Từ nền tảng đã có…
Lâu nay, chính quyền và người dân Hội An đều biết rằng, trong quá khứ, bên cạnh những chính sách cai trị thời thuộc địa, sự hiện diện của người Pháp đã tác động mạnh đến quá trình đô thị hóa ở Hội An. Người dân Hội An vào thời kỳ này được tự do xây nhà tầng và trang trí theo ý muốn. Tuy nhiên, với bản sắc văn hóa riêng của giới thương nhân, cộng với sự tiếp biến văn hóa, nhiều ngôi nhà ở phố cổ Hội An dù ẩn chứa bên trong những họa tiết cổ điển hoặc nội thất Việt, Hoa nhưng lại có mặt tiền mang phong cách kiến trúc Pháp. Cùng với đó, ở rất nhiều nơi tại Hội An, những dấu ấn của người Pháp vẫn còn hiện hữu qua các công trình kiến trúc có công năng như công sở, chợ, nhà thờ, cùng nghệ thuật trang trí dân dụng, các hình thức ẩm thực, y phục, y học, đồ dùng dụng cụ sinh hoạt mang dấu ấn văn hóa pháp. Vì thế, có thể nói, kiến trúc và văn hóa Pháp đã đóng góp quan trọng và trở thành bộ phận văn hóa kiến trúc không thể thiếu ở Đô thị cổ Hội An.
Một ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc Pháp ở đường Bạch Đằng- Ảnh: Lê Hiền
Với nỗ lực bảo tồn của chính quyền và các chủ sở hữu di tích, ngày nay, các công trình kiến trúc Pháp vẫn còn vẹn nguyên ở phía tây hai bên phố Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, một số ít rải rác ở đường Trần Phú và đường Phan Châu Trinh. Đặc biệt là ở tuyến đường Phan Bội Châu, nơi có 77 đơn vị kiến trúc nhưng nhìn tổng thể, đường phố này thường được gọi là “phố Pháp”, bởi nơi đây có nhiều di tích mang kiểu thức rất điển bình, nổi bật của phong cách kiến trúc Pháp. Nhiều công trình nhà ở kết hợp cửa hàng lớn được gìn giữ bài bản, quy mô. Những ngôi nhà kiểu Pháp xuất hiện hai bên các đường phố vẫn còn nguyên giá trị kiến trúc, mỹ thuật, tạo nên một hình ảnh Hội An với dáng vẻ riêng biệt.
Nhận diện những giá trị đặc sắc trong kiến trúc Pháp mà địa phương đang sở hữu, TP Hội An có chủ trương phục dựng Phố Văn hóa Việt Pháp, gắn với việc mở rộng không gian thực hiện đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”, “Phố đêm”. Điều đó được Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: « Chúng tôi ấp ủ đã rất lâu rồi, vì phố Phan Bội Châu rất là đẹp. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo một không gian thật là ấm cúng và thật là hay. Bởi vì rất là nhiều người Hội An, đặc biệt là những du khách yêu văn hóa Pháp, yêu nghệ thuật của nước Pháp, cho nên nếu chúng ta tổ chức một không gian đầy ắp văn hóa Pháp ở đây thì sẽ góp phần quảng bá văn hóa Pháp đối với du khách nói chung và Hội An nói riêng và đặc biệt góp phần cho Hội An thu hút thêm khách Pháp từ không gian này »
Phục dựng…
Hiện thực hóa mong muốn, chủ trương của lãnh đạo TP, hơn 2 năm nay, Trung tâm VHTT & TTTH TP.Hội An đã xúc tiến khảo sát thực tế, bước đầu xây dựng Đề án phục dựng phố Văn hóa Việt – Pháp tại Hội An, gắn với việc mở rộng không gian thực hiện đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”, “Phố đêm”. Theo đó, mục tiêu trước mắtlà sẽ phục dựng “Phố Văn hóa Việt-Pháp tại Hội An” gồm toàn bộ tuyến phố Phan Bội Châu, đồng thời bố trí các hoạt động tại phố Trương Minh Lượng để hòa nhập trong không gian chung với tuyến phố Phan Bội Châu. Ngôi nhà 33-35 đường Phan Bội Châu sẽ là nơi tổ chức các hoạt động theo chuyên đề và là trung tâm điều phối các hoạt động trên cả tuyến. Về lâu dài, sẽ mở rộng sang đường Huyền Trân Công Chúa, kết hợp các hoạt động trên sông, đồng thời hướng các kiến trúc loại 4 trên đường Nguyễn Duy Hiệu, Phạm Hồng Thái từng bước chuyển đổi mặt tiền sang kiểu thức kiến trúc Pháp. Việc hình thành không gian này nhằm từng bước xây dựng thương hiệu “Phố Văn hóa Việt-Pháp” là sản phẩm du lịch quan trọng, trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho người yêu mến văn hóa Pháp ở Hội An. Đồng thời các doanh nghiệp, các tổ chức bạn hữu, Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam coi đây là nơi gặp gỡ, trao đổi thông tin văn hóa theo tinh thần một trung tâm văn hóa Pháp như đã có ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong buổi làm việc thân mật, hợp tác mới đây với lãnh đạo TP Hội An, ông Vincent Floreani, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP HCMđã bày tỏ sự thống nhất cao với kế hoạch của thành phố. Ông nói: Chúng tôi rất mừng vì trong lịch sử, người Pháp đã để lại những dấu ấn văn hóa, kiến trúc rất đặc sắc ở Hội An. Và chúng tôi rất thán phục những nỗ lực bảo tồn, gìn giữ những giá trị ấy từ phía các bạn. Giờ đây, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Hội An để hình thành một không gian văn hóa Việt Pháp như thế này. Điều đó thể hiện và khẳng định mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa 2 bên. Và chúng tôi đã sẵn sàng cam kết hỗ trợ Hội An thực hiện và duy trì không gian ngoại giao văn hóa này trong tương lai. Ngay từ bây giờ, chúng tôi sẽ thực hiện dần từng hạng mục trong đề án của các bạn, trước mắt với sự hỗ trợ của các cá nhân đang sinh sống và làm việc tại Hội An và các tổ chức của Pháp tại Đà Nẵng. Sau đó sẽ tiếp tục ký kết hợp tác lâu dài theo thỏa thuận chung của 2 bên.
Tuyến phố Phan Bội Châu- Ảnh: Lê Hiền
Đề cao sự sáng tạo…
Trên cơ sở thống nhất thỏa thuận giữa hai bên, Hội An sẽ đưa vào hoạt động Phố văn hóa Việt – Pháp, gắn với mở rộng không gian thực hiện đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” và “Phố đêm” tại đường Phan Bội Châu (vào những thời gian nhất định), với nhiều nội dung, nổi bật là các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Cùng với việc hình thành một địa điểm hạt nhân trung tâm là Nhà văn hóa Pháp, với nhiều hoạt động chuyên đề như trưng bày, triển lãm nghệ thuật Pháp, kiến trúc Pháp, triển lãm dệt may, trình diễn thời trang Pháp và Châu Âu, thiết lập tủ sách và các ấn phẩm tiếng Pháp; trình diễn âm nhạc Pháp (đường phố), mở lớp dạy tiếng Pháp, hình thành Câu lạc bộ những người nói tiếng Pháp, tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học về kiến trúc, văn hóa Pháp, giới thiệu ẩm thực Pháp…; phố văn hóa Việt – Pháp tại Hội An còn có sứ mệnh ngoại giao giữa hai Nhà nước Pháp – Việt, kết nối với các Trung tâm Văn hóa Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, kết nối những người yêu văn hóa Pháp, công dân Pháp đến du lịch ở Hội An hoặc tổ chức nhiều hoạt động phối hợp, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Để làm được như vậy, ngoài nỗ lực trong mối quan hệ đối ngoại hợp tác của chính quyền,TP Hội An cũng sẽ lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp nằm trong vành đai Phố Văn hóa Việt Pháp, đồng thời kêu gọi mỗi người dân, doanh nghiệp và chủ di tích trên các tuyến phố thuộc đề án thực hiện các ý tưởng sáng tạo về bố trí không gian, thiết kế cảnh quan, trưng bày hàng hóa, kể cả bán hành lưu niệm đường phố. Tất cả đều cần tính nghệ thuật, sáng tạo, minh chứng cho tính cộng đồng, phù hợp với không gian văn hóa Pháp nhưng vẫn mang đậm bản sắc của một thành phố văn hóa, nhân tình, thuần hậu. Điều đó sẽ không chỉ giúp Hội An phát huy những giá trị đặc sắc, riêng có mà còn là đòn bẩy phát triển du lịch, thu hút thị trường khách Pháp và Châu Âu, mở thêm sinh kế và nâng cao đời sống người dân. Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn nói: Chúng tôi đã trao đổi rất nhiều về dự án này, về phố Pháp cũng như không gian văn hóa Pháp tại phố Phan Bội Châu. Cái này là dự án chúng tôi ấp ủ lâu rồi. Nó liên quan đến việc mở rộng không gian phố đi bộ ở Hội An, đồng thời tái hiện lại một quá trình giao lưu giữa hai dân tộc trong lĩnh vực văn hóa. Ở Hội An chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm về vấn đề này, đặc biệt là chúng tôi cũng đã tổ chức thành công không gian văn hóa Hội An – Nhật Bản, tại đường Nguyễn Thị Minh Khai và đã được hai Thủ tướng Nhật và Việt Nam tới khai trương. Đến nay hoạt động khá tốt. Và chúng tôi cũng ấp ủ một không gian thứ 2 đó là tuyến phố Phan Bội Châu, nơi phố đi bộ và trưng bày, trình diễn các hoạt động văn hóa của 2 dân tộc Pháp – Việt.
Như vậy, cùng với không gian văn hóa Hội An – Nhật Bản ở phía Tây khu phố cổ, việc phục dựng và hình thành Phố Văn hóa Việt Pháp ở khu vực phía Đông khu phố cổ không chỉ góp phần phát huy giá trị độc đáo, riêng có của đô thị cổ Hội An mà còn giải quyết được nhiều vấn đề về thị trường khách du lịch, điều tiết không gian du lịch trong phố cổ. Đây sẽ là không gian văn hóa đối ngoại thứ hai của TP Hội An (trước đó địa phương đã hình thành thành công Không gian văn hóa Hội An – Nhật Bản ở đường Nguyễn Thị Minh Khai), mang đậm tính đặc trưng, đặc thù và đó là điều không phải thành phố du lịch nào trên thế giới cũng có được sự may mắn và niềm vinh hạnh này như Đô thị cổ Hội An. Đây cũng là mục tiêu hướng đến xây dựng Thành phố Sáng tạo của chính quyền TP Hội An dựa trên những nền tảng những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống đang được bảo tồn gìn giữ từ trước đến nay.
Lê Hiền