Việc phát huy lợi thế truyền thống và nền tảng giá trị, văn hóa của địa phương để xúc tiến các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là cách mà cộng đồng, trong đó có tuổi trẻ thành phố đã và đang chia sẻ, bổ sung, tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp Hội An.

Dấu ấn từ tuổi trẻ phố Hội
Dự án “Thúc đẩy đổi mới của giới trẻ và cộng đồng vì phát triển đô thị bền vững” do quỹ Fondation Botnar (Thụy Sĩ) tài trợ thông qua Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, gọi tắt là UN-Habitat, cơ quan của Liên Hợp Quốc về phát triển khu dân cư và đô thị bền vững được thực hiện trong hai năm 2024 và 2025 tại TP.Tam Kỳ và TP.Hội An với kinh phí khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Trong đó có các hoạt động nhằm trang bị các kỹ năng thế kỷ 21 cho thanh niên như tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả và làm việc theo nhóm; tìm hiểu về khởi nghiệp, tham gia các cuộc thi ý tưởng và học hỏi từ những người thành công.
Ông Kiều Việt Cường, đại diện của UN-Habitat tại Việt Nam chia sẻ: “Theo Liên Hiệp quốc, sự tham gia tích cực của thanh niên trong các nỗ lực phát triển bền vững là trọng tâm để tạo ra các mục tiêu bao trùm và thanh niên có thể tạo ra những thay đổi đáng kinh ngạc trong vấn đề toàn cầu mà mọi người có thể nhìn thấy từ biến đổi khí hậu”.
Nghiên cứu của dự án đã ghi nhận được 201 sáng kiến đổi mới sáng tạo và Hội An đâ có 43 sáng kiến. Trong đó, khoảng 80% là các giải pháp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trải rộng trên các lĩnh vực như công nghệ thông tin, nông nghiệp bền vững, du lịch cộng đồng và năng lượng tái tạo; 20% là các sáng kiến thể hiện sự kết nối cộng đồng mạnh mẽ, đặc biệt tập trung ở khu vực Hội An.
Tháng 7/2024, HĐND TP.Hội An khóa XII đã thông qua Đề án “Xây dựng Hội An – Thành phố sáng tạo giai đoạn 2024-2027, định hướng đến năm 2030”, chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng, trong đó có thanh niên, sinh viên, học sinh tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước về khởi nghiệp sáng tạo.

Xác định đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, những năm qua, các cấp bộ đoàn, hội trên địa bàn thành phố đã tập trung hỗ trợ lực lượng đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực, với những việc làm cụ thể.
Anh Nguyễn Thanh Vũ – Bí thư Thành đoàn Hội An cho biết: “Thành đoàn Hội An đã triển khai cho cơ sở tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ nhiều sản phẩm tham gia hồ sơ đăng ký đạt chuẩn OCOP đồng thời hỗ trợ trên 200 triệu đồng cho các dự án khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương. Thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động để vận động, khuyến khích đoàn viên thanh niên tham gia phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng; nổi bật nhất là chương trình toạ đàm “Con đường khởi nghiệp”; chợ phiên thanh niên, chương trình “Ngày hội việc làm và khởi nghiệp”…
Phát huy giá trị văn hóa bản địa
Không chỉ đối với tuổi trẻ thành phố, thời gian qua, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Hội An đều hướng tới việc phát huy giá trị văn hóa bản địa, gìn giữ môi trường sinh thái, liên kết để làm du lịch cộng đồng.

Đơn cử như chị Nguyễn Thị Phúc ở xã Cẩm Hà, nhiều năm khởi nghiệp với dự án Phúc Nguyễn Rose, chị tiếp tục ra mắt “Mô hình du lịch cộng đồng trong làng nghề truyền thống trồng quật”, được UBND tỉnh công nhận và công bố đồng giải Ba trong các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo năm 2024.
Nguyễn Thị Phúc nói:“Phúc Nguyễn Rose bắt đầu khởi nghiệp từ hoa hồng, tuy nhiên trên chặng đường khởi nghiệp tôi biết cây quật đất là cây bản địa của quê hương nên từ đó phát triển cây quật và các sản phẩm quật ra đời. Đây là sản phẩm tốt cho sức khỏe và hỗ trợ bà con nông dan có đầu ra ổn định.”
Năm 2024, tại Hội An có hàng chục sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó nhiều sản phẩm đạt từ 3 sao đến 4 sao và hầu hết đều phát triển nương tựa vào thiên nhiên cùng các giá trị bản địa.
Hiện đã có hàng chục mô hình du lịch xanh thí điểm thực hiện thành công tại Hội An; trên 60 doanh nghiệp ký cam kết không rác thải, phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 70 – 100 đơn vị có chứng nhận Nhãn du lịch xanh.
“Trong thời gian qua khi mô hình khởi nghiệp được lan tỏa cả nước, đặc biệt ở Hội An, trên đà phát triển về du lịch rất tốt thì phần lớn đều dựa vào văn hóa và truyền thống, khôi phục lại những làng nghề đang có như làng gốm, làng mộc, đan chiếu, những nghề may, nghề dệt… Trên đà đó thì hầu như các bạn trẻ đều hướng vào mục tiêu và định hướng mà thành phố đã đặt ra là du lịch sinh thái trên nền tảng của làng nghề và văn hóa” – Ông Lê Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.Hội An nói.
Rõ ràng, việc phát huy lợi thế truyền thống và nền tảng giá trị, văn hóa của địa phương để xúc tiến các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là cách mà cộng đồng, trong đó có tuổi trẻ thành phố đã và đang chia sẻ, bổ sung, tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp Hội An./.
QUỐC HẢI