Khai thác tư liệu về đời sống của cộng đồng từ trong ký ức là một cách mà TP. Hội An đang làm để lưu giữ và bảo tồn những giá trị vô giá của di sản văn hóa.
Hữu hình hóa di sản
Trong một buổi học ngoại khóa, học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh được đưa đến tham quan Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An tại nhà số 33 đường Nguyễn Thái Học để khám phá những “Sinh hoạt dân gian truyền thống”, “Nghề truyền thống”, “Nghệ thuật diễn xướng dân gian” và “Nghệ thuật tạo hình dân gian” của Hội An.
Em Quốc Huy, học sinh của nhà trường bày tỏ suy nghĩ của mình khi lần đầu tiên được đến đây, như sau:“Đến tham gia Bảo tàng con thấy rất là vui, con rất là muốn dẫn các bạn và nói ba mẹ dẫn đến đây chơi và tham quan. Vì con rất là thích những làng nghề truyền thống của Hội An”.
Mở đầu buổi học, nhân viên Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An giới thiệu với học sinh về các chủ đề sẽ cùng nhau khám phá. Đầu tiên là thấy và nghe thuyết minh về không gian ngôi nhà cổ, trang phục của người Hoa và người Việt tại Hội An, tìm hiểu về nghề nông và nghề sông nước; sau đó tìm hiểu các loại hình nghệ thuật dân gian như hô hát bài chòi, mắt cửa trong các ngôi nhà cổ,… Học sinh còn tận mắt chứng kiến các nghệ nhân biểu diễn và giới thiệu các nghề truyền thống của địa phương.
Học sinh khám phá Bảo tàng- Ảnh: Quốc Hải
Cùng đưa học sinh đến Bảo tàng, cô giáo Nguyễn Thị Lệ Hồng cho rằng, đây là hoạt động rất hữu ích, giúp cho học sinh trải nghiệm, hiểu thêm về những kiến thức đã học trong nhà trường.“Khi đưa các em đến tham quan Bảo tàng VHDG Hội An thì thấy rất là thú vị vì các em học ở lớp thì các em cũng hiểu biết ít nhiều nhưng đó chỉ là trên lý thuyết. Khi đến đây các em mới tận mắt nhìn thấy những hiện vật, những hoạt động của các làng nghề truyền thống. Các em có cơ hội để trải nghiệm, thêm những kiến thức để các em học ở trường tốt hơn, cũng là dịp để các em rèn kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quan sát.” – Cô Hồng nói.
Khai thác tư liệu ký ức
Có thể thấy, những giá trị văn hóa dân gian tại Hội An bước đầu đã được hữu hình hóa bằng các hiện vật để giới thiệu đến đông đảo học sinh cũng như người dân và du khách. Tuy nhiên, rất nhiều giá trị văn hóa phi vật thể khác vẫn chưa được khai thác để bảo lưu và ngày càng bị mai một theo thời gian.
Chính vì vậy, mới đây, Trung Tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An đã tổ chức buổi gặp gỡ, tham vấn cộng đồng để thực hiện tư liệu lưu trữ về ký ức văn hóa Hội An. Lần đầu tiên, chương trình khai thác tư liệu ký ứcnày được tổ chức và đã đáp ứng niềm mong đợi của nhiều thế hệ cư dân phố Hội.
Cụ Thái Tế Thông- Nhà nhiếp ảnh Vĩnh Tân, người đang lưu giữ bộ ảnh tư liệu quý giá về đời sống sinh hoạt của người Hội An từ những năm đầu của thế kỷ XX đã bày tỏ: “Những quá khứ của Hội An về đủ mọi mặt văn hóa, lịch sử, con người,… thì không có bút tích nào mà ghi lại được hết, chỉ có qua cửa miệng. Vì vậy, tôi hoan nghênh việc làm này của trung Tâm để lưu lại cho đời sau những cái gì của Hội An. Hội An ngày càng đi lên nhưng không thể bỏ cái cũ được”.
Khai thác tư liệu ký ức từ nhân chứng sống- Ảnh: Quốc Hải
Tham dự cuộc gặp mặt, tham vấn này, 13 nhà văn hóa cùng các cụ cao niên đang sinh sống tại Hội An như nhà văn Nguyên Ngọc, các cụ ông Phạm Đức Bàng, Lê Khuê, Thái Tế Thông,…đã kể lại những ký ức xưa cũ liên quan đến các địa chỉ văn hóa, sinh hoạt thường ngày của người dân Hội An, trang phục, phương tiện đi lại, kinh doanh buôn bán, thể dục thể thao, ẩm thực, phong tục trong cưới hỏi, tang ma,… tại Hội An trước những năm 1970.
Chương trình bắt đầu thực hiện vào tháng 5/2016 và sẽ kết thúc vào tháng 10/2016 với hình thức tham vấn nhân chứng để thu thập thông tin, qua đó xử lý, bổ sung tư liệu phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu, phát huy các giá trị lịch sử – văn hóa Hội An.
Ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung Tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An khẳng định: “Dù hơi muộn nhưng rất may là còn một số cụ rất nhiệt tình với việc làm này. Đó là niềm động viên đối với chúng tôi để triển khai ghi nhận lại những ký ức xưa cũ thông qua các nhân chứng sống. Văn hóa Hội An luôn có sự kế thừa truyền thống”.
Những câu chuyện xưa cũ, những “ký ức văn hóa” nhuốm bụi thời gian đã và đang được kể lại. Bằng cách đó, mỗi người xích lại gần hơn với quá khứ, lắng nghe những câu chuyện của quá khứ để tô bồi cho hiện tại. Hơn nữa, một di sản văn hóa “sống” như Hội An, việc khai thác tư liệu ký ức là cách khơi gợi mạch nguồn của những giá trị vô giá mà các thế hệ người Hội An đã dày công vun đắp./.
Quốc Hải – Phan Sơn