Biên tập bài viết phát thanh

VTVTC: Truyền hình ra đời sau phát thanh nên nó tiếp thu phương pháp của loại hình báo chí trước nó. Đặc biệt cách viết tin, phóng sự của phát thanh khá gần gũi với cách viết của truyền hình. Bài viết ” Biên tập bài viết phát thanh” đăng trên tạp chí Người làm báo Điện Biên số 6 + 7/ 2013 của nhà báo Vũ Quang là chia sẻ của một người làm đào tạo truyền hình cùng đồng nghiệp.

 Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu về những đặc tính của phát thanh. Đặc tính thứ nhất là sự quảng bá vì sự phủ sóng trên phạm vi quốc gia và quốc tế. đó là tờ báo điện tử “ Không cần giấy” “ Không có khoảng cách”. Đặc tính thứ hai là sự cùng lúc, đồng thời. Đặc tính này tạo ra thông tin trung thực làm người nghe bị lôi cuốn hấp dẫn. Đặc tính thứ ba là đối tượng tiếp nhận là người nghe nên trí tưởng tượng, sự liên tưởng của đối tượng vô cùng phong phú. Đây là đặc tính quan trong để những người làm phát thanh đi sâu nghiên cứu tâm lý, nhu cầu, sở thích nhằm sản xuất những chương trình có lương thông tin cao, có nội dung bổ ích và hấp dẫn người nghe.

Trong phát thanh người ta sử dụng ba loại ký hiệu là  ngôn ngữ ( lời nói), âm nhạc và tiếng động để thông tin. Việc sản xuất các chương trình là quá trình mã hóa các ký hiệu nói trên.

Ngôn ngữ tự nhiên là phương tiện hoàn hảo nhất, tin cậy nhất của con người. Ngôn ngữ  làm tốt nhất chức năng giao tiếp và thông tin hơn bất cứ hệ thống tín hiệu nào.Ngôn ngữ ( lời nói) có thể biểu đạt một cách tiết kiệm nhất các sự vật hiện tượng của thế giới ( bao gồm cả tự nhiên và xã hội, đồng thời thể hiện những sắc thái tinh tế nhất về tình cảm và tư tưởng của con người.

 Âm nhạc là ký hiệu âm thanh thứ hai trong truyền thông radio. Âm nhạc với tiết tấu, giai điệu, âm sắc, cao độ, trường độ mang giá trị thông tin. Trong phát thanh thường sử dụng nhạc cắt, nhạc nền, nhạc nổi, nhạc minh họa, nhạc giải trí, nhạc chủ đề…

Tiếng động là ký hiệu âm thanh thứ ba trong phát thanh. Mỗi tiếng động trong cuộc sống đều có giá trị thông tin. Lượng thông tin của tiếng động phụ thuộc vào cường độ, trường độ, độ rõ nét, sự gợi cảm của nó. Tiếng động do con người tạo ra do bắt trước thiên nhiên và xã hội đôi khi mang lại lượng thông tin, chất chân thực nhiều hơn tiếng động thực tế của cuộc sống.

Phương pháp làm phát thanh.

Phương pháp cho nghề phát thanh có một nguyên tắc căn bản và chi phối toàn bộ quá trình tác nghiệp là “ Viết cho tai nghe chứ không để cho mắt nhìn; Viết để nói chứ không phải viết để đọc”.

Có bốn điểm then chốt xung quanh việc sản xuất chương trình phát thanh là:

– Không phải là văn chương viết mà là lời nói, phương ngôn, thành ngữ.

– Phát thanh là người nói với người nên là thông tin, là thông báo cho biết chứ không phải là diễn thuyết hùng hồn.

– Chương trình để nghe nên nó phải dễ hiểu, cần được hiểu ngay lập tức.

– Chương trình chỉ có âm thanh nên toàn bộ ý nghĩa phải được thông qua lời nói và giọng nói.

Vì thế người làm phát thanh phải nắm phương pháp viết cho phát thanh. Dùng văn nói là sử dụng ngôn ngữ sinh động hàng ngày, lời nói tự nhiên, những từ mà mình biết rõ ý nghĩa trong vốn từ vựng giao tiếp thông thường. Chính vì vậy bạn nên suy nghĩ, nói lên rồi hãy viết. Nên tránh khuôn sáo, khô cứng và tiếng loóng trong viết cho phát thanh.

Ví dụ văn viết: “ Ông Thủ tướng hôm nay đã tuyên bố rằng: Nền kinh tế đất nước đang phát triển một cách tốt đẹp..”

Văn nói: Hôm nay, ông Thủ tướng nói rằng: nền kinh tế đất nước đang phát triển một cách tốt đẹp…”

Người làm phát thanh phải chú ý đến dùng nhiều đoản ngữ, thành ngữ, phương ngôn, tiếng đệm…

Chúng ta phải làm cho người nghe có cảm giác là sự kiện đang xảy ra, vừa xảy ra chính vì thế chúng ta nên sử dụng thì hiện tại của đông từ.Tránh sử dụng bằng thì quá khứ đã. Hơn thế nó làm cho tin bài của bạn luôn nóng hổiChúng ta luôn luôn thân mật là phương pháp thứ ba sau các phương pháp dùng lối văn nói, phải luôn luôn nóng hổi.  Viết cho phát thanh không phải lối viết để thuyết giảng, hùng biện mà phải là câu chuyện thân mật giữa  tôi và bạn tuy nhiên tránh sự tùy tiện.

Phương pháp thứ tư là viết cho người nghe chỉ một lần vì vậy cần viết rõ ràng, hiểu ngay từ đầu không mơ hồ. Câu văn có kết cấu chủ vị đơn giản, ngắn gọn không nhiều mệnh đề rắc rối. Câu trong phát thanh nên viết mỗi câu một mệnh đề.

Ví dụ văn viết: “ Do ảnh hưởng của cơn bão số 6, trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã xảy ra mưa lớn, làm sập và cuốn trôi 188 ngôi nhà, 18 người bị chết và mất tích, 15 người bị thương; trên 200km đường giao thông và 30 chiếc cầu bị hư hỏng; gần 8000ha lúa và hoa màu bị hư hại..ước tính thiệt hại khoảng 40 tỷ 600 triệu đồng…”

Văn nói:”Trong tháng 10, cơn bão số 6 gây mưa ở tỉnh Phú Yên làm thiệt hại ước tính 40 tỷ 600 triệu đồng. 18 người chết và mất tích. 15 người bị thương. Gần 200 ngôi nhà bị sập nước cuốn trôi. Hơn 200 km đường và 30 chiếc cầu bị hư hỏng…”

Biên tập bài viết phát thanh – Ảnh: Internet

Phát thanh chỉ có phương tiện âm thanh để diễn đạt chính vì thế viết cho phát thanh phải chọn lựa những từ giàu hình ảnh, hình tượng âm thanh. Chúng ta có thể dùng phương pháp ẩn dụ, tránh mập mờ. Riêng về con số phải được làm tròn và không nên dùng quá 3 con số trong một tin phát thanh.

Chúng ta cần gây ấn tượng mạnh cho người nghe ngay từ những giây phút đầu tiên bời lời nói, âm nhạc, tiếng động.

Ví dụ : Văn viết: “ Huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Dương có 38 xã, 10 tháng qua đã có 14.676 hộ nông dân của 34 xã được vay 6540 triệu đồng của nhà nước để phát triển sản xuất và đẩy mạnh chăn nuôi. Bình quân mỗi hộ đã vay được 500.000 đồng”

Văn nói: “ 10 tháng qua gần 15.000 hộ nông dân thuộc 34 xã của huyện Mỹ Văn tỉnh Hải Dương đã dược vay hơn 6500 triệu đồng của nhà nước để phát triển sản xuất và đẩy mạnh chăn nuôi. Bình quân mỗi hộ đã  được vay khoảng 500.000 đồng”

Có một chuyên gia phát thanh nói: “ Phát thanh là nghệ thuật truyền thông phải làm hiểu ngay khi nghe lần đầu”.

 Cấu trúc văn bản phát thanh như thế nào? Để có một văn bản tốt người làm phát thanh nên sử dụng những thủ thuật nghề nghiệp sau:

Dùng máy ghi âm ghi lại những lời nói của mình về một vấn đề nào đó mà mình đã suy nghĩ và sắp xếp thành nội dung trong đầu hoặc trên giấy chặt chẽ.. Sau đó nghe lại và viết ra giấy băng ghi âm để có được nội dung văn bản phát thanh.

Viết từng câu một là đặc điểm của cách viết phát thanh.Quá trình đó như sau: Suy nghĩ – nói nên thành lời- viết một, hai câu rồi quay lại quy trình cho đến hết văn bản.

Rõ ràng và chính xác là yêu cầu đối với một văn bản phát thanh. Ý nghĩa , nội dung của văn bản phát thanh phải rõ ràng, dễ hiểu để thính giả có thể nhớ ngay lại những điều họ đã nghe.

Văn bản phải là những câu đơn giản, thân mật như nói chuyện với một người thân thiết.Cần hạn chế những thuật ngữ khó và những con số phức tạp.

Viết cho mình nói cần viết sự thật, trung thực và giản dị. Tuy nhiên để hấp dẫn khán giả cần có nhiều thông tin quan trọng.

Tránh những lỗi trong khi nói như nói với giọng kẻ cả, phê phán. Tránh xúc phạm đến văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo của bạn nghe đài. Bạn nên thể hiện lối nói bình đẳng, ngang hàng và tránh viết những vấn đề quá tầm của mình.

 Biên tập bài viết phát thanh như thế nào? Văn bản của một bài viết phát thanh tốt là một văn bản có lượng thông tin phong phú, có minh họa từ những nghiên cứu và những thông tin khai thác được cùng những trải nghiệm của người viết.

Văn bản phát thanh cần ngắn gọn, dễ hiểu đi sâu vào những điểm chính của chủ đề, có tính thân mật hướng vào một người, một nhóm người, một địa phương nào đó.

Động từ là công cụ chính trong văn nói. Chính động từ gợi lên diễn biến, tốc độ của sự kiện.Vì thế người làm phát thanh luôn phải suy nghĩ, tìm tòi để sử dụng động từ trong văn bản.

Ví dụ : “ Một trận động đất dữ dội đã làm rung chuyển một vùng rộng lớn của quần đảo Niu Ghi Nê.Tại Ra -ba -un, những con đường chính của thành phố căng phồng lên và nứt toác ra vì gặp một chấn động lớn ngay lúc 4 giờ. Hàng chục trẻ em đang chơi dọc bờ biển vội nhảy xuống nước đẻ tránh hàng tấn đất đá lao vun vút từ trên đỉnh núi xuống ngang qua con đường chạy đến chỗ chúng”.

Trong văn bản phát thanh, tính từ không có nhiều tác dụng vì nó làm chậm tốc độ, cản trở sự truyền đạt và nhận thức. Tránh dùng những tính từ trì tượng, mơ hồ như: To lớn, mênh mông, khổng lồ, đồ sộ…Nên sử dụng động từ thể chủ động và thì hiện tại trong văn bản.

Ví dụ: Động từ thể chủ động

Văn viết: “ Các quầy bán báo đã mọc ra nhiều thêm bởi các đại lý ở các khu trọng điểm của thành phố Hà Giang”.

Văn nói:  “Các đại lý ở các khu trọng điểm của thành phố Hà giang vừa mở thêm nhiều quầy bán báo”.

Động từ thì hiện tại.

Văn viết “ Bộ trưởng Bộ năng lượng đã công bố rằng công trình đường dây tải điện 500kv sẽ hoàn thành vào năm 1995”.

Văn nói: “ Bộ trưởng Bộ năng lượng vừa nói rằng đường dây tải điện 500kv được hoàn thành vào năm 1995”.

Khi nói về sự kiện trong tương lai văn bản phát thanh thường dùng từ sắp hơn là từ sẽ.  Trong văn nói chúng ta cố gắng tránh dùng thể phủ định vì người nghe có thể bị nhầm lẫn. Cách tốt nhất là chúng ta biến thể phủ định sang thể khẳng định.

Ví dụ: Văn viết: “ Bộ Lâm nghiệp cho biết rằng những người khai thác lâm sản từ nay trở đi sẽ không bị cấm chặt đốn cây ở khu rừng X”.

Văn nói: “ Những người khai thác lâm sản từ nay được chặt đốn cây ở khu rừng X. Đó là thông báo của Bộ Lâm nghiệp.

                                                                                      Vũ Quang – VTV

Danh mụcChưa phân loại