Phát triển thương hiệu khu dự trữ sinh quyển

Giữ thương hiệu Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An là nhiệm vụ cấp thiết, từ đó, từng nhãn hiệu cụ thể mới có thể xây dựng trên nền tảng của những giá trị sinh thái.

Giữ thương hiệu

Nhờ vào những giá trị đặc trưng, nổi trội về đa dạng sinh học, văn hóa và lịch sử, từ sau khi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (2009) đến nay, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đã và đang là điểm đến có sức hút mạnh mẽ, hằng năm đón hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan du lịch, mở ra cơ hội lớn để phát triển kinh tế xã hội, nhất là ngành du lịch – dịch vụ – thương mại của xã đảo Tân Hiệp. Năm 2009, Cù Lao Chàm đón hơn 35.000 lượt khách, đến năm 2015 đã tăng lên hơn 400.000 lượt, trong đó có 10.900 lượt khách lưu trú.

Tuy nhiên, quá trình phát triển đã nảy sinh rất nhiều vấn đề đáng quan ngại về công tác quản lý, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa và lịch sử; vấn đề ô nhiễm môi trường, sự quá tải của du khách cùng các vấn đề xã hội nảy sinh.

Tại hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển thương hiệu và xây dựng nhãn hiệu sinh thái khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm – Hội An” do UBND thành phố tổ chức mới đây,Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An nói: “Thương hiệu Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm – Hội An đã có nhưng trong bối cảnh hiện nay phải tư duy hệ thống, theo chiều sâu; có định hướng phát triển thương hiệu kinh tế xanh theo chuẩn giá trị và chuỗi giá trị dựa vào bảo tồn. Ở đó, các nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung trách nhiệm”.

Thương hiệu Khu sinh quyển đã được khẳng định- Ảnh: Quốc Hải

Đề cập đến “Vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An”, các doanh nghiệp địa phương cho rằng, phát triển Cù Lao Chàm, phát huy giá trị thương hiệu Khu sinh quyển luôn phải gắn liền chặt chẽ và đồng bộ với việc bảo tồn những giá trị sinh thái, nhân văn vùng biển đảo. Điều đó cần được các doanh nghiệp quán triệt và nhận thức sâu sắc mới mong có sự phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp tiếp tục chú trọng công tác khai thác gắn với bảo vệ khi tổ chức các hoạt động tham quan, khám phá, trải nghiệm; cần duy trì, giữ gìn những phong trào hay, việc làm tốt, trở thành sự khác biệt, độc đáo của Cù Lao Chàm như “nói không với túi nilon”, “cua đá dán nhãn sinh thái”, bảo vệ chăm sóc rừng, cải tạo cảnh quan môi trường; gắn kết Khu sinh quyển với không gian văn hóa khu phố cổ Hội An, khu vực ven biển Cửa Đại – Cẩm An, vùng hạ lưu sông Thu Bồn, rừng dừa Bảy mẫu Cẩm Thanh để tạo sự phát triển liên hoàn và vững bền.

Ông Phan Xuân Thanh – Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Quảng Nam cho rằng: “Việc xây dựng và phát triển thương hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là nhu cầu bức thiết không chỉ của riêng ai mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó có các nhà quản lý, doanh nghiệp và nhân dân. Phải luôn gắn liền giữa công tác bảo tồn và phát huy thì thương hiệu Khu sinh quyển Cù Lao Chàm mới phát triển bền vững và xứng tầm”.

Xây dựng nhãn hiệu sinh thái

Thời gian qua, thành phố Hội An đã định hướng phát triển du lịch biển đảo gắn liền với bảo vệ môi trường, gắn liền với bảo tồn văn hóa; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bê-tông hóa các cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ tại Cù Lao Chàm; tập trung phát triển du lịch chuyển từ lượng sang chất. Cùng với đó, tăng cường nhân sự, thiết bị cứu nạn, cứu hộ, sơ cấp cứu cho du khách cũng như người dân tại Cù Lao Chàm.

Quang cảnh Hội thảo khoa học do UBND thành phố tổ chức- Ảnh: Quốc Hải

“Với những giá trị có được, cần thiết phải xây dựng một “nhãn hiệu” cho Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An. Ngoài mục đích bảo hộ giá trị tài sản sở hữu trí tuệ lâu dài cho các sản phẩm, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức, việc xây dựng “nhãn hiệu” cũng góp phần quảng bá, truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị nổi trội của Khu sinh quyển thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường” -Kỹ sư Võ Quảng Lâm – Phòng Kinh tế Hội An nói.

Thông qua đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng sẽ chú trọng hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tiến đến xây dựng thương hiệu uy tín, chất lượng đối với người tiêu dùng.

Ông Trần Hưng – Trưởng Ban vận động Hiệp Hội Du lịch Cù Lao Chàm chia sẻ: “Có một nghịch lý là khách ra Cù Lao Chàm đông thì lo, lo quá tải, cạn kiệt sản vật, môi trường ô nhiễm. Vậy để xây dựng nhãn hiệu cho từng sản phẩm, cần kíp là hạn chế sự quá tải, giữ sản vật, bảo vệ môi trường sinh thái”.

Hiện trong vùng lõi và cả vùng đệm của Khu sinh quyển, nhiều sản phẩm riêng có, mang đặc trưng đã được khẳng định như cua đá, yến sào, võng ngô đồng, đi bộ dưới đáy biển, lặn ngắm san hô,… Đó là chưa kể chiều sâu lịch sử văn hóa và đời sống sinh hoạt cộng đồng cư dân biển đảo.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An nói: “Hội thảo là bước khởi động để làm rõ hơn về mối quan hệ, trách nhiệm, cam kết giữa chính quyền với doanh nghiệp, cộng đồng và các nhà khoa học trong việc ngồi lại cùng nhau tìm giải pháp để giải quyết các mâu thuẫn. Thương hiệu của khu sinh quyển đã có nhưng phải nâng lên cao hơn và giữ thật tốt. Vấn đề thứ hai, thương hiệu của khu sinh quyển sẽ đem lại lợi ích, chất lượng phát triển cũng như hiệu quả công tác bảo tồn, trong đó, một giải pháp sẽ thực hiện năm 2017 là xây dựng nhãn hiệu sinh thái cho Khu sinh quyển với sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng dân cư”./.

Quốc Hải