Sáng ngày 21/4, UBND thành phố Hội An tổ chức lễ đón bằng xếp hạng di tích cấp Tỉnh đối với di tích kiến trúc nghệ thuật Văn chỉ Minh Hương (Văn Thánh miếu Minh Hương), ở số 20 đường Phan Châu Trinh, phường Minh An.

Văn chỉ Minh Hương là di tích kiến trúc nghệ thuật, đồng thời là một trong những thiết chế văn hóa tín ngưỡng quan trọng của làng Minh Hương tại Hội An được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ 19. Tại nhà Tây di tích hiện còn lưu giữ tấm bia đá rất quý giá do Tiến sĩ Đặng Huy Trứ đề bút niên đại 1871 đã cho biết Văn chỉ Minh Hương được khởi dựng vào năm 1867 và hoàn thành vào năm 1868. Di tích là nơi cung cấp những tư liệu quý giá về quá trình hình thành và phát triển của làng Minh Hương; vai trò cộng đồng làng Minh Hương ở Hội An cũng như sự phát triển của thương cảng Hội An qua nhiều thế kỷ. Trong quá khứ, Văn chỉ Minh Hương đã trải qua nhiều trùng tu vào các năm 1911, 1937, 1998, 2000, 2019.

Hồ sơ khoa học di tích Văn chỉ Minh Hương được UBND thành phố Hội An giao Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An chủ trì xây dựng. Qua nghiên cứu, những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc của di tích đã được nhận diện là tiêu biểu để UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định xếp hạng Văn Chỉ Minh Hương là di tích cấp Tỉnh vào ngày 5/1/2023.

Ông Quảng Văn Quý – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, cho biết:“Trải qua hơn 150 năm xây dựng, tuy đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng Văn chỉ Minh Hương vẫn giữ được kiến trúc truyền thống với vẻ đẹp tôn nghiêm, góp phần làm phong phú loại hình kiến trúc văn hoá tín ngưỡng nói chung, miếu thờ nói riêng tại Hội An. Sự hiện diện của di tích Văn chỉ Minh Hương góp phần tạo nên giá trị đặc sắc của di tích quốc gia đặc biệt – Di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An. Không chỉ về giá trị vật thể, di tích là minh chứng cho truyền thống hiếu học, khoa bảng, tôn sư trọng đạo của cư dân Hội An nói riêng, cư dân Quảng Nam nói chung trong lịch sử. Những truyền thống tốt đẹp ấy đã và đang được gìn giữ, tiếp tục vun đắp tô bồi cho cả mai sau”.

Tọa lạc tại khối phố An Thái, phường Minh An, di tích thờ Khổng Tử, Tứ Phối, Thất thập nhị hiền và các vị khoa bảng làng Minh Hương. Di tích là nguồn tư liệu thực địa nghiên cứu về làng Minh Hương cũng như đô thị thương cảng quốc tế Hội An trong lịch sử, nơi bảo lưu và phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng, tôn sư trọng đạo. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị đặc biệt, lưu giữ nhiều dấu tích như: Bức hoành “Nan ư hải giả nan vi thủy” niên đại 1868, lưu bút của Giải nguyên khoa Đinh Mùi Đặng Huy Trứ và tấm bia đá do ông soạn năm 1871; xà cò có niên đại Duy Tân thứ 5 (1911), cặp câu đối chữ Hán Nôm tại cổng niên đại Bảo Đại thứ 12 (1937),…
Bố cục tổng thể di tích gồm có tường rào, cổng ngõ, sân trước, bình phong, chính điện và nhà Tây. Hạng mục cổng được xây theo kiểu thức tam quan, trang trí các đồ án như hoa sen, “Lý ngư hóa long” bằng kỹ thuật đắp nổi chất liệu vữa vôi và vẽ màu. Các trụ biểu được đắp nổi các câu đối Hán Nôm được trích từ các kinh điển của Nho giáo. Án ngữ ở giữa sân là hạng mục bình phong được tạo hình đỉnh hương và song bình. Chính giữa các mặt bình phong được đắp nổi chữ Thọ theo thủ bút Triện thư dạng tròn, hai bên được đắp nổi thành hình tượng 08 quẻ đơn trong kinh dịch bát quái, gồm: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.
Hạng mục nhà Tây có kết cấu ba gian hai chái, 3 lòng, mái lợp ngói âm dương. Bờ nóc được trang trí các đồ án hồi văn, cụm mây, dây lá với đường nét mềm mại, uyển chuyển. Trên tường biên phía Bắc hiện còn lưu giữ 2 văn bia niên đại Tự Đức thứ 21 (1868) và Tự Đức thứ 24 (1871) khắc ghi danh tính các vị đóng góp kinh phí xây dựng Văn chỉ.
Chính điện là hạng mục chứa đựng các giá trị tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc, được xây theo kiểu thức ba gian, lại có hai nếp kiến trúc chỉ gồm một nếp mái để phân chia thành hai không gian chức năng. Nếp nhà trước có kết cấu ba gian, hệ vì kèo kiến trúc dạng chồng rường giả thủ. Hai cạnh mặt tiền tường biên được đắp nổi thành các ô hộc trang trí chữ Thọ và các đồ án bát bửu và cặp câu đối Hán Nôm. Nếp nhà sau là không gian thờ tự, gồm có ba gian, ba dãy cột…

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố, nói: “Chính quyền thành phố ghi nhận nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng đã tham gia vào công tác quản lý, bảo tồn di tích trong thời gian qua. Tôi đề nghị các ban ngành địa phương và cộng đồng tiếp tục chung tay triển khai tốt các nhiệm vụ bảo vệ di tích, huy động các nguồn lực để chăm nom di tích, chú trọng phát huy chức năng tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục phù hợp, góp phần kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học tại địa phương…”
Đến nay, thành phố Hội An có tổng cộng 49 di tích cấp Tỉnh, riêng di tích liên quan đến truyền thống nho học, vinh danh khoa cử ở Hội An hiện có 3 công trình là Văn chỉ Cẩm Phô, Không Tử miếu – Đài danh nhân chí sĩ Quảng Nam và Văn chỉ Minh Hương.
“Hôm nay, thay mặt cho những người Hội An luôn gắn bó và yêu thương phố thị quê mình, xin trân trọng gửi đến quý vị lòng biết ơn sâu sắc và hứa sẽ biến lòng biết ơn đó thành hành động cụ thể trong việc trân trọng bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích. Xin cảm ơn !” – Ông Trần Đình Thọ – Đại diện cho cộng đồng địa phương và tổ quản lý di tích Văn chỉ Minh Hương, nói./.
QUỐC HẢI