Chuyện giữ di sản khu phố cổ Hội An

Chặng đường hơn 25 năm đã qua chứng kiến những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền và người dân Hội An cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhiều phía để gìn giữ những giá trị riêng có, không trùng lặp của Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG) đô thị cổ Hội An và trao truyền cho thế hệ sau.

Cuối năm 2024, Giáo sư Tomoda Hiromichi – nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Quốc tế, Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) trở lại Hội An và tham dự chương trình gặp mặt kỷ niệm 25 năm đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là DSVHTG (04/12/1999 – 04/12/2024). Giáo sư Tomoda là chuyên gia người Nhật Bản đã có hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất Hội An. Ông cũng đã có nhiều đóng góp đối với công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị DSVHTG đô thị cổ Hội An từ thập niên 90 cho đến hôm nay.

Tại chương trình gặp mặt, câu chuyện được Giáo sư Tomoda chia sẻ là những kỉ niệm trong lần đầu tiên ông đến thăm Hội An vào năm 1992. Vào thời điểm đó, hầu hết những ngôi nhà cổ ở Hội An đã xuống cấp nhưng khi quan sát kĩ lại thấy những nét kiến trúc gỗ tinh xảo khiến Giáo sư Tomoda rất ấn tượng. Chính điều đó và tình cảm của chính quyền và người dân Hội An đã thôi thúc Giáo sư Tomada bắt tay vào việc phối hợp khảo sát và hỗ trợ chuyên môn để tu bổ những ngôi nhà cổ, di tích trong khu phố cổ Hội An.

 “Năm 1993, chúng tôi bắt đầu khảo sát tại Hội An, các cuộc thảo luận với người dân địa phương cũng được tiến hành, đáp ứng nguyện vọng của người dân là sửa chữa tình trạng dột nước. Chúng tôi đã thực hiện hỗ trợ và thay mái cho 20 ngôi nhà mỗi năm. Qua đó, Hội An đã xây dựng được hệ thống bảo tồn khu phố cổ đọc đáo của riêng mình và đã có các quy định bảo tồn giúp duy trì được không gian thống nhất cùng với kĩ thuật phục hồi đạt tiêu chuẩn”, Giáo sư Tomada nói.

Trong câu chuyện của mình, Giáo sư Tomoda Hiromichi không quên nhắc đến ông Nguyễn Sự – nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, người mà giáo sư đánh giá cao khi thay mặt chính quyền thị xã Hội An lúc bấy giờ ban hành nhiều quy định để bảo tồn khu phố cổ Hội An, góp phần quan trọng để được UNESCO công nhận là DSVHTG vào năm 1999.

Ngày 4/12/1999, đô thị cổ Hội An được UNESCO ghi vào danh mục DSVHTG. Đó là kết quả của quá trình lâu dài trước đó các thế hệ người Hội An đã tạo dựng, nâng niu, giữ gìn di sản, ông Nguyễn Sự nhấn mạnh như vậy trong cuộc gặp mặt kỉ niệm 25 năm DSVHTG Hội An. Theo ông Nguyễn Sự, sau giải phóng 1975, chính quyền và người dân Hội An lúc đó dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn giữ gìn khu phố cổ và các di tích và đã có nhưng quyết sách để thực hiện.

 Năm 1986, Hội An đã thành lập ban quản lí di tích, dịch vụ và du lịch. Rồi những quy chế mà lẽ ra phải do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa ban hành thì Hội An đã quyết định ban hành và vận động người dân đồng tình thực hiện để giữ khu phố cổ.

Ông Nguyễn Sự – nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nhớ lại, thời điểm sau khi được công nhân DSVHTG, trong bối cảnh nhiều ngôi nhà trong khu phố cổ đã xuống cấp, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, chính quyền Hội An đứng trước khó khăn khi phải làm thế nào giữ để người dân không xây mới nhà ở trong khu di sản nhưng cũng phải tìm giải pháp để nâng cao đời sống người dân và có kinh phí để trùng tu.

Theo lời ông Sự, khi khi du lịch phát triển, người dân đã nhận thấy được giá trị của di tích và quay trở lại gìn giữ những di tích ấy. Đặt trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Sự cho rằng, trong khu DSVHTG Hội An có những khía cạnh đã phát triển vượt ngưỡng đòi hỏi phải đặt yếu tố “giữ” lên cao hơn so với phát triển; gìn giữ những giá trị của di sản để phát triển có chiều sâu và chất lượng hơn.

Ông Nguyễn Sự trao đổi: “Ngay từ đầu, dù không biết sau này có được công nhận là DSVHTG hay không nhưng lãnh đạo Hội An và người dân đã bảo tồn khu phô cổ như một trách nhiệm. Nếu bây giờ chúng ta cứ phát triển mà không giữ thì mục tiêu ban đầu chúng ta đặt ra sẽ bị vỡ”.

Trong những câu chuyện về giữ phố ở Hội An, bên cạnh nỗ lực của các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn không thể không nói đến vai trò của cộng đồng, những chủ nhân trong lòng di sản. Ông Nguyễn Chí Trung – nguyên Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An chia sẻ, nhiều quy chế bảo tồn trước đây được chính quyền ban hành thực tế cũng chỉ mang tính “lệ làng” nhưng rồi với sự tuyên truyền, vận động tích cực, người dân cũng đồng thuận để cùng giữ di sản.

Nhận diện được giá trị của khu đô thị thương cảng cổ, từ rất sớm, Hội An đã xây dựng dự thảo Quy chế bảo vệ Khu phố cổ. Đến năm 1987, Quy chế bảo vệ và sử dụng di tích khu phố cổ Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng chính thức ban hành.

Tiếp sau đó, kể từ khi khu phố cổ được công nhận là DSVHTG (4/12/1999), Hội An tiếp tục ban hành rất nhiều quy chế để quản lý toàn diện các hoạt động trong khu di sản này. Đến năm 2020, theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, các quy chế này được tích hợp vào Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An được UBND tỉnh ban hành.

Tháng 8/2024, UBND TP.Hội An ban hành quy định phân công nhiệm vụ thực hiện quy chế này nhằm phân công rõ trách nhiệm, quyền hạn và sự tham gia phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan. Qua đó, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An trong khu vực I, IIA, IIB.

PHAN SƠN