Hội An khẩn trương chống đỡ di tích trước cơn bão số 4

Những ngày qua, Trung Tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hoá Hội An đã huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương triển khai chống đỡ hàng chục di tích kiến trúc xuống cấp trong khu phố cổ, góp phần hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra.

Triển khai chống đỡ hệ mái nhà 76/18 đường Trần Phú

Từ sáng sớm, cán bộ chuyên môn và đội thi công của Trung Tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hoá Hội An đã tập kết vật liệu gỗ và phương tiện tiến hành chống đỡ di tích số 76/18 đường Trần Phú. Do có niên đại khá lâu nên hệ mái và sàn chịu lực của di tích này đã bị xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ.

“Nhờ Nhà nước hỗ trợ chống đỡ nhà cửa cho mình trước khi mưa bão tới nên gia tình tôi mới tạm yên tâm. Tôi rất cảm ơn Trung Tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hoá Hội An đã làm việc này “ – Ông Trần Sơn – Chủ di tích 76/18 đường Trần Phú, nói.

Không chỉ ngôi nhà nêu trên, những ngày qua, Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An đã tổ chức họp và triển khai ngay công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ di tích trước cơn bão số 4.

Trước đó, từ tháng 5, Trung tâm đã rà soát danh mục các di tích xuống cấp trong khu phố cổ, tiến hành khảo sát, đánh giá tình trạng xuống cấp, đề xuất các giải pháp phù hợp.

Qua đó, Trung tâm đã thông báo đến các chủ di tích có biện pháp chủ động kiểm tra, tự chống đỡ cho di tích của mình. Cùng với đó, hàng chục di tích kiến trúc khác đã được chống đỡ các vị trí xuống cấp, đặc biệt là di tích Chùa Cầu.

Ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hoá Hội An, cho biết: “Qua khảo sát có 45 di tích có nguy cơ. Trước đây thì danh mục này rất nhiều nhưng đến nay chỉ còn 45 di tích là do Nhà nước và người dân đã từng bước trùng tu, tôn tạo thời gian qua”.

Chống đỡ di tích Chùa Cầu trước cơn bão số 4

Trong tổng số 45 di tích di tích xuống cấp trong khu phố cổ có 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 21 di tích xuống cấp nặng và 13 di tích xuống cấp nhẹ. Trung tâm đã đề xuất giải pháp chống đỡ 5 di tích, chủ di tích tự chống đỡ 27 di tích đồng thời yêu cầu người dân sinh sống trong một số di tích xuống cấp nghiêm trọng phải di dời đến nơi an toàn trước khi bão đến.

“Trước cơn bão này chúng tôi đã chủ động phương án phòng chống lụt bão nên đến nay cơ bản đã lên danh mục đầy đủ về hiện trạng các di tích. Vì thế đã làm trước một bước với các biện pháp phù hợp”- Ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hoá Hội An, nói.

Hy vọng, những biện pháp cấp bách này sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ sụp đổ các di tích kiến trúc trong khu phô cổ, góp phần gìn giữ những giá trị vô giá của quần thể kiến trúc Đô thị cổ Hội An./.

QUỐC HẢI