Trước tình hình phát triển các dịch vụ du lịch tự phát ở xã Cẩm Thanh, chủ yếu tại 2 thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Đông, Sở VH-TT&DL, Ban KTXH HĐND thành phố và UBND thành phố Hội An vừa họp bàn giải pháp chấn chỉnh.
Theo đó, nguyên nhân gây nhếch nhác, mất trật tự và tác động tiêu cực đến tài nguyên sinh thái của rừng dừa Bảy Mẫu – Cẩm Thanh là do công tác quản lý Nhà nước về du lịch của địa phương còn lỏng lẻo, sự phối hợp giữa địa phương và các ngành thiếu chặt chẽ, nhận thức của các hộ và doanh nghiệp về du lịch cộng đồng chưa cao và chạy theo lợi nhuận, bất chấp hậu quả.
Vì vậy, để chấn chỉnh, ngoài việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, UBND xã Cẩm Thanh phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra. Trước mắt, chấm dứt ngay các hành vi bẻ lá dừa, đánh băt thủy sản trong rừng dừa, không sử dụng cò mồi, không dùng loa gây huyên náo hoặc tổ chức múa thúng. Lắp đặt 2 bảng nội quy hoạt động. Củng cố Ban quản lý Du lịch cộng đồng, yêu cầu tất cả các hộ kinh doanh phải ký cam kết chấp hành quy định về vệ sinh môi trường, an toàn giao thông và các quy định về hoạt động dịch vụ du lịch với chế tài đủ mạnh.
Nhiều quy định được áp dụng bảo vệ môi trường sinh thái- Ảnh: Quốc Hải
Thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng phương án bán vé tham quan di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu – Cẩm Thanh, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tâng và tăng cường công tác quản lý khu vực này.
Hiện đã có hơn 110 hộ dân của 2 thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Đông tham gia hoạt động du lịch, chủ yếu chèo thuyền thúng chuyên chở khách tham quan rừng dừa, mang lại thu nhập bình quân mỗi tháng 2 – 4 triệu đồng/người. Năm 2012 tại đây chỉ có 30 thúng nhưng đến cuối năm 2016 đã có đến 200 chiếc./.
Quốc Hải