Với tư cách là Khu Di sản văn hóa thế giới, đô thị cổ Hội An từ nhiều năm nay và mãi đến mai sau luôn được chính quyền và nhân dân thành phố xác định cần phải được giữ gìn và bảo tồn nguyên trạng để tạo động lực và làm hạt nhân phát triển kinh tế – xã hội toàn diện, bền vững cho toàn thành phố.
Là trung tâm của vùng đô thị Hội An, khu phố cổ cần bảo tồn nghiêm ngặt và phát huy tối ưu các giá trị để trở thành nhân tố quyết định cho sự phát triển của thành phố nhưng hiện tại đang phải đối mặt với quá trình phát triển nhanh về kinh tế du lịch – dịch vụ và thương mại. Trong khi đó, dù đã được báo động và cảnh đoán về những nguy cơ cùng những tác hại phức tạp trên nhiều lĩnh vực trong quá trình phát triển nhưng có thể nói đến nay vẫn chưa có được đánh giá một cách khoa học về khả năng chịu đựng và dự lường chính xác sự quá tải của khu di sản phố cổ. Ông Nguyễn Văn Vinh – Phó Chủ tịch HĐND thành phố, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Minh An cho biết: “Những nguy cơ đe dọa đến sự mất còn của khu phố cổ vẫn còn thường trực bởi những biến đổi khắc nghiệt của môi trường tự nhiên như: thiên tai, bão lụt, hỏa hoạn; bởi sự phát triển quá nhanh của xã hội hiện đại đang diễn ra mạnh mẽ hơn, ào ạt hơn, khắc nghiệt hơn, kéo theo đó là nhu cầu về cuộc sống ngày càng đầy đủ tiện nghi; những áp lực cùng những biến động cơ cấu dân cư, mật độ dân số tăng cao, những nguy cơ về ô nhiễm môi trường tự nhiên, biến đổi môi trường xã hội, trật tự đô thị, trưng bày hàng hóa kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập…”.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của chính quyền và cộng đồng cư dân phố cổ trong hàng chục năm qua, nhất là từ khi đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999) nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể hài lòng và chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quy chế quy định của nhà nước các cấp về giữ gìn và phát huy giá trị khu phố cổ nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ, tôn tạo di tích, cảnh quan khu phố thường xuyên được chú trọng nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn và chưa đến đầy đủ các lực lượng có liên quan tham gia hoạt động, hưởng lợi tại phố cổ như: cộng đồng cư dân, các đối tượng kinh doanh dịch vụ du lịch trong và ngoài thành phố cũng như đông đảo du khách gần xa… Để nâng cao hiệu quả, bà Đinh Thị Thu Thủy – Trưởng Phòng TMDL thành phố đề nghị: “Tăng cường hơn nữa công tác quản lý bảo tồn, phát huy giá trị di sản, rà soát, bổ sung các quy định quản lý khu phố cổ về xây dựng, trùng tu, bảo tồn, trật tự kinh doanh, trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm, đặc biệt về vấn đề tổ chức kinh doanh, xây dựng, bảng hiệu, mái che. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tổ chức kiểm soát, đánh giá tác động du lịch từ các tour tham quan, số lượng khách và sức chứa, tác động lên di tích để có hướng điều chỉnh phù hợp”.
Tác động từ du lịch lên phố cổ ngày càng gia tăng, đặt ra nhiều thách thức gay gắt- Ảnh: Đỗ Huấn
Rõ ràng, những tác động từ du lịch lên khu phổ cổ ngày càng gia tăng và đặt ra thách thức gay gắt cho các nhà quản lý. Mâu thuẫn giữa công tác bảo tồn và khai thác, giữa tạo điều kiện để cộng đồng được hưởng lợi và sự xuống cấp di sản đang diễn ra hằng ngày cùng với mối liên hệ “cơm gạo” “sống còn” của những chủ nhân trong lòng “bảo tàng sống” với lượng du khách đến tham quan, khám phá khu phố… luôn thường trực trong suy tư, tính toán của các cấp chính quyền.
Việc bán vé tham quan phố cổ được Hội An chính thức thực hiện từ tháng 10/1995 và qua 20 năm (1995 – 2015), đã có 7,5 triệu lượt vé tham quan được bán ra tại 9 quầy bán vé, nguồn thu mang lại đạt hơn 545 tỷ đồng, đóng góp hơn 391 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước trùng tu, bảo tồn khu di sản. Tỷ lệ đóng góp hơn 70% đã khẳng định hướng đi đúng và bước đầu thành công của chính quyền thành phố trong việc khai thác, phát huy các giá trị di sản để phát triển du lịch, mở ra cơ hội làm ăn cho các thành phần kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng thừa nhận, trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc bán vé tham quan vẫn còn nhiều khiếm khuyết, cần tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi. Theo đó, cùng với việc cải tiến phương thức bán, kiểm soát vé tham quan theo hướng thân thiện, tiện lợi, văn minh (vé điện tử – số hóa), chính quyền thành phố cần rà soát, lập phương án để có kế hoạch đầu tư cải thiện đồng bộ, chất lượng hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch như: điểm bán vé, hệ thống thông tin hướng dẫn tham quan cùng các bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, điểm dừng chân của du khách…
Đồng thời để giảm tải cho đô thị cổ, giải pháp cấp thiết là phải giảm tải áp lực giao thông. Trước mắt cần phân luồng hợp lý, giãn luồng giao thông các phương tiện có trọng tải lớn, cồng kềnh ra khỏi khu vực phố cổ và lân cận phố cổ, mở rộng không gian đi bộ, trả lại không gian yên bình cho du khách và người thưởng ngoạn. Theo một số chuyên gia, Hội An cũng nên khẩn trương nghiên cứu và đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe du lịch và khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông thích hợp (như xe điện) để phục vụ di chuyển khách tiếp cận khu di sản…
Đỗ Huấn