Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tác hại của thuốc lá đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, hiện nay việc nói không với thuốc lá vẫn còn nhiều hạn chế khó khăn, trong đó có nguyên nhân từ những phong tục truyền thống.
Tại một lễ hội đầu xuân trên địa bàn thành phố, bên cạnh những vật cúng thường thấy như xôi, gà, thịt, hoa, quả, bánh kẹo…thì còn có một gói thuốc lá. Hỏi ra mới hay, mỗi năm tới lễ cúng, người dân trong làng thường tự làm lễ vật rồi mang tới nơi cúng tế để dâng lên các bậc anh linh. Năm nay, người dân mang lễ vật cúng có kèm theo cả một bao thuốc lá. Cụ Lê Cảnh (82 tuổi) – một người có nhiều năm làm chủ tế trong lễ cúng của làng cho biết vật cúng là theo lòng thành của dân làng, trong đó có bao thuốc lá, nhưng nếu lễ cúng sang năm có bỏ thuốc lá thì cũng không có vấn đề gì. Cụ Cảnh cho biết thêm: “Thuốc lá thì họ đem tới thôi chứ trong lễ cúng không yêu cầu, họ mang gà tới thì mình cúng gà, họ mang xôi thì mình cúng xôi, mang thuốc lá thì mình cúng thuốc lá. Bởi vì ngày xưa với ông bà mình thì trầu, rượu, thuốc lá là 3 cái món mà họ không bỏ được”.
Có thể thấy việc sử dụng thuốc lá trong các hoạt động tín ngưỡng đã ăn sâu vào trong tâm thức của nhiều người, mặc cho những tác hại đã được chứng minh bằng nghiên cứu khoa học và cả trong thực tiễn. Theo ông Tống Quốc Hưng – Phó Trưởng phòng VH-TT, từ cách đây rất nhiều năm, khi cây thuốc lá xuất hiện và bắt đầu được trồng phổ biến ở Việt Nam thì thói quen hút thuốc cũng dần được hình thành. Nguyên nhân là do các chất có trong thuốc lá có tác dụng kích thích thần kinh, tạo sự hưng phấn nhất định, hơn nữa trong bối cảnh điều kiện sống về mặt tinh thần còn khá nghèo nàn thì việc ngồi hút thuốc và trò chuyện trong lúc làm nông hay trong một hoạt động cộng đồng nào đó cũng trở thành một thú tiêu khiển thường xuyên của nhiều người. Ban đầu là thuốc rê, giai đoạn sau có thêm thuốc lá điếu. Đến khi những người này mất đi, trong lễ cúng giỗ, con cháu lại bỏ một bao thuốc lên bàn cúng hặc đốt một điếu thuốc găm vào bát hương trên bàn thờ để nhớ đến người quá cố. Dần dần, thuốc lá trở thành vật cúng khá phổ biến, không chỉ trong các lễ hội mà cả trong hoạt động cúng tế tại cộng đồng dân cư hay tại gia đình. Rồi ở đám cưới, đám tang, thuốc lá cũng khá phổ biến. Ngày xưa, dân gian có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện” thì ngày nay điếu thuốc lá lại đóng vai trò mở đầu câu chuyện. Gặp nhau lần đầu thì mời điếu thuốc để làm quen và thể hiện sự lịch sự, lâu ngày anh em, bạn bè gặp nhau cũng mời điếu thuốc lá, trong quan hệ công việc nhiều khi cũng không thể thiếu thuốc lá…
Lễ hội không thuốc lá là một chủ trương đúng cần được phát huy rộng rãi- Ảnh: Minh Vũ
Để góp phần xây dựng thành công “Thành phố du lịch không khói thuốc lá” hướng đến ‘Thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch”, nhiều năm qua, BCĐ xây dựng Hội An thành phố văn hóa cũng như các địa phương đã vận động không sử dụng thuốc lá trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng. Tuy nhiên, bên cạnh một vài điểm sáng, thì nhìn chung đến nay, việc phát động vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng tích cực và rộng khắp. Ông Nguyễn Như Thương – Phó Trưởng phòng VH-TT, Cơ quan trực BCĐ Xây dựng Hội An – Thành phố văn hóa cho biết thêm:“Thực hiện chương trình “Xây dựng Hội An – Thành phố du lịch không khói thuốc lá”, BCĐ “Xây dựng Hội An – Thành phố văn hóa” đã có chủ trương phát động các tộc họ, các khu dân cư nói không với thuốc lá trong các hoạt động lễ hội, trong đám tang, đám cưới. Tuy nhiên đến nay, phong trào này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, cần có sự tuyên truyền kiên quyết hơn, thường xuyên hơn”.
Những phong tục truyền thống đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Hội An nói riêng. Nhưng trong cuộc sống ngày nay, những phong tục văn hóa truyền thống ấy chỉ nên được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ nếu thực sự mang lại những giá trị tốt đẹp chung cho cả cộng đồng. Thiết nghĩ đã đến lúc những người tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng nói chung và mỗi chúng ta hãy đưa thuốc lá ra khỏi những phong tục truyền thống để hướng đến một môi trường trong lành và bảo vệ sức khỏe cho mỗi người.
Phan Sơn