Góp bàn để bảo tồn cảnh quan khu phố cổ Hội An

Hơn 100 đại diện chủ di tích, cộng tác viên bảo tồn di sản vừa tham gia buổi “Tọa đàm về công tác quản lý giám sát tu bổ và bảo tồn cảnh quan Khu phố cổ Hội An”. Nhiều vấn đề liên quan đến khu phố cổ đã được đặt ra cấp thiết nhân dịp kỷ niệm 18 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Là người trực tiếp giám sát công tác tu bổ, tôn tạo di tích trong khu phố cổ Hội An, KTS Võ Duy Trung – Cán bộ Trung Tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết, từ năm 1999 đến nay, UBND thành phố đã cấp phép cho 1.494 trường hợp tu bổ di tích thuộc sở hữu tư nhân – tập thể. Điều này đã phát huy được sức mạnh cộng đồng trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích và nâng cao ý thức bảo vệ di sản, góp phần lớn cho công tác bảo tồn di sản Hội An. Cùng với đó, việc xây dựng phương án phát huy các giá trị di tích trong khu phố cổ cũng đã được quan tâm, nhiều di tích trở thành những điểm tham quan, mua sắm cho du khách.

Nhà văn Nguyên Ngọc lo ngại về sự thay đổi chủ nhân của di tích – nhà cổ tại Hội An- Ảnh: Quốc Hải

Tuy nhiên, hàng năm, tình hình sai phạm trong công tác tu bổ di tích vẫn còn xảy ra. Những sai phạm chủ yếu rơi vào các trường hợp như tu bổ không có giấy phép, tu bổ không đúng theo giấy phép được cấp hoặc vi phạm nguyên tắc tu bổ di tích. Các di tích thuộc diện buộc UBND thành phố phải ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính phần lớn do việc khắc phục các hành vi sai phạm chậm so với quy định, ý thức giữ gìn di tích chưa cao, cố tình làm trái với quy định. Thêm vào đó là tình trạng lén lút sửa chữa di tích không phù vợp với nguyên tắc bảo tồn vẫn còn xảy ra.

Những sai phạm trong tu bổ di tích dẫn đến sự thay đổi diện mạo, hình thức kiến trúc, các cấu kiện cấu thành di tích, thay đổi về không gian, chức năng bên trong và cảnh quan xung quanh di tích. Phần lớn các di tích thuộc sở hữu tư nhân, tự kinh doanh hoặc cho thuê kinh doanh có sự can thiệp cải tạo không gian làm ảnh hưởng đến không gian truyền thống di tích và cảnh quan khu phố cổ.

KTS Võ Duy Trung nêu lên những vấn đề đặt ra cho công tác quản lý, tôn tạo khu phố cổ hiện , như sau: “Làm thế nào để giảm thiểu sự thay đổi, biến dạng không gian truyền thống của các di tích, hạn chế nguy cơ cháy nổ và làm gì để nâng cao hơn nữa ý thức giữ gìn di sản trong cộng đồng?. Cảnh quan chung của khu phố cổ hiện nay như thế nào?”

Qua khảo sát thực tế các di tích thuộc các tuyến đường chính trong khu phố cổ cho thấy các không gian bên trong di tích phần lớn đã được chủ di tích hoặc người thuê mặt bằng kinh doanh cải tạo, trang trí, trưng bày hàng hóa và sử dụng không phù hợp với các quy định. Nhiều di tích dùng để kinh doanh sử dụng các loại vật liệu hiện đại, dễ cháy trang trí, trưng bày bên trong di tích; hình thức trưng bày, trang trí hiện đại, không phù hợp với không gian di tích. Thiết bị chiếu sáng nhiều màu sắc, cường độ, mật độ cao; thiết bị sử dụng trưng bày không đúng quy cách, màu sắc theo quy định, che chắn hầu hết không gian của di tích.

Hơn 100 đại diện chủ di tích, cộng tác viên bảo tồn di sản tham gia tọa đàm- Ảnh: Quốc Hải

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến của các chủ di tích, cộng tác viên bảo tồn di sản cho rằng, những năm qua, Hội An đã phát huy được sức mạnh cộng đồng trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích và nâng cao ý thức bảo vệ di sản. Tuy nhiên, để bảo tồn cảnh quan khu phố cổ, thành phố cần có quy hoạch chi tiết hệ thống điện, cây xanh, tích cực sắp xếp việc buôn bán hàng rong, trang trí đèn lồng, đặc biệt là có phương án điều tiết giao thông để giảm áp lực lên đô thị cổ.

Ông Trương Bách Tường đề nghị: “Thành phố cần tổ chức kiểm tra định kỳ hệ thống điện trong từng shop định kỳ 3 hoặc 6 tháng/lần; cảnh quang chung của khu phố cổ hiện chưa đẹp vì có nơi treo quá nhiều đèn lồng, cây xanh cũng phải quy hoạch cho từng địa điểm, vị trí chứ không thể trồng như ở các đô thị mới là cách 5m một cây được. Thêm nữa, dây điện, mạng giăng mắc đầy, gây mất mỹ quan”.

Còn Nhà văn Nguyên Ngọc thì bày tỏ mối quan ngại lớn nhất đối với khu phố cổ Hội An hiện nay như sau: “Hiện nay, chủ nhân của nhiều ngôi nhà – di tích trong khu phố cổ không phải là người Hội An mà là những người ở các địa phương khác đến chủ yếu để buôn bán, họ làm thay đổi văn hóa trong đó. Từ xưa đến nay, nhà của Hội An gắn với cách sống của con người Hội An, mà cái đó thay đổi thì Hội An sẽ mất đi nhiều”.

Liên quan đến công tác bảo tồn cảnh quan Khu phố cổ Hội An, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, việc trưng bày hàng hóa kinh doanh không đúng theo quy định gây mất mỹ quan chung. Nhiều di tích lắp đặt các thiết bị phục vụ cho sinh hoạt và buôn bán như bồn nước, ống khói, điều hòa… làm ảnh hưởng xấu cảnh quan khu phố cổ. Các vị trí mặt tiền di tích bị che chắn, phơi phóng; sử dụng, đặt để các biển hiệu, quảng cáo không đúng quy định gây mất mỹ quan chung.

Thực tế, số lượng các hàng quán vỉa hè, gách hàng rong tăng đột biến thời gian qua đã khiến khu phố cổ trở nên quá tải và xô bồ dẫn đến mất cảnh quan và hình ảnh chung. Mặc dù đề án bố trí kinh doanh, buôn bán hàng rong, vỉa hè đã được triển khai thực hiện nhưng hiện tượng buôn bán vỉa hè vẫn còn tràn lan, chưa theo đề án chung.

Tham gia buổi tọa đàm, Linh mục Trần Minh đề nghị: “Thành phố cho biết đã có phương án gì để ứng phó với biến đổi khí hậu tác động lên Đô thị cổ”. Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng nói:“Theo kịch bản về biến đổi khí hậu thì phố cổ sẽ bị tác động nên kịch bản đưa ra của Sở TN&MT đã quy hoạch đến tất cả các lĩnh vực tại Hội An, trong đó đã có cả phương án ứng phó trong đô thị cổ”.

Thời gian qua, thành phố cũng đã giao cho Trung Tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An nghiên cứu, đánh giá và xây dựng kế hoạch quản lý nguy cơ thảm họa riêng cho khu Di sản thế giới Hội An. Qua phân tích, đánh giá các dữ liệu thu thập được theo phương pháp của UNESCO, Trung Tâm đã xác định 3 mối nguy hiểm chính mà khu di sản Hội An đang đối mặt là hỏa hoạn, lụt và bão.

Với sự giúp đỡ của Văn phòng UNESCO Hà Nội, Cục Di sản văn hóa và các chuyên gia Trung tâm Quốc tế về nghiên cứu Bảo tồn và Bảo quản các tài sản văn hóa, hy vọng, kế hoạch quản lý nguy cơ thảm họa riêng cho khu Di sản thế giới Hội An sẽ được đề xuất và triển khai thực hiện, góp phần quản lý, giám sát tu bổ và bảo tồn cảnh quan Khu phố cổ Hội An./.

Quốc Hải