Chuẩn bị các phương án PCTT – TKCN

Trước tình hình diễn biến của thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, UBND thành phố Hội An đã chỉ đạo các xã phường, cơ quan, đơn vị cần luôn luôn chủ động các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và đảm bảo tuyệt đối tính mạng của nhân dân.

Theo dự báo, nỗi lo chung hiện tại là có khả năng Hội An phải chịu ảnh hưởng từ vài ba cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và không khí lạnh. Mực nước trung bình trên các sông ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, có khả năng xuất hiện 3 – 5 đợt lũ, đỉnh lũ từ báo động 2 đến báo động 3…

Tàu thuyền ngư dân trú đậu ở Hói Lăng (xã Cẩm Thanh)- Ảnh: Đỗ Huấn

Yêu cầu hàng đầu của chính quyền thành phố là chủ động thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng”. Cùng với việc không để xảy ra thiệt hại về tính mạng con người, mục tiêu của thành phố còn phải đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại về sản xuất nông nghiệp khi có thiên tai xảy ra, bảo vệ an toàn cho các công trình kết cấu hạ tầng, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, bảo đảm cho 100% người dân có đủ lương thực, thực phẩm và thuốc chữa bệnh khi xảy ra thiên tai nghiêm trọng như lũ lớn, bão mạnh… Đặc biệt lưu ý các vùng thấp lụt, hải đảo, ven biển (như Cẩm Kim, Cẩm Nam, Minh An, Cẩm Phô, Thanh Hà, Tân Hiệp, Cẩm An, Cửa Đại)

Chuẩn bị phương tiện và vật tư cho công tác PCTT – TKCN, UBND thành phố có phương án huy động 400 thành viên xung kích từ các trường học và đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn thành phố cùng 25 chiếc tàu thuyền trên 30 sức ngựa và 5 chiếc ca nô thường trực, sẵn sàng thực hiện theo lệnh điều động của BCH PCTT&TKCN thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ huy động tất cả xe của các cơ quan, đơn vị khi cần thiết để nhanh chóng di dời dân đến nơi tập trung an toàn; đồng thời có kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo để nhân dân không bị thiếu đói khi có thiên tai xảy ra. Riêng các xã phường tùy theo điều kiện tình hình có kế hoạch chuẩn bị phương án, nguồn lực, phương tiện và vật tư tại chỗ để chủ động đối phó. Song điều quan trọng là cần chú ý thực hiện sự chỉ huy thống nhất để toàn dân cùng tham gia.“Tăng cường công tác truyên truyền giáo dục đối với mọi người dân về tình hình thiên tai, nhất là đối với ngư dân về thiên tai trên biển, tổ chức quản lý, theo dõi chặt chẽ và thông tin, hướng dẫn kịp thời đối với các tàu thuyền đánh bắt cá trên biển nhằm tránh bị thiệt hại khi có bão, ATNĐ. Triển khai phối hợp tuyên truyền, vận động cho nhân dân nâng cao nhận thức về công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng”, ông Lê Đình Tường – Phó Trưởng Phòng Kinh tế, cơ quan thường trực BCH PCTT – TKCN thành phố cho biết.

Tìm thêm chỗ neo đậu do lượng ca nô phục vụ du lịch tăng nhiều- Ảnh: Đỗ Huấn

UBND thành phố cũng đã triển khai công tác kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị, các phương án cụ thể để PCTT – TKCN của các xã phường, cơ quan, đơn vị cũng như độ an toàn của hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình kỹ thuật an sinh, phương tiện thiết bị hiện có… nhằm chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra. Trong đó đáng chú ý là việc kiểm tra, rà soát kế hoạch chống đỡ, bảo vệ các di tích hiệu quả; lập biển báo, chốt chặn, quản lý chặt chẽ người và phương tiện đi lại khi có thiên tai xảy ra; tuyên truyền, lập phương án tuyệt đối không để tái diễn tình trạng ghe thuyền vận chuyển khách du lịch đi xem lũ như những năm trước. Các ngành chức năng xây dựng và bổ sung phương án sơ tán nhân dân; kịp thời sơ tán dân khỏi các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai; cần khảo sát, xác định điểm neo đậu tàu thuyền, ca nô đáp ứng nhu cầu do sự gia tăng phương tiện ca nô phục vụ tuyến du lịch Cửa Đại – Cù Lao Chàm hiện nay. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng BCH PCTT – TKCN thành phố xác định: “Hiện nay, toàn bộ ca nô vào hết khu vực Hói Lăng. Bây giờ khảo sát lại, có thể bổ sung thêm một số điểm. Ví dụ như chỗ Nhà máy xử lý nước thải, đó là một điểm hoàn toàn có thể neo đậu dù nó nhỏ hơn Hói Lăng, khu vực dọc theo Ba Chươm (phường Cửa Đại) có những điểm hoàn toàn có thể neo đậu. Bây giờ phải khảo sảt, tính toán để thống nhất có hướng triển khai”.

Tại Hội An, ngoài 2 âu thuyền Cù Lao Chàm và Cẩm Nam còn một vài âu thuyền và vịnh nhỏ khác tại Hói Lăng (xã Cẩm Thanh); khu kè Cẩm Châu và khu Cẩm Kim… đều đáp ứng yêu cầu tránh trú cho tàu thuyền. Riêng âu thuyền khu Hói Lăng, nơi có vị trí tự nhiên khá thuận lợi với hệ thống kênh lạch khuất gió và diện tích rừng dừa nước lớn che chắn, nhiều năm qua nơi đây trở thành điểm tránh trú bão an toàn cho hầu hết tàu thuyền Cẩm Thanh và khu vực xung quanh. Nhưng hiện nay, âu thuyền Hói Lăng và các âu thuyền khác đã thay đổi về diện mạo và kéo theo đó là sức chứa cũng như khả năng đảm bảo an toàn bị ảnh hưởng. Vì vậy, UBND thành phố và BCH PCTT & TKCN thành phố cũng đã chỉ đạo các xã phường Cẩm Châu, Cẩm Nam, Cẩm Thanh cần khẩn trương xây dựng phương án dự phòng đối với công tác di dời dân tránh bão lũ do tác động của công trình xây dựng đã hình thành như đường dẫn cầu Cửa Đại, dự án Gami…

Đỗ Huấn