Tọa đàm “Phát huy danh hiệu KDT sinh quyển thế giới CLC-Hội An”

Nhân kỷ niệm 6 năm CLC – Hội An được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới (26.5.2009-26.5.2015), chiều 26.5, UBND thành phố đã tổ chức cuộc Tọa đàm “Phát huy danh hiệu KDT sinh quyển thế giới CLC-Hội An” với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý và nghiên cứu.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Thế Hùng – PCT UBND thành phố, Trưởng Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã khẳng định, 6 năm qua, Ban Quản lý đã từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng được khung quản lý với kế hoạch hoạt động định kỳ hằng năm cũng như  kế hoạch quản lý 5 năm 2015-2019, xây dựng đề án phát triển bền vững đồng thời chuẩn bị ban hành Quy chế quản lý cụ thể.

Bên cạnh đó, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, đầu tư đã được triển khai như xây dựng cơ chế liên kết theo hướng bền vững, phục hồi san hô với sự tham gia của cộng đồng, phục hồi rừng dừa nước Cẩm Thanh, điều tra khảo sát đa dạng sinh học biển. Đặc biệt, cùng với công tác giáo dục, đào tạo, truyền thông, quảng bá, nhiều chương trình hợp tác, thu hút đầu tư đã được triển khai mang lại hiệu quả bước đầu. Nhờ đó, đa dạng sinh học, sinh kế cộng đồng được đảm bảo và ngày càng phát triển, đời sống của người dân được nâng cao thông qua sự phát triển mạnh mẽ của ngành kinh tế du lịch.

Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác các giá trị đa dạng sinh học của KDT sinh quyển cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức. Bà Trần Hồng Thúy – Phó Trưởng Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới cho biết: “Hiện có đến gần 80% người dân chưa biết về Khu sinh quyển, vai trò điều phối của Ban Quản lý trong các hoạt động diễn ra trên địa bàn chưa thể hiện rõ. Việc liên kết trong quản lý, chia sẻ thông tin, số liệu giữa các cơ quan trong Khu sinh quyển còn nhiều hạn chế; doanh nghiệp chưa chủ động tham gia vào các hoạt động, chưa phát huy các giá trị của danh hiệu Khu sinh quyển”.

Tọa đàm Khu dự trữ sinh quyển

Thêm vào đó, thông tin dữ liệu về Khu sinh quyển với những cơ sở về hiện trạng tài nguyên hiện chưa đầy đủ và thiếu cập nhật. Việc xác định các phân vùng chức năng của khu sinh quyển vẫn còn nhiều bất cập, thiếu sự thống nhất. Hiện nay, du khách tăng đột biến và không đồng đều tại CLC, các hoạt động xây dựng diễn ra trên đảo, ô nhiễm nguồn nước, rác thải, dòng chảy và tác động của thiên tai, lũ lụt… cũng đặt ra khá nhiều thách thức cho công tác quản lý.

Trước những thách thức đó, ông Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban Thư ký của Khu dự trữ sinh quyển thế giới CLC-Hội An đề xuất: “Để giữ gìn và phát huy danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An, chúng ta cần xác định vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của Ban Quản lý. Cần phải có sự tham gia bảo vệ danh hiệu của toàn xã hội, trong đó, vai trò then chốt của 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng. Cần có cơ chế phối hợp liên ngành và cả nguồn lực tài chính cũng như nhân lực”.

Các nhà quản lý và nhà nghiên cứu cũng đã có nhiều ý kiến thảo luận và kiến nghị rất đáng quan tâm cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An trong thời gian tới.

Đa số ý kiến đều cho rằng, khâu truyền thông về Khu sinh quyển hiện còn mờ nhạt, cần phải hệ thống hóa nguồn tư liệu nghiên cứu và xây dựng bảo tàng sinh học cho Khu dự trữ sinh quyển. Khi đánh giá tác động của những thách thức đến Khu sinh quyển, cần phải đánh giá cả 3 vùng là vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp chứ không chỉ đánh giá riêng vùng lõi như hiện nay. Tiến tới, trong vùng đệm cũng cần phải xác định vùng lõi để có giải pháp phù hợp. Một trong những yêu cầu quan trọng là phải xác định, phân vùng chức năng rõ ràng bằng nghiên cứu khoa học và huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Kết luận tọa đoàm, PCT UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng đã ghi nhận những ý kiến đóng góp quý giá đồng thời khẳng định, việc giữ gìn và phát huy danh hiệu Khu dự trũ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Thời gian tới, thành phố sẽ có cơ chế phù hợp, tranh thủ các nguồn tài trợ để triển khai các nhiệm vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa vai trò điều phối của Khu sinh quyển, phối kết hợp liên ngành trong công tác quản lý và áp dụng cách tiếp cận từ thượng nguồn. Cùng với đó, việc liên kết, hợp tác, đào tạo và phát triển sinh kế bền vững sẽ tiếp tục được triển khai bằng các dự án cụ thể.

Quốc Hải