Triển khai Đề án 500 tại Hội An: Còn nhiều cái khó

24/30 học viên được đứng vào hàng ngũ của Đảng và 28 học viên được cấp ủy giới thiệu và quy hoạch vào các chức danh dự nguồn trong nhiệm kỳ đến nhưng việc bố trí công tác cho học viên sau đào tạo đang gặp rất nhiều khó khăn.

Khó từ “đầu ra”

Được bầu làm Bí thư Đoàn phường Cửa Đại từ tháng 5 vừa qua, chị Đinh Thị Nhân là 1 trong 30 học viên của Đề án tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2016 (gọi tắt là Đề án 500) tại TP. Hội An.

“Chúng tôi tuổi đời còn nhỏ, kinh nghiệm thực tế trong công tác ít nên luôn cần có sự dìu dắt, giúp đỡ của cán bộ, anh chị em đi trước. Nguyện vọng của chúng tôi là được các đồng chí lãnh đạo phân công nhiệm vụ nhiều hơn nữa để có cơ hội thể hiện khả năng” – chị Đinh Thị Nhân chia sẻ.

Là xã có 4 học viên Đề án 500, bà Nguyễn Thị Vân – Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh cho biết, để hỗ trợ các học viên, địa phương sẵn sàng phân công thêm công việc, tạo điều kiện cho học viên cọ xát thực tế. Tuy nhiên, bất cập hiện nay chính là sự chênh lệch về mặt thu nhập giữa học viên Đề án đang được bố trí chức danh bán chuyên trách với cán bộ tại địa phương.

“Do hết định biên nên có học viên Đề án được bố trí công việc như cấp phó Phụ nữ hoặc phó Đoàn xã, đều là bán chuyên trách nhưng mức lương cao hơn. Nếu học viên Đề án làm tốt nhiệm vụ, năng nổ thì không nói chi chứ nếu làm ì ạch thì không khỏi tác động đến tư tưởng của các cán bộ bán chuyên trách lâu năm” – Bà Vân nói.

Việc bố trí công tác cho học viên tại Hội An đang gặp nhiều cái khó- Ảnh: Quốc Hải

Còn tại phường Tân An hiện có 3 học viên đang công tác. Theo đánh giá của ông Trần Lộc – Bí thư Đảng ủy thì cả 3 học viên đều rất quyết tâm làm tốt công việc. Tuy nhiên, việc biên chế theo Nghị định 92 của Chính phủ tại Tân An đến nay đã hết nên chưa thể bố trí được, thêm vào đó, việc bố trí học viên Đề án theo đúng chuyên ngành đã học cũng gặp không ít khó khăn.

“Một học viên đã được bố trí vào công chức Văn phòng – Thống kê nhưng 2 học viên còn lại chưa có đầu ra. Việc bố trí đúng chuyên ngành là khó. Có một học viên học chuyên ngành Hóa Dầu thì phường chúng tôi biết bố trí vào đâu, trong khi đó, quy định của Đề án là không quá 2 năm phải bổ nhiệm.” – Ông Lộc băn khoăn.

Không có “phương thuốc vạn năng”

Thực tế tại 13 xã – phường trên địa bàn thành phố Hội An, việc bố trí công tác cho học viên Đề án 500 sau đào tạo gặp không ít khó khăn do chuyên ngành đào tạo không phù hợp với các chức danh công chức cấp xã. Thêm vào đó, một số địa phương đã sử dụng hết chỉ tiêu biên chế theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ nên chưa thể bố trí học viên vào các chức danh công chức.

Hội An sơ kết 5 năm thực hiện Đề án- Ảnh: Quốc Hải

Ông Huỳnh Kim Sinh – Trưởng Phòng Nội vụ thành phố thừa nhận, học viên Đề án 500 khi về công tác tại các xã, phường đã góp phần bổ sung nguồn cán bộ trẻ cho các địa phương. “ Tuy nhiên, chính sách thu hút của Đề án 500 cao nên có sự chênh lệch lớn giữa mức lương của cán bộ, công chức đã công tác tại địa phương (cũng có bằng đại học chính quy và công tác lâu năm) với học viên Đề án 500, ảnh hưởng đến tâm lý chung của cán bộ, công chức cấp xã” – Ông Sinh nói.

Thêm vào đó, các học viên tham gia Đề án đều là sinh viên mới ra trường nên chưa có kinh nghiệm thực tiễn công tác, họ vừa làm vừa học nên chưa mạnh dạn trong tham mưu cho lãnh đạo trên lĩnh vực được phân công.

Thậm chí, một số ít học viên còn có tư tưởng chủ quan, ỷ lại và thiếu cầu tiến trong công việc nên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao còn hạn chế. Cá biệt, có trường hợp do thiếu rèn luyện, tu dưỡng trong học tập, công tác, có biểu hiện tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao đến mức phải xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

Ông Nguyễn Ưng – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho hay, 5 năm là quá ngắn để đánh giá đội ngũ cán bộ được đào tạo theo diện này. Trong khi đó, các học viên còn trẻ, được đào tạo bài bản nhưng có học viên đã thể hiện sự chủ quan, thỏa mãn, dẫn đến sai lầm phải bị xử lý kỷ luật.

“Hiện trong 30 học viên được bố trí vào các chức danh có phù hợp với trình độ chuyên môn hay không ? Tôi thấy, một trong những căn bệnh trong hệ thống cán bộ chúng ta là bố trí cán bộ không đúng với trình độ chuyên môn đã học, cho nên gặp rất nhiều khó khăn. Các học viên đã học Trung cấp Chính trị 12 tháng nhưng tôi lưu ý là đừng lấy cái bằng Chính trị như một “phương thuốc vạn năng” để làm ở cương vị nào, lĩnh vực nào cũng được cả. Điều đó là hết sức sai trong việc bố trí cán bộ !” – Ông Nguyễn Ưng – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nói.

Quốc Hải

“Tại thành phố Hội An có 30 học viên tham gia 3 khóa học tập, rèn luyện với kết quả 9 học viên xếp loại giỏi và 21 học viên xếp loại khá, trong đó có 2 học viên được HĐND xã, phường nhiệm kỳ 2016-2021 bầu giữ chức danh PCT 2 xã, phường trọng yếu của TP. Hội An là Minh An và Tân Hiệp. Cùng với đó, 19 học viên của Đề án được UBND thành phố bổ nhiệm vào công chức cùng 9 học viên khác được bổ nhiệm các chức danh không chuyên trách”.