Áp lực từ du lịch Cù Lao Chàm

Sự phát triển ồ ạt các dịch vụ du lịch và du khách đến đảo Cù Lao Chàm ngày càng đông đã và đang tạo nên nhiều áp lực cho vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới này.

Rác thải dưới đáy biển Cù Lao Chàm

Năm 2009, thời điểm vừa được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm chỉ đón gần 27 nghìn lượt khách nhưng đến năm 2018, lượng du khách đến đảo tăng cao không ngờ với hơn 500 nghìn lượt. Chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm 2019, lượng khách tham quan Cù Lao Chàm đạt hơn 108 nghìn lượt, tăng 36% so với cùng kỳ 2018; tổng lượt khách lưu trú đạt hơn 5.600 lượt, tăng 35%.

Áp lực quá tải nếu không kiểm soát được lượng khách đến mỗi ngày- Ảnh: Quốc Hải

Để phục vụ tuyến tham quan Hội An – Cù Lao Chàm, hiện có 456 cơ sở kinh doanh, 690 lao động ngành du lịch, 84 nhà hàng với sức chứa 2.950 khách, 35 cơ sở lưu trú với 84 phòng, 29 cơ sở kinh doanh hàng lưu niệm, hải sản, 17 thuyền gỗ phục vụ du lịch cùng 42 công ty, doanh nghiệp dịch vụ du lịch gồm 132 cano với 3.404 ghế và 6 thuyền gỗ với 315 ghế.

Việc chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp và lao động tại xã đảo Tân Hiệp từ ngư – lâm nghiệp sang DL-DV-TM đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người tăng tại đây lên trên 37 triệu đồng vào năm 2017. Từ ngày 1.7.2015, TP.Hội An đã hạn chế số lượng khách ra đảo mỗi ngày để phần nào giảm tải đối với Cù Lao Chàm.

Tuy nhiên, giải pháp này cũng không thể giải bớt áp lực đối với Cù lao Chàm. Bà Trần Hồng Thúy – Giám đốc BLQ Khu Bảo tồn Biển Cù lao Chàm – Hội An, cho biết: “Cùng với sự quá tải, việc ô nhiễm môi trường, suy giảm nguồn lợi tự nhiên, suy giảm diện tích và chất lượng các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng và sự thay đổi văn hóa truyền thống miền biển đảo cũng đang xảy ra. Khách gia tăng, tạo áp lực mạnh mẽ lên môi trường và cuộc sống người dân trên đảo. Khảo sát của chúng tôi cho thấy người dân Cù Lao Chàm hiện chỉ được hưởng lợi khoảng 1/4 từ doanh thu du lịch”.

Dù chưa có thống kê cụ thể lượng nước khách tiêu thụ vào việc ăn uống, tắm rửa mỗi ngày là bao nhiêu nhưng hiện tại nhiều giếng trên đảo đã trở nên khô cạn, trong đó bể chứa nước gần 80 nghìn khối tại Bãi Bìm nay cũng đang đối diện với nguy cơ thiếu hụt. Nghiêm trọng hơn là môi trường sống đang ngày bị ô nhiễm, nhất là tại Bãi Ông và Bãi Làng với lượng rác thải từ khách mỗi ngày rất lớn và đi cùng với đó là ruồi muỗi phát sinh.

Đặc biệt, công tác xử lý nước thải, rác thải bức bí hơn bao giờ hết. Khảo sát cho thấy, bình quân mỗi ngày có khoảng 4 tấn rác được thải ra môi trường, chủ yếu từ hoạt động du lịch. Hầu hết rác được xử lý theo phương pháp thủ công là đốt và chôn lấp.

Nguồn lợi hải sản bị khai thác quá mức- Ảnh: Quốc Hải

Nêu ý kiến về sự quá tải khách du lịch tại Cù Lao Chàm hiện nay, ông Nguyễn Sự – Nguyên Bí thư Thành Ủy – Cố vấn BQL Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, nói: “Khách đến đông là tốt nhưng cái giá phải trả rất lớn nếu không kiểm soát được, cơ sở hạ tầng không đảm bảo. Phải biết chọn lựa khách. Hội An đã quy định không quá 3.000 người ra đảo/ngày, nhưng 3.000 người ấy đều tập trung ở Bãi Làng và Bãi Hương thì sự quá tải là khủng khiếp. Vấn đề hiện nay là phải có giải pháp quản lý phải đồng bộ.”

Rõ ràng, sự đồng bộ từ những giải pháp quản lý là yêu cầu tất yếu. Theo bà Trần Hồng Thúy – Giám đốc BLQ Khu Bảo tồn Biển Cù lao Chàm – Hội An, hiện nay, gần như tất cả các bãi biển tại Cù Lao Chàm không phải là nơi để tắm biển mà để cập tàu du lịch. Đó là điều rất phi lý. Việc cấp phép hoạt động dịch vụ du lịch tại Cù Lao Chàm phải có điều kiện kèm theo vì đây là vùng lõi của Khu sinh quyển. Vì thế, vấn đề quan trọng là phải có sự chia sẻ kinh nghiệm về điều chỉnh hoạt động du lịch tại Cù Lao Chàm theo mục tiêu phát triển bền vững; cần có chiến lược phát triển Cù Lao Chàm trên cơ sở cân bằng cả 2 mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững; sự phối hợp đồng bộ trong công tác quản lý hoạt động du lịch tại Cù Lao Chàm từ các Sở GTVT, KHĐT, VHTT, NNPTNT,…  

“Khi xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Cù Lao Chàm, cần xác định và khoanh vùng không gian bảo tồn nghiêm ngặt từ hòn Dài về phía Tây Bắc hòn Lao; không nên quy hoạch xây dựng nhà nghỉ, khách sạn tại các bãi biển. Phải đặc biệt quan tâm đến sự tham gia của người dân trong chuỗi giá trị du lịch Cù Lao Chàm; phải có chính sách bảo tồn các điều kiện hoang dã nguyên sơ và tự nhiên của đảo để phát triển du lịch sinh thái đúng nghĩa” – Bà Thúy, nói./..

Quốc Hải