành và hợp tác phát triển, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch – thương mại – dịch vụ của thành phố ở vùng lân cạn cũng đã nỗ lực đóng góp tích cực cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu Khu dự trữ sinh quyển và đặc trưng du lịch sinh thái vùng biển đảo này.
Ngoài các hoạt động quảng bá của lãnh đạo các cấp, các ngành ở thành phố và Ban quản lý Khu bảo tồn biển, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An trên các phương tiện truyền thông như báo chí, phát thanh, truyền hình, các trang mạng xã hội… các doanh nghiệp đã tăng cường thông tin, giới thiệu về tiềm năng, vẻ đẹp của Khu sinh quyển qua các website du lịch, hoặc thông qua các sự kiện du lịch, các chương trình hoạt động có liên quan, các tour tuyến lữ hành, tham quan… Các ấn phẩm phẩm sách và đĩa phim du lịch giới thiệu về Cù Lao Chàm cũng được các doanh nghiệp tiếp nhận và chuyển phát đến du khách trong và ngoài nước trong những cơ hội, những trải nghiệm du lịch tại đảo, góp phần làm cho thương hiệu du lịch Cù Lao Chàm ngày càng ấn tượng, hấp dẫn.
Phát triển Cù Lao Chàm, phát huy giá trị thương hiệu Khu sinh quyển luôn phải gắn liền chặt chẽ và đồng bộ với việc bảo tồn những giá trị sinh thái, nhân văn vùng biển đảo. Rạn san hô đặc thù, thảm thực vật quý hiếm, rừng nguyên sinh đa dạng, di chỉ – di tích văn hóa lịch sử phong phú… là những giá trị quý giá được cộng đồng doanh nghiệp chung tay bảo vệ hiệu quả cùng với nhân dân. Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn phối hợp và tạo điều kiện để duy trì, nâng cao hiệu quả những phong trào hay, việc làm tốt, tạo sự khác biệt, độc đáo của Cù Lao Chàm như: “nói không với túi nilon”, “cua đá dán nhãn sinh thái”, bảo vệ chăm sóc rừng, cải tạo cảnh quan môi trường…
Du khách thỏa thích nghỉ mát ở Bãi Chồng – Cù Lao Chàm nhờ cảnh quan xanh, sạch, đẹp- Ảnh: Đỗ Huấn
Dù đã và đang phát triển, hứa hẹn nhiều triển vọng nhưng theo ý kiến một số doanh nghiệp phản ánh, nhìn chung sản phẩm du lịch vẫn chưa thật sự phong phú, chất lượng còn hạn chế, uy tín thương hiệu chưa cao, trình độ năng lực quản lý, nguồn nhân lực tại chỗ chưa theo kịp yêu cầu, công tác vệ sinh môi trường còn nhiều nỗi lo… Ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty Công ty Emic Hospitality, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam trao đổi: “Thực tế Cù Lao Chàm là hạt ngọc rất nhỏ, có sức chứa vừa phải, nếu chúng ta không biết làm thế nào đó để giữ gìn, bảo vệ thì nó sẽ mất đi mà chúng ta tái tạo lại thì càng khó hơn như chúng ta đang phát triển ngày hôm nay. Cho nên với vai trò trong Hiệp hội du lịch cũng như là doanh nghiệp làm du lịch, chúng tôi định hướng rằng Cù Lao Chàm chỉ có con đường phát triển duy nhất, tồn tại tốt nhất là phải bảo vệ môi trường. Làm thế nào đó đưa chất lượng dịch vụ thật tốt lên để lọc lượng khách ra Cù Lao Chàm vừa phải chứ không quá tải như ngày hôm nay và lúc đó chúng ta có thể bán dịch vụ cao, tốt hơn thì lợi ích, lợi nhuận của người dân sẽ hiệu quả hơn. Việc bảo vệ môi trường nhờ vậy cũng dễ dàng và tốt hơn”.
Phát triển du lịch Cù Lao Chàm cũng không thể tách rời riêng biệt mà cần gắn kết chặt chẽ với không gian văn hóa khu phố cổ Hội An, khu vực ven biển Cửa Đại – Cẩm An, vùng hạ lưu sông Thu Bồn, rừng dừa Bảy mẫu Cẩm Thanh để tạo sự phát triển liên hoàn. Phải luôn gắn công tác bảo tồn với phát huy giá trị di sản thì thương hiệu Khu sinh quyển Cù Lao Chàm mới phát triển bền vững và xứng tầm. “Vấn đề di sản là vấn đề vô cùng quan trọng trên hành trình của nó. Làm thế nào để biến thành cái nhụy ở giữa là giá trị di sản và vùng đệm xung quanh để tạo nên giá trị kết nối, kết nối lưu vực, kết nối của vùng lân cận, kết nối với Đà Nẵng, kết nối với Quảng Ngãi. Nếu kết nối được thì giá trị di sản sẽ nổi trội hơn nữa trong chiến lược lâu dài”, Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hội An) nói.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Chất lượng của hoạt động du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiềm năng tài nguyên du lịch, hệ thống cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, chính sách phát triển chuyên ngành, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội… Phát triển thương hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là nhu cầu bức thiết không chỉ của riêng ai mà là trách nhiệm của cả cộng đồng: nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nhân dân.
Đỗ Huấn